Ở rể

Vừa hỏi ý chồng xem nên thay rèm cửa phòng ngủ không, Thu thấy chồng ngồi bên máy tính, chẳng buồn quay đầu lại, giọng điệu “khiêu khích”: “Nhà cô mà, cô muốn “thay voi thay tiên” gì thì thay”.

Bực mình, Thu cáu: “Anh sao thế? Em có động chạm gì đến anh đâu. Em hỏi tử tế mà anh trả lời kiểu đấy à?”. Chồng Thu không nói, đứng dậy, xô đổ ghế rồi phóng xe đi mất. Thu ngồi ôm mặt khóc.
 
Ở rể - 1


 

Gần 8 tháng sinh nở rồi về ở với ông bà ngoại, vợ chồng Thu khúc mắc liên miên. Bố Thu bị tai biến mạch máu não, giờ bị liệt chỉ nằm trên giường. Mẹ Thu mắc bệnh khớp, một mình chăm bố rất vất vả. May có bà bác ruột lên trông con nhỏ giúp Thu.

 

Nhà Thu còn có thêm cậu em trai rất bướng. Vì đi học xa nhà nên thỉnh thoảng em trai Thu mới về. Ít gặp nhưng hễ giáp mặt là anh rể - em vợ có chuyện. Chồng Thu không đồng tình vì em trai Thu hay đi chơi khuya, cãi bố mẹ và chị gái, hay nói trống không... Một lần mâu thuẫn, em trai Thu bảo: “Nhà của em, em thích làm gì thì là quyền của em”.

 

Sau lần ấy, chồng Thu tự ái. Vợ hỏi gì cũng đáp là không phải nhà mình, muốn làm gì thì làm. Chồng Thu đang muốn dọn ra ngoài. Anh không thể ở rể lâu hơn được nữa.

 

Giống Thu, vợ chồng Hà (Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang tìm thuê nhà sau hơn 2 năm ở bên ngoại. Hà và chồng học cùng Đại học. Hai người yêu nhau, kết hôn. Hà là con một. Vì thế, Hà phải động viên mãi, anh chồng mới chịu ở rể.

 

Cuộc sống chung ban đầu khá tốt. Tuy nhiên, khi sinh đôi hai cậu con trai, ông bà ngoại rất vất vả. Có lần, hai cháu khóc váng lên, dỗ mãi không được, ông ngoại mất giấc ngủ trưa quát: “Vợ chồng chúng mày ra ngoài mà ở đi. Tìm osin mà trông con. Ai hầu mãi được”. Chồng Hà nghĩ bị ông ngoại coi thường nên khăng khăng đòi tìm nhà, tìm người trông con. “Ông ngoại cáu thì nói thế thôi nhưng cũng hết lòng vì con, vì cháu. Có món gì ngon, ông cũng mua cho cháu, rồi ôm bế, đưa các cháu đi chơi... cũng mệt mỏi lắm. Biết thế nhưng ông cứ cáu lên là đòi đuổi cổ con cháu. Mình cũng chán, cũng muốn ra ngoài” - Hà than thở.

 

Mẹ Hà thì gàn, bảo đừng “chấp” ông ngoại, ở đây cho có bà, có cháu. Vài bữa nữa, gửi hai “thằng quỷ” đi nhà trẻ là yên chuyện. Tuy nhiên, chồng Hà vẫn không chịu.

 

“Ở dâu” còn khó, nữa là ở rể

 

Không ít trường hợp, chuyện ở rể bị “đứt gánh” sau một thời gian chung sống. Tâm lý này cũng là bình thường, bởi lẽ nhiều nàng dâu còn muốn “bứt phá” vì ngột ngạt cảnh sống chung, nói chi đến đàn ông.

 

Khi mâu thuẫn nảy sinh hoặc bị chạm tới lòng tự ái, nhiều anh chồng muốn dọn ra ngoài cho dù biết sẽ vấp phải vô vàn khó khăn. Ở vào hoàn cảnh này, vợ chồng nên trao đổi cởi mở với nhau. Người vợ nên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chồng. Sau đó, phân tích những khó khăn như kinh tế, người trông con, điều kiện sống... nếu dọn ra ngoài. Nếu chồng “ok” thì hai vợ chồng có thể ra ngoài sống.

 

Nếu vì điều kiện nào đó, người vợ muốn sống gần ông bà ngoại hoặc khó khăn khi tìm người trông con nhỏ thì có thể bàn với chồng thuê nhà gần ông bà ngoại. Khi ấy, con nhỏ có thể nhờ bà ngoại chăm, tối đón về. Vợ chồng vừa có không gian riêng, vừa được bà ngoại đỡ cho khoản trông cháu.

 

Theo Ngọc Bình
Mẹ và bé