Phải chi tôi biết cách thương con…

Cách nay gần 30 năm, tôi là một doanh nhân khá thành đạt, có vợ và một con trai. Một đợt huy động vốn bằng đô la Mỹ, đô la lên giá, tôi mất khả năng chi trả nên phải vào tù với mức án 10 năm. Lúc đó con trai duy nhứt của tôi chỉ mới một tuổi.


Phải chi tôi biết cách thương con…



Tôi được chuyển về một trại cải tạo ở Sông Ray, cùng là lúc vợ tôi gởi con cho nội để theo người đàn ông khác. Trong trại, tôi đọc báo và kết bạn thư tín cùng một cô giáo cấp 3. Ban đầu, cô giáo Phượng chỉ nghĩ tôi là một nhà nông khá giả và đề nghị tôi đến thăm cô ở Sài Gòn hoặc cô ấy lên nông trại thăm tôi. Lúc đó, tôi mới thú nhận hoàn cảnh của mình. Phượng không chỉ không cắt đứt liên lạc mà còn động viên an ủi tôi.

Muốn chứng tỏ mình là người đàn ông tốt, tôi luôn tỏ ra yêu thương con trai hết mực dù biết cháu không phải là đứa trẻ ngoan. Mẹ tôi đưa cháu vào thăm tôi, lúc đó cháu đã 4 tuổi, nhưng cháu ăn một chén cơm hơn hai tiếng đồng hồ, cháu vừa ăn, vừa chơi và ngậm cơm trong miệng rất lâu. Tuy nhiên, tôi không đổ lỗi cho mẹ tôi. Và cháu có thói quen đó đến lớn: Một bữa cơm cháu ăn hơn hai tiếng, cháu “nhơi” cơm đến trễ giờ học.

Cải tạo tốt nên tôi được về sớm cùng mẹ và con trai. Phượng cũng lặn lội từ Sài Gòn đến thăm tôi. Chứng kiến kiểu ăn uống của con trai tôi, Phượng góp ý và bị tôi nói như tát nước: “Tôi rất yêu con trai tôi. Ai có thể cầm dao cứa từng nhát lên cánh tay tôi, tôi vẫn tha thứ chứ đừng hòng đụng đến con tôi”. Mẹ tôi ngỡ ngàng sợ mất lòng Phượng, con trai tôi vênh mặt và tôi gạt ngang khi mẹ tôi cố cầm chân Phượng ở chơi vài ngày.

Phượng ra về, cắt đứt liên lạc với tôi, chỉ gởi thiệp cưới khi Phượng lấy chồng, một y sĩ. Con trai tôi, một học sinh cấp 3 mà thời gian ăn cơm vẫn lâu như hồi còn bé. Ăn cơm còn như thế đừng nói chi học hành: đi học trễ, không thuộc bài, hỗn láo với cô giáo và bị đuổi học. Gia đình không ai dám có ý kiến. Nó tự xem như một thiếu gia dù tôi đã thất thế, sống bằng nghề vá sửa xe đạp ở lề đường. Tôi vẫn luôn tự lừa dối mình là người cha tốt, hiểu con và cố bù đắp tình thương của mẹ mà con đã mất lúc còn rất nhỏ. Tôi cố xem sự bệnh vực, che chở của tôi là để con tôi quên đi người mẹ đã bỏ nó đi biền biệt mấy chục năm.

Thế rồi một hôm, tôi bủn rủn tay chân khi biết con trai mình sa vào heroin, phải giật dây chuyền để thỏa mãn cơn nghiện. Công an thành phố liên hệ với địa phương về hành vi cướp giật của con tôi sau khi nó vắng nhà suốt cả tuần. Tôi như ngã quỵ. Cuối cùng, nó theo con đường của tôi: vào tù với mức án 7 năm cho hành vi cướp giật, gây thương tích cho nạn nhân. Đến lúc này, tôi mới biết mình hoàn toàn ngu dốt khi tự cho phép mình xem con như một ông Trời con. Đau đớn hơn khi người chung quanh xì xào “cha nào con nấy”.

Nếu như trước đây, tôi nghe theo Phượng, một cô giáo đầy kinh nghiệm trong việc giáo dục con trẻ mà cơ bản là nết ăn, nết uống, có lẽ tôi đã có một gia đình hạnh phúc. Căn nhà của ba mẹ tôi đã được bán chia cho anh chị em chúng tôi. Phần tôi đã chi hết cho việc mướn luật sư, bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân và nợ nần nhiều năm của tôi mỗi khi đáp ứng đòi hỏi của con trai. Cuối cùng, tôi chỉ còn hai bàn tay trắng. Tôi phải thuê phòng trọ, hằng ngày mang tấm thân già hơn 60 tuổi ra ngồi lề đường bơm vá từng chiếc xe kiếm cơm qua ngày. Ôi, phải chi trước đây tôi đừng quá đề cao mình, biết dạy dỗ con, biết kiếm tìm hạnh phúc, có lẽ giờ đây tôi đã sống với Phượng cùng một đứa con chung của chúng tôi như Phượng từng ao ước khi tôi còn ngồi trong tù ngày nào.

Theo PNO