"Phá băng" cho "tổ lạnh"

Thực tế cho thấy khi vợ chồng giận hờn nhau không chỉ gây ra cảm giác bức bối mà còn ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe, thậm chí nảy sinh những cảm xúc tiêu cực. Và khi vì tự ái, vì cái tôi quá lớn, sự giận hờn nhanh chóng chuyển sang “chiến tranh lạnh” kéo dài.

"Già néo coi chừng đứt dây"

 

Theo các chuyên gia tâm lý, nếu im lặng đáng sợ hơn việc cùng nhau tranh luận đến mức nảy lửa thì sự “cấm vận” của các bà vợ còn khủng khiếp gấp bội phần. Không ít bà vợ tìm đến trung tâm tư vấn vì ông chồng đổ đốn và gia đình đang đứng trước nguy cơ tan vỡ. Bộc bạch cùng chuyên viên tư vấn, chị Th.H ở Tân Bình-TPHCM đã không cầm được nước mắt khi nói về ông chồng sinh tật “đi hoang” .

 

Theo chị Th.H, chồng chị là người lành tính, cục mịch. Gia đình có một xưởng cơ khí. Tài chính trong nhà do chị trực tiếp quản lý, cuộc sống ấm êm. Cách đây 4 tháng, khoản tiền dành dụm gần 20 triệu đồng định gửi ngân hàng bỗng dưng biến mất, chị hỏi nhưng chồng bảo có việc cần dùng mà không giải thích lý do. Truy mãi, anh chồng cũng chỉ im lặng, thậm chí đã vài lần nổi đóa với vợ. Chị bỏ công tìm hiểu thì được biết, khoản tiền đó chồng chị cho người anh trai mượn để sửa nhà.

 

Ấm ức vì chồng không bàn bạc, tự ý cho mượn, chị làm mặt giận. Sau một tuần vợ không thèm nói chuyện và “cấm vận” khiến anh chồng chán nản, tối nào cũng say khướt mới mò về nhà. Chị than thở: “Tôi đâu có hẹp hòi gì với anh em chồng, nhưng ảnh đã không nói với vợ một tiếng lại còn làm tới”.

 

Một tuần không thấy chồng xin lỗi lại còn chìm trong ma men, chị Th.H ôm con về ngoại. Gần một tháng trời, chồng chị không đến, chỉ gửi tin nhắn: “Về không, tôi lấy vợ khác”. Đến nước này thì chị Th.H thực sự ngồi trên đống lửa, về không được mà ở không yên.

 

Chuyên viên tư vấn Đặng Thanh Nga kể sau gần 2 giờ “mổ xẻ” nguồn cơn, cuối cùng chị Th.H đã hiểu thấu vấn đề. Đằng sau những lời nói thô vụng ấy là thông điệp cầu hòa của chồng. Đúng như dự báo, khi nghe vợ gọi điện bảo đến đón, anh chồng đã tức tốc có mặt tại trung tâm và hớn hở hỏi “Con đâu?”. Chị Th.H chỉ còn biết cười xòa.

 

Nhận biết tín hiệu... đèn xanh

 

Cũng theo chuyên viên tư vấn Đặng Thanh Nga, quá đà trong “chiến tranh” là tình trạng phổ biến trong đời sống vợ chồng hiện nay khi áp lực công việc, thời gian dành cho nhau ngày càng ít. Trong khi đó, các cặp vợ chồng phải đối mặt với trách nhiệm, con cái, tài chính..., dẫn đến những xích mích là điều không tránh khỏi nhưng giải quyết nó ra sao để giữ bầu không khí hạnh phúc mới là điều quan trọng. Thật sai lầm nếu sự giận hờn, bực tức được thể hiện bằng vẻ mặt lạnh lùng, thái độ im lặng. Cách hành xử ấy sẽ khiến không khí gia đình thật nặng nề, buồn chán.

 

Mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều có cách làm lành riêng khi “chiến tranh” xảy ra. Tuy nhiên, thời gian dài hay ngắn đều do chính bản thân và người bạn đời cảm nhận tín hiệu hòa bình phát đi. Có người thể hiện thiện chí bằng một nụ cười, một vòng tay ấm áp, một bữa ăn ngon hay một bó hoa bất ngờ.

 

Chị Trà Mi, tham gia buổi trao đổi với chuyên viên tư vấn, cho biết cách làm lành dễ thương của ông xã: “Mỗi khi biết vợ giận là anh tình nguyện xuống bếp thể hiện tay nghề. Ảnh vừa làm vừa hỏi đủ thứ từ tiêu, hành đến mắm, muối, cứ em ơi, em à... Dù rất giận, nhưng khi chồng nấu xong bữa cơm cũng là lúc vợ không thể nhịn được cười”.

 

Muốn đời sống tình cảm luôn mới mẻ, vợ chồng cần thường xuyên trò chuyện, tạo ra nhiều cơ hội gần gũi để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhau. Tham gia buổi trao đổi, chị Thúy Hạnh cho biết: “ ừ ngày quyết định về chung sống dưới một nhà, chúng tôi quy ước mỗi khi có chuyện gì không hài lòng về nhau thì phải nói thẳng ra chứ không được để trong lòng. Nhờ vậy chuyện giận hờn khó có cơ hội xảy ra mà thay vào đó là sự tranh luận. Mọi chuyện phải được giải quyết thỏa đáng, vợ chồng tôi không ôm cục tức vào giường ngủ”.

 

Không nên chỉ thỏa mãn cái tôi

 

Theo chuyên viên Đặng Thanh Nga, trong mọi tình huống không hài lòng về nhau, vợ chồng nên trao đổi để đưa ra những phương hướng giải quyết. Cơ bản là cả hai cùng hướng tới mục tiêu xây dựng, vun đắp chứ không nên làm thỏa mãn cái tôi của mình và muốn ra sao thì ra. Có như vậy, sẽ hạn chế sự hiểu lầm và tránh được những hành động làm tổn thương nhau.

 

Theo Bích Hà

Người lao động