Ôsin “làm cao” mùa Tết

Cuối năm, ngập đầu việc cơ quan, việc nhà, nhiều gia đình càng khổ sở hơn khi người giúp việc đòi nghỉ.

 
Ôsin “làm cao” mùa Tết - 1


Đến hẹn lại lên, mỗi khi năm hết, Tết đến, cơ quan lo tổng kết, công việc cấp tập, ở nhà có hàng tá việc, nào là dọn dẹp, sơn phết, nào là sắm sửa, trang hoàng... Những gia đình có ôsin (người giúp việc) cứ nơm nớp lo có ngày nghe thông báo: “Ngày mai, cho em về quê, nhà có chuyện”.

 

Gia đình anh M.Thành (Q.10, TPHCM) có một con nhỏ và mẹ già hơi lẫn. Mấy ngày nay, anh mệt bở hơi tai vì người giúp việc xin về nhà làm đám cưới gấp trước Tết cho con trai ngoài 30 tuổi. Anh này chạy xe đường dài, tông người suýt chết nên gia đình muốn con cưới vợ rồi ở quê phụ gia đình làm ăn, không làm tài xế nữa. Lý do đưa ra phải cưới gấp là vì “sang năm không được tuổi, chờ thêm 3-4 năm nữa sẽ... quá ế”.

 

Còn gia đình anh Mười ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ, tuy hai con học tiểu học đã có thể tự lo nhưng anh vẫn thuê người giúp việc với mức lương khá hậu để vừa ngó chừng tụi nhỏ không chơi trò nguy hiểm vừa có thể phụ việc bán buôn. Mùa Tết - mùa làm ăn của gia đình anh Mười đang đến gần, chưa kịp kiếm thêm người giúp việc cho vụ Tết thì người giúp việc đang làm lại xin nghỉ vì “hai em cứ thí nghiệm bày bừa bãi và đổ nước ra đầy phòng, lại còn nói này nọ khiến tui buồn!”. Năn nỉ mãi và thêm lương 500.000 đồng, anh Mười mới có thể giữ chân người giúp việc.

 

Hay như trường hợp chị Ph.Linh (Q.3, TPHCM), có cậu cả mới hơn 3 tuổi và út gái chỉ khoảng 8 tháng. Anh chị ở riêng, đều đi làm nên phải nhờ hai người giúp việc lo việc nhà và trông em bé. Điều ngại nhất là thỉnh thoảng chị Linh phải phân xử giữa hai cô giúp việc hay tị nạnh nhau nên cuối cùng chị thuê hai chị em ruột cùng làm để có chị có em và chị không phải làm “quan tòa”.

 

Hôm rồi, làm ngoài giờ xong, chị Linh về đến nhà đã gần 20 giờ, chưa kịp uống hết ly nước mát đã nghe hai chị em xin về nhà để... đưa tang em họ tuổi teen vừa tự tử vì không được cưới vợ! Cận Tết thường đi làm về trễ, không có người giúp việc thì hai con của chị, đặc biệt là bé gái, phải thu xếp sao đây? Chị đành xuống nước năn nỉ: “Một cháu về thôi, Cẩm ở lại trông em nhỏ giúp cô với...”, nhưng họ một mực đòi về! Vợ chồng chị Linh phải xoay như... chong chóng, vừa đi làm vừa lo cho hai con, việc nhà làm được gì thì làm, bừa bộn chút cũng đành.

 

Một phần do chủ nhà

 

Đối với người Việt Nam, trong những ngày lễ, Tết, không gì vui và hạnh phúc bằng được sum vầy cùng gia đình, người giúp việc có nhân cơ hội này để “làm eo” hay không một phần cũng do chủ nhà.

 

Theo thạc sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, khi hiểu nhau, thương nhau, con người sẽ cư xử nặng phần tình cảm hơn là lý trí. Người giúp việc muốn về bên gia đình trong dịp lễ, Tết là tâm lý tất yếu. Chủ nhà nên thông cảm và tạo điều kiện cho họ về quê, cũng không quên thăm hỏi, tặng thêm lương, thưởng để thể hiện sự quan tâm và tôn trọng tình cảm gia đình của người giúp việc. Cảm nhận tình cảm tốt đẹp của chủ nhà, họ sẽ không phụ lòng.

 

Tuy nhiên, cũng có một số người giúp việc biết nhà chủ cần đã làm cao để được tăng lương; nếu được đáp ứng, họ sẽ ở lại dịp Tết. Tốt nhất là nên trao đổi thẳng thắn với người giúp việc ngay khi thuê về chế độ ngày lễ Tết, điều kiện, quyền và nghĩa vụ. Nếu người giúp việc làm cao, vòi vĩnh, gây khó nên thẳng thắn nói về cam kết ban đầu, không để họ lấn sân, ra giá vì người giúp việc như vậy thường không làm việc lâu dài.

 

Thạc sĩ Thúy còn cho rằng người giúp việc có vai trò rất quan trọng, không chỉ là người làm thuê mà còn có thể là người chia sẻ vui buồn cùng gia chủ, là bạn của các con... Vì thế, các gia đình hãy đánh giá đúng vị thế, vai trò của người giúp việc và có cách cư xử hợp lý, hợp tình.

 

Theo An Phương

NLĐ