Ở nhà trông con

(Dân trí) - Trước đây nếu bạn nói với tôi rằng thế nào cũng có ngày tôi bỏ việc ở nhà trông con, tôi sẽ cười vào mũi bạn (hoặc chí ít cũng cười sau lưng). Ở nhà trông con là việc không tưởng!

Phụ nữ cũng cần có công việc, có quan hệ xã hội, quan trọng là cái thế của mình trong gia đình chứ. Ở nhà trông con, “ăn bám” chồng, kiêm “osin”... hả? Không đời nào!

 
Ở nhà trông con


Nhưng sau 4 tháng suốt ngày ở nhà “cắm mặt vào mông” đứa con mới sinh (không ngoa chút nào đâu, bạn có thể hình dung tôi là một bà mẹ cận thị, cận nặng tới nỗi dù đã đeo kính thì khi tôi thay bỉm cho con, khoảng cách từ mắt tôi đến mông thằng bé vẫn rất... gần), tôi đã nhận ra rằng tôi yêu nó biết bao. Nó mới bé bỏng, non nớt làm sao, và tôi chưa thể rời nó để quay lại guồng công việc lúc này.

 

Thế là tôi bán phắt cái điện thoại thông minh có ích được cho tôi trong bao nhiêu việc khi còn đang đi làm. Tôi trở thành bà mẹ ở nhà trông con. Cuộc chuyển đổi này không tránh khỏi những thổn thức. Hóa ra ở nhà chẳng dễ như người ta tưởng chút nào. Dưới đây là những điều đáng ngạc nhiên tôi học được trong thời gian đó:

 

1. Dẫu có tiền thuê cả đội vệ sinh công nghiệp, vẫn phải tự dọn dẹp vệ sinh thôi

 

Chuyện càm ràm lắm! Con mèo sẽ hốt hoảng vì bị con bạn túm đuôi tới nỗi nó sửng cồ nhảy vèo qua làm rớt cái bình đang cắm hoa với đầy nước trong đó; Thằng nhóc nhà bạn chẳng hiểu đã no hay nghĩ ra trò sáng tạo gì đột nhiên đổ cốc sữa của nó xuống thảm để vầy trong khi lẽ ra phải tu hết.

 

Cho dù bạn đã hứa là sẽ đẻ ra đứa trẻ vệ sinh sạch sẽ nhất trên trái đất này thì cuối cùng vẫn thấy nó thật nhếch nhác: Thuốc siro nhoe nhoét quanh mồm là nhanh tay... quệt, những chiếc bỉm cũ bốc mùi, áo yếm đầy mũi dãi... Có những thứ bạn phải tự xắn tay làm ngay lập tức, không thể chờ ai đó đến dọn giúp bạn đâu.

 

2. Tự nhiên có form cực chuẩn

 

Đẩy xe đưa con đi dạo, bế lên đặt xuống đứa trẻ, nhoài người đỡ lấy chiếc cốc suýt rơi v.v. cứ bảo sao sau vài tháng ở nhà trông con, tôi có được thân hình rắn chắc, khỏe khoắn nhất trước đây chưa từng có. Quanh quẩn với con ở nhà khác nào “múa” trong phòng tập liền tù tì 9 tiếng đồng hồ đâu, khác nỗi không cần phải có nhạc thật “bốc”.

 

3. Ngửa tay xin tiền chồng

 

Đó sẽ là thứ trải nghiệm được mô tả là “nuốt kiêu hãnh vào trong”, đặc biệt nếu trước khi sinh con, bạn hoàn toàn độc lập về tài chính. Hãy lên kế hoạch cẩn thận từ trước khi có ý định bỏ việc. Tốt nhất là luyện cho “ngấm từ từ” - hãy tập sống bằng tiền của chồng vài tháng trước khi bỏ việc. Bạn cũng cần thảo ra xem mình sẽ cần mỗi tháng bao nhiêu cho các chi phí trong gia đình và nhu cầu cá nhân của bạn. Và đừng quên thảo luận với chồng xem bạn sẽ lấy tiền theo cách nào, ngửa tay nhận hàng tuần, hàng tháng, hay qua tài khoản hoặc anh ấy cứ để tiền trong nhà cho bạn tiêu...

 

4. Phải nỗ lực kết bạn

 

Một góc tối trong chuyện nghỉ việc ở nhà sinh con chính là: Bạn luôn thấy cô đơn, cứ như bị tách biệt với thế giới người lớn vậy. Hãy đối diện: Hầu hết thời gian thức bạn dành ở cạnh con trong khi những người lớn khác còn đang làm việc. Lời khuyên hữu ích dành cho bạn là hãy ra ngoài tìm kiếm những bà mẹ xung quanh, có thể là ở sân chơi, trong công viên, trong phòng chờ khám nhi cũng được.

 

5. Mắc “bệnh thành tích”

 

Cách nhìn của bạn lúc này là, tôi đã bỏ cả việc để ở nhà trông con, thế nên nếu 12 tháng mà nó chưa biết đi hay cả đêm nó quấy không chịu ngủ, nó sút cân vài lạng thì đích thị là tôi đã làm gì đó không đúng cách rồi. Chả trách ai được ngoài bản thân tôi cả.

 

6. Mọi người sẽ cho rằng cả ngày bạn chẳng làm gì

 

Có vài người hỏi tôi: “Chị làm gì cho hết ngày?” - một câu hỏi rất đáng được chú ý và cũng dễ khiến bất cứ bà mẹ ở nhà trông con nào nổi điên lên.

 

Sự thực, tôi có thể liệt kê ra mọi việc không tên từ việc nhà đến con cái. Chúng khiến tôi làm quần quật không ngừng nghỉ như cái máy suốt từ 6 giờ sáng, nhưng nếu bạn không ở đó mà chứng kiến, thì có nghe cũng thấy như trò trẻ con thôi.

 

7. Định nghĩ về “thành công” của bạn thay đổi

 

Tôi cũng như người khác, thích được công nhận. Song phải thú thực là, tôi đã ở đó chứng kiến những bước đi đầu tiên của con, điều đó còn tuyệt hơn cả mọi cảm giác thỏa mãn khi được thăng chức hay nhận thưởng trong công việc.

 

8. Thấy nhẹ nhõm khi nghe bạn bè phàn nàn về “osin” nhà họ

 

Thực tình, mỗi khi nghe những người mẹ khác đang đi làm phàn nàn chuyện người giúp việc ăn hết cả phần của con hay để con họ hăm đỏ vì bỉm ướt sũng mấy tiếng liền không thay, tôi lại có chút nhẹ nhõm vì đứa con bé bỏng của mình không phải chịu cảnh như vậy.

 

Hẳn nhiên tôi không phải bà mẹ hoàn hảo, cũng chẳng bao giờ muốn thấy trẻ con nhà khác gặp chuyện không may, nhưng biết rằng mình có thể ở bên con mỗi ngày để bảo vệ, chăm sóc nó là thứ cảm giác vô cùng thanh bình, thoải mái.

 

Huyền Anh

Theo MSN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm