Osin "trốn" việc sau Tết

(Dân trí) - Tuần đầu tiên sau Tết, trở lại với công việc lẽ ra nên tươm tất để được hên cả năm thì chị Thanh (Ba Đình, Hà Nội) đầu tóc, mặt mũi bơ phờ, không nén nổi bức xúc khi tâm sự với đồng nghiệp:

“Lên hay không phải gọi điện báo chứ! Đằng này trốn tiệt, lỡ hết kế hoạch của mình!”. Chị không phải người duy nhất điên đầu với osin những ngày này.
 
Osin "trốn" việc sau Tết - 1
Khốn đốn vì bị osin cho "leo cây".

 

Ra Tết, ai nấy đều quay về với công việc. Người làm kinh tế riêng, tự kinh doanh, buôn bán còn chủ động chọn ngày “mở hàng” được, chứ như dân công sở đúng mùng 5 Tết đã phải đi làm. Nhà nào thường ngày vẫn có osin giúp việc mà “nói dại”, osin chưa ra thì bấn lắm.

 

Biết vậy, chị Thanh đã phải cẩn thận hẹn đi hẹn lại người giúp việc từ trước Tết rằng “Mùng 5 nhé, mùng 5 trên này mọi người đều đi làm rồi, chị thu xếp lên đúng lịch còn nhúc nhắc việc nhà giúp em…”. Bà giúp việc gật gù dạ vâng ra chiều chắc chắn lắm.

 

Thế mà, mùng 5, từ sáng đến tối mịt chưa thấy lên. Nhà cửa ngổn ngang, con nhỏ, bố mẹ ở xa không lấy ra ai nhờ cậy được, chị Thanh đành xin nghỉ để “thu xếp việc nhà”. Nghĩ người quê ăn Tết “dây cà ra dây muống” có khi đến tận rằm, bắt lên mùng 5 thế này có lẽ cũng sớm quá, bà giúp việc còn quyến luyến gia đình, chị Thanh dằn bụng “chờ thêm cho qua hết cuối tuần, có khi thứ Hai bà ấy lên…”.

 

Thứ Bảy qua, rồi cả ngày Chủ nhật đến tuyệt không có tăm hơi gì. Tối Chủ nhật, chị quyết định gọi điện về quê.

 

Không liên lạc được với chính người cần gặp, chị chỉ có thể hỏi qua cô cháu họ của bà osin. Linh tính mách chị, bà ấy sẽ không lên nữa.

 

Y như rằng, đầu dây kia cô cháu họ vòng vo nói khó khi nghe chị hỏi thăm: “Mấy hôm em không gặp dì, nhưng hôm Tết em ở bên đấy thì thấy hình như cậu em không cho dì đi nữa… ngày mùa… ruộng… lấy ai mà làm…”.  

 

Tai chị chỉ còn thấy lùng nhùng. Quả chị không muốn nghe những lời vô nghĩa, đãi môi ấy. Nhà bà giúp việc có ông chồng khỏe mạnh “chuyên nghề” làm ruộng, còn lại “thất nghiệp” cả năm, rồi hai đứa con đều tuổi bẻ gãy sừng trâu, làm gì không lấy ra ai lo vụ mùa đến nỗi phải bắt vợ đang làm trên này với chị nghỉ việc. Là họ không có tình, không có tâm với chị, nên thích thì xin làm, không thích là nghỉ đấy thôi.

 

Chị chợt nghĩ trách mình dạo trước Tết bà ấy về đã thanh toán quá sòng phẳng lương, có giữ lại 10 ngày công nhưng số quà cáp, áo quần chị biếu bà ấy đem về quê, rồi tiền xe, tiền lì xì… còn quá 10 ngày công ấy!

 

Cô Nhân (Đống Đa, Hà Nội) cũng mất lòng tin ghê gớm với những người giúp việc từ dưới quê lên. Cô bảo: “Họ không qua được cái nếp nghĩ của người quê, không chuyên tâm, chuyên nghiệp với công việc. Lên đây đa số chỉ muốn làm tạm 1-2 tháng lấy lương rồi về với gia đình hoặc chuyển chỗ làm khác, nhưng lại ký hợp đồng với mình cả nửa năm trời, rồi phá hợp đồng, rồi trốn tránh không dám nói chuyện trực tiếp với gia chủ. Cô rút kinh nghiệm rồi. Chỉ mượn người Hà Nội đã nghỉ hưu, giúp việc theo giờ. Các bác ấy sạch sẽ, lại cùng nếp với mình. Lương tính ra có cao hơn chút nhưng bù lại, chẳng mất chi phí sinh hoạt cho người ta. Lại chẳng phải hướng dẫn gì nhiều, đỡ mệt!”.

 

Khi xã hội đã phân hóa lao động rõ ràng, giúp việc gia đình gần như được coi là cái nghề, thậm chí nghề “hot”, nhiều người cần đến, đó âu cũng là cái may cho bà con lao động nghèo ở vùng nông thôn có thêm cơ hội việc làm, thêm thu nhập.

 

Thiết nghĩ, bà con một khi đã xác định “theo nghề” cũng nên hết mình với công việc, khẳng định “thương hiệu” người quê chăm chỉ, thật thà, có trước có sau, có tình có nghĩa. Chớ nên đánh trống bỏ dùi, chỉ biết nghĩ cho mình, đi làm “kiếm thêm tí ti” để sắm sửa hoặc hoàn thành một mục tiêu kinh tế nào đó rồi bỏ việc giữa chừng khi chưa hết hợp đồng, gây không ít khó khăn cho gia chủ.

 

Về phần nhà chủ, để tránh rơi vào cảnh khóc dở mếu dở khi bị osin cho “leo cây”, cần kiên quyết, chặt chẽ với mọi điều khoản hợp đồng ngay từ đầu, phạt nặng nếu osin tự ý bỏ việc.

 

Lưu ý chỉ giữ các giấy tờ tùy thân có giá trị như chứng minh nhân dân để làm tin. Không thanh toán hết lương, hạn chế thưởng, hạn chế quà cáp khi chưa hoàn thành hợp đồng. Nếu muốn thưởng cho người giúp việc để ghi nhận sự cố gắng của họ trong công việc, hãy nói cho họ biết về số tiền, nhưng cũng nói rằng bạn sẽ cộng dồn và trao đầy đủ cho họ khi hợp đồng đã hoàn tất.  

 

Cũng nên đối xử với người giúp việc công bằng, văn minh, có tình, có lý, tạo cho họ tâm lý thoải mái, gắn bó khi sống với gia đình mình. Người chủ với người giúp việc ngoài quan hệ “đối tác” trên bản hợp đồng lao động vẫn còn thứ quan hệ người - người mà cái tình nên được đặt lên trên hết. Bởi dẫu sao, họ đến đỡ đần bạn việc nhà - đó cũng là một cái ân.

 

Huyền Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm