Ở nhà làm “ô sin”

Tốt nghiệp đại học sư phạm, Hiền hãnh diện lắm. Chẳng gì cả làng, cả họ mới có Hiền tốt nghiệp trường như thế. Nhưng cùng với tấm bằng tốt nghiệp, Hiền đã có thai đến tháng thứ 3. Cả gia đình ngậm đắng nuốt cay nhưng con dại, cái mang nên vội vã lo chạy cưới.

 
Ở nhà làm “ô sin”  - 1


Nhà Hiền và nhà chồng đều rất khá giả, nên mọi việc lo đám cưới cũng thuận buồm xuôi gió. Đám cưới xong, vì đang có bầu nên cả hai bên nội ngoại quyết định cho Hiền ở nhà chờ sinh xong rồi xin việc. Nhưng sau khi sinh xong, mãi Hiền không xin được việc. Con đã được 3 tuổi vẫn ở nhà trông con. Khi được một công ty vệ sĩ gọi đi làm, Hiền mừng lắm vì hơn 3 năm ở nhà, Hiền cũng muốn thay đổi không khí.

 

Đi làm được nửa năm thì công ty gặp khó khăn. Hiền là người tính thẳng lại hơi nóng nên nhiều lúc làm sếp không hài lòng. Bởi vậy Hiền bị nói khéo để tự xin nghỉ việc. Lại ở nhà thêm nửa năm nữa. Rồi cứ ở nhà mãi khiến cuộc sống quen dần đi.

 

Thời gian đầu mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái vì chồng Hiền có thu nhập ổn định, lại khá cao. Nhưng sau khi quyết định ra làm riêng, gặp thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế gia đình cũng lâm vào tình trạng khó khăn. Ngày xưa, chồng Hiền lúc nào cũng tự đắc: “Vợ cứ ở nhà chăm con, có nuôi thêm một vợ một con mà không nổi thì còn gì ra thằng đàn ông chứ”. Nhưng khi công việc gặp trục trặc, chồng Hiền liên tục tỏ thái độ khó chịu về sự... suốt ngày ở nhà của vợ.

 

Cơm hơi khô cũng cáu, nhà hơi bẩn cũng nạt, con ốm mãi không khỏi cũng làm chồng Hiền nổi khùng: “Ở nhà có việc chăm con mà không nổi thì được tích sự gì?”.

 

Bố mẹ chồng những ngày đầu còn cung cấp tiền cho ăn tiêu, nhưng ngày một ngày hai là cắt viện trợ luôn. Thấy chồng Hiền mệt mỏi để nuôi hai mẹ con, bà lúc nào cũng cằn nhằn về sự... vô tích sự của Hiền.

 

Hiền buồn lắm, vì nếu về quê, Hiền có chỗ làm ngay. Nhưng nghề của chồng chỉ phù hợp làm ở thành phố nên Hiền theo chồng. Lên thành phố, xin việc rất khó, Hiền cũng không ít lần đi xin nhưng đâu có dễ dàng.

 

Mệt mỏi vì phải chăm cu cậu nghịch ngợm cả ngày, đắn đo mua sắm những món ăn đủ chất mà vẫn rẻ tiền, làm vô vàn những việc không tên trong nhà nhưng đến khi chồng về, Hiền mệt mỏi thêm vì sự bức bách của chồng theo kiểu giận cá chém thớt. Những buổi chồng Hiền đi làm về say mèm tiện thể tát cho vợ mấy cái khi cô cằn nhằn không đến nỗi phải viết đơn li dị, nhưng cuộc sống như vậy thật mệt mỏi.

 

Ở một góc nhỏ trên đường Trần Cung, anh Tiến cũng mệt mỏi với tình cảnh của mình. Làm công nhân xí nghiệp khoan nước, một năm chắc anh chỉ đi làm khoảng 1, 2 tháng. Suốt ngày chờ việc khiến anh nản vô kể. Anh cũng xin đi làm nhiều nơi nhưng đều bị từ chối. Vợ anh làm trong một công ty kinh doanh gạch men cao cấp. Khá nhạy bén trong kinh doanh nên kinh tế gia đình ổn định. Sinh con được 4 tháng, vợ anh đi làm, vậy là “gà trống” quyết định ở nhà chăm sóc con.

 

Thời gian đầu quả là khó khăn bởi khi vợ sinh hai bên nội ngoại tấp nập, anh chỉ giúp những việc vặt. Nhưng sau 4 tháng, anh phải trông con một mình. Con vẫn còn nhỏ quá, thiếu sữa mẹ nên cả ngày khóc lóc. Một mình đàn ông, tay cứng chân vụng nên anh thực sự vất vả. Con lớn dần, anh cũng dần quen việc nên không còn gì khó khăn. Nhưng càng ngày anh càng nhìn thấy những ánh mắt không thiện cảm của vợ.

 

Thỉnh thoảng vợ lại mời những đôi vợ chồng giàu có, chồng giám đốc, vợ kế toán... đến nhà chơi rồi hết lòng khen ngợi chồng họ. Rồi những lúc riêng tư nhất, vợ cứ kể lể về những người đàn ông giỏi giang, ga lăng sang trọng mà cô gặp trong công việc.

 

Dần dà, thấy vợ hay về muộn, nhiều lúc còn thoáng hơi bia rượu, anh nhắc nhẹ thì bị vợ trong cơn say quát lại: “Anh ở nhà cả ngày thì biết gì mà dạy đời cái thân gái này. Đã nuôi báo cô lại còn lắm điều”.

 

Đúng là đàn ông thật nhưng cũng không thể không nhỏ nước mắt tủi hổ. Việc anh không đi làm cũng phải giấu nhẹm bên đằng nhà vợ cho đỡ xấu hổ. Đã vậy hàng xóm láng giềng suốt ngày xì xào về người đàn ông thất nghiệp, về những chiếc xe sang trọng suốt ngày đón vợ anh đi sớm về khuya, rồi nhìn anh với cái nhìn thương cảm.

 

Theo chuyên gia tâm lí Mai Thúc Hà, những người ở nhà làm nội trợ đang có một hi sinh lớn. Ai cũng có nhu cầu đi làm, quan hệ và khẳng định mình, chẳng ai muốn trở thành tỉ phú thời gian với những công việc không tên trong nhà. Bởi vậy hơn ai hết, những người đi làm nên thấu hiểu tâm tư, tình cảm nửa còn lại mà có những hành động cho đúng, phù hợp.

 

Trái đất tròn và mọi thứ vẫn đang vận động. Bởi vậy, ở nhà nội trợ không có nghĩa là bất tài. Có thể những người ở nhà đang hi sinh cho gia đình, vì họ biết lựa chọn việc làm phù hợp nhất để có được một gia đình hạnh phúc.

 

Tuy nhiên, cũng có thể, đó chỉ là một giai đoạn trong cuộc sống, là khi họ chưa nắm được cơ hội để bộc lộ năng lực của mình. Họ sẽ làm được nhiều điều nếu có sự động viên của nửa còn lại. Hãy cho họ thời gian. 

 

Theo Tuổi trẻ Thủ đô