Ô sin “người nhà”

Đa số chị em thích có người giúp việc là người nhà, vì độ tin tưởng cao hơn so với ô sin qua giới thiệu của các trung tâm môi giới, nhưng liệu điều này có hoàn toàn đúng?

 

Ô sin “người nhà” - 1


Lợi thì có lợi, nhưng…

 

Hường vui mừng ra mặt khi tìm được người giúp việc mới thay “chị ô sin vừa lười, vừa thích làm đỏm” trước (như lời cô nói). Điều quan trọng, đây là bà thím họ hàng xa nhà Hường, nên cô cũng yên tâm hơn rất nhiều, vì dù sao cũng là người nhà.

 

Tháng đầu tiên có thím đến, Hường thấy thoải mái thời gian hẳn ra. Thím đã nuôi tới 4 đứa con, “đầy mình” kinh nghiệm. Trước kia ô sin nhà cô vụng, lại không có kinh nghiệm chăm em nên cô mới vất vả.

 

Nhưng chẳng hiểu sao dạo này bé Bo nhà cô cứ thỉnh thoảng lại đi ngoài. Trước kia cũng thực đơn hàng ngày như thế bụng dạ bé có sao đâu. Hôm chủ nhật nghỉ ở nhà, Hường để ý và tá hoả khi thấy thím nấu bột có 5 phút đã xong.

 

- Thím ơi, đây là bột họ xay sẵn cháu mua ở siêu thị, có rất nhiều thành phần cho thêm vào chứ có phải mỗi gạo đâu, thời gian nấu chín tối thiểu phải là 20 phút, cháu đã dặn thím rồi mà.

 

- Ôi dào, bột sôi là chín rồi, quấy làm gì nhiều cho dính nồi. Trẻ con ở quê còn ăn khoai sống, lạc sống có làm sao đâu?

 

Hường ấm ức lắm, nhưng không dám nói nữa, chỉ khi vào đến phòng riêng mới lẩm bẩm: “Trẻ con ở quê khác, thím cứ làm như…”. Từ hôm đó, buổi trưa cũng như buổi chiều, cô hấp tấp về nhà tự tay nấu bột cho con.

 

Nhà Hường ở chung cư nên cũng có rất nhiều ông bà, người lớn tuổi ở chăm cháu. Cứ sáng sáng, chiều chiều rảnh rỗi là thím lại bế cháu ra hành lang hay xuống sân chơi và “buôn dưa lê” cùng hàng xóm. Ban đầu Hường cũng thấy vui vẻ, vì như thế là thím có người trò chuyện, sẽ bớt nhớ nhà. Nhưng điều làm cô khó chịu nhất là thím cứ hay mang chuyện gia đình cô ra để kể. Thím chê cô đủ thứ, nào ngang bướng, không chịu nghe lời người lớn, chậm chạp, vụng chăm con v.v...mà sự thực đâu đến mức như vậy. Hường chỉ bảo vệ những gì cô cho là đúng, chế biến thức ăn cho con cô làm rất tỉ mỉ thím lại bảo chậm? Vụng chăm con mà con cô lại mũm mĩm nhất khu ư?

 

Biết tính thím vậy, Hường cũng để ý hơn trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Có chuyện gì vợ chồng vào phòng riêng đóng cửa nói chuyện, chứ cô không hồn nhiên trao đổi ở bàn ăn như mọi khi nữa. Dần dần, cô cảm thấy mình như đang bị ô sin thím “soi” hệt mẹ chồng “soi” nàng dâu vậy.

 

Hường đem mọi ấm ức kể với chồng, anh động viên:

 

- Thôi em ạ, dù sao thím cũng là bề trên, mình nhường nhịn một tý. Chỗ người nhà nhiều cái dù sao cũng tin tưởng hơn.

 

Hường im lặng, bởi ban đầu cô cũng nghĩ như vậy. Nhưng bây giờ thì…

 

Cho cháu mang về quê nhé?

 

Đó là “điệp khúc” mà chị Lan phải nghe cô cháu họ bên nhà chồng kiêm ô sin giúp việc gia đình “ca” vài lần mỗi tuần đến ngán ngẩm.

 

Mẹ chồng chị trong một lần lên nhà chơi đã dắt theo cô cháu họ “bắn đại bác 3 ngày mới tới” để đỡ đần vợ chồng chị việc nhà. Chị vốn “ngại” va chạm với bên nhà chồng, thuê người giúp việc là cháu của mẹ chồng khiến chị rất khó xử, nhưng đành đồng ý.

 

Từ ngày có ô sin, chị Lan bận rộn hơn. Thuý, cô cháu họ, vốn ít tuổi, lại tính trẻ con nên lóng ngóng chẳng biết làm gì. Sử dụng máy giặt, nồi cơm điện, lò vi sóng… chị đã hướng dẫn mấy lần mà cô bé không nhớ. Có hôm đến bữa ăn, mang nồi cơm ra thì còn nguyên gạo vì chưa bấm nút.

 

Chưa hết, quần áo khô mang gấp để cất vào tủ, Lan đã dặn để riêng ra các ngăn tủ cho gọn gàng, nhưng cô bé cứ để lẫn lộn lung tung hết. Lan đã mấy lần nhắc nhở, nhưng cứ nhắc buổi sáng, buổi tối chị sẽ nhận được điện thoại của mẹ chồng: Em nó còn trẻ ngườì non dạ con phải nhẹ nhàng, dạy bảo em từ từ chứ. Tuy rất bực mình, nhưng Lan vẫn phải im lặng, chờ có dịp thuận tiện sẽ nhắc nhở Thuý.

 

Điều làm Lan khó chịu nhất là phải nghe “điệp khúc xin” của Thuý. Trong nhà, hễ có đồ dùng nào ít khi sử dụng là sẽ bị vào “tầm ngắm” của cô cháu giúp việc. Tuần trước, chị vừa phải ngậm ngùi chia tay chiếc túi xách giữ gìn gần chục năm rồi, chiếc túi chị mua kỷ niệm tháng lương đầu tiên đi làm. Vậy mà tuần này, nhân dịp về quê thăm mẹ, cô cháu lại thủ thỉ xin cái ấm đun nước siêu tốc mà chị mới dùng được vài lần vì: “Ở quê cháu toàn đun củi, có khách đến mà chờ đun được siêu nước thì khách đã về mất, có cái này khỏi phải lo”. Chưa hết, cô bé còn xin tăng lương do: “Bây giờ cái gì cũng đắt đỏ hơn, mẹ cháu ở quê lo lắm”. Lan dù không hề muốn cũng khó có thể từ chối vì nể ô sin là họ hàng bên nhà chồng.

 

Có thể nói mâu thuẫn giữa ô sin và chủ nhà là chuyện muôn thủa, vẫn thường xuyên xảy ra. Cư xử với ô sin là người ngoài đã khó, với người nhà càng đòi hỏi gia chủ phải khôn khéo hơn. Tốt nhất bạn nên trao đổi thẳng thắn ngay từ đầu những quy tắc cơ bản của gia đình để ô sin dù là người nhà hay người ngoài đều rõ, để tránh được những dở khóc, dở cười như 2 câu chuyện trên.

 

Theo Thùy Dung

Eva