Ở đâu có nhà, ở đó có Tết
(Dân trí) - Tết về trong tiếng gà quê một sáng bỗng gáy vang nhà, căn nhà nhỏ tràn ngập hương lá mùi nghi ngút tỏa từ nồi nước xông mẹ đun để tắm gội, tẩy sạch "bụi trần" trước khi đặt mâm cơm lên cúng lễ ông bà tổ tiên, mong một năm mới an hòa, thuận lợi.
Tôi yêu mùi nước lá, yêu cả tiếng gà quê hiếm hoi lắm mới thấy cất lên giữa thành phố đã trở nên hiện đại và nhộn nhịp. Yêu cũng bởi lẽ, đó là dấu hiệu của một năm mới sắp sang, là sự lặp lại của một cảm giác có tính chu kỳ, mỗi năm một lần thôi nên tim lúc nào cũng bồi hồi xao xuyến. Lại một năm gõ cửa, những điều phía trước đầy hứa hẹn và còn bí ẩn, những điều bỏ lại đằng sau đã trở thành kỷ niệm khi nghĩ về như thước phim quay chậm, càng về với tuổi thơ thước phim càng rõ nét.
Những ngày tôi còn nhỏ, cứ giáp Tết là bà bác dưới quê lại gửi lên cho đôi gà, cùng vài chục trứng và một ít quà quê, toàn vườn nhà trồng được. Mẹ bảo gà sạch, trứng sạch, không hoá chất, quà quê rất quý, là công lao chăm bẵm của người quê biết bao tháng ngày. Tết gửi gắm quà quê gửi gắm cả ân tình, yêu thương trong đó.
Bởi nhà nào ngày Tết cũng nhốt gà nên bọn trẻ trong xóm phố lại có thêm thú vui mới - tãi thóc cho gà ăn. Mấy đứa nghịch ngợm còn rủ nhau đi chọc gà khắp xóm. Bị người lớn phát hiện, la mắng thì chạy té khói. Tôi có lần tham gia nhóm ấy, chạy mặt cắt không còn giọt máu vì sợ mà rồi vẫn hí hửng vì "chạy thoát", vì vui. Nghĩ đến trẻ con bây giờ, điện thoại thông minh, trò chơi điện tử, nhưng chắc chắn không có nhiều trải nghiệm thú vị như chúng tôi ngày ấy.
Cô út đi du học gọi điện về cho bố mẹ. Ở đất nước xa xôi không thể về đoàn tụ với gia đình, những ngày này nó quắt quay bảo thèm, bảo nhớ không khí Tết quê nhà. Còn dặn mẹ mùng 3 Tết nấu bún riêu nhớ chụp hình gửi sang cho nó xem. Như chuyện ăn cơm với cá gỗ, nó nhìn ảnh thôi cũng xem như đã được nếm, được ngồi ăn với cả nhà. Nghe mà rưng rưng muốn khóc. Lại mong ngày cả nhà sẽ cùng nhau đón một cái Tết thật thật đầm ấm, sum vầy.
Qua Tết này con gái lấy chồng, chắc đây cũng sẽ là cái Tết cuối cùng được theo bố ra hồ Gươm lúc giao thừa, hoà vào dòng người đi hái lộc cầu may. Thủa bé, cứ đêm 30 tôi và bố lại xuất hành, sau phút thư thái đi dạo bên hồ hái lộc là chen chân giữa nghi ngút khói hương, xin một năm thuận hòa, an lành cho tất cả. Mùi hương ấm trầm bám vào áo quần, thấm với sương đêm và lất phất mưa Xuân theo vào tận trong giấc ngủ.
Ấu thơ của tôi Tết vẫn còn tiếng pháo. Tiếng pháo đinh tai nhức óc có khi khiến trẻ con sợ hết hồn, nhưng mùi thuốc pháo thì rất đặc trưng - đó là "mùi Tết". Pháo đốt xong xác áo bay lả tả, hồng như cánh hoa đào, đi trên con ngõ nhỏ khép mình trong khu phố cổ rải đầy xác pháo dẫn vào nhà cứ ngỡ bước trên thảm hoa đào dẫn đến cái tổ chim cúc cu, bé nhỏ mà xinh xắn và ấm áp.
Tết giờ khác nhiều lắm, vị Tết cũng đổi thay. Nhưng có một điều vẫn mãi không thay đổi - đó là khoảng thời gian đặc biệt dành riêng cho gia đình. Chỉ cần còn có gia đình, có những người thân ruột thịt ở bên, là luôn còn vị Tết.
An Nhiên