Ở cùng mẹ chồng

(Dân trí) - Nó về làm dâu cũng đã ba năm có lẻ, những ấm ức, cay cú dường như sắp lĩnh hội đủ, các quy tắc bất thành văn bắt đầu được nó thiết lập để tạo nên kinh nghiệm cho mình, trong đó có những quan điểm sai mười mươi mà vẫn đành phải bấm bụng tuân theo.

Nó dần rút ra khái niệm “ở cùng mẹ chồng” và “sống chung với lũ”, hình như là một câu đồng nghĩa nhưng khác âm. Bởi nó quá ngán ngẩm với những bài học xứng đáng được cho vào viện bảo tàng trưng bày cổ vật của mẹ chồng. Như, làm phận đàn bà là phải biết nhịn nhường, lo toan, giành về mình phần thiệt thòi hơn cho chồng con còn nhờ. Chồng về đến nhà dù vợ đang đầu tắt mặt tối cũng phải tươi cười chạy ra niềm nở chào đón, cất cặp cất mũ, kể cả chồng vừa đi nhậu say xỉn, chơi bời chán chê ở đâu về. Bà từng làm dâu hơn ba mươi năm, trong những hoàn cảnh còn bất công hơn thế, gánh vác, chịu đựng bao vất vả, tủi cực, vậy mà sao giờ lại cũng muốn con dâu mình phải chung số phận tương tự?

 
Ở cùng mẹ chồng


“Đang khi lửa tắt cơm sôi, lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem. Bây giờ lửa đã cháy lên, lợn no con nín tòm tem thì tòm”. Phải thế mới là người phụ nữ đảm đang chính chuyên, nó nghe bà rao giảng, đọc và dạy đi dạy lại về sự tươm tất của người phụ nữ, tự hỏi không hiểu ông chồng trong câu ca dao ấy có bị què chân hay cụt tay không mà để vợ một mình xoay sở với hàng núi việc như vậy mà vẫn còn tâm trí để mà đòi “nọ kia”. Sao anh ta không nhóm lửa, cho lợn ăn, còn vợ thì cho con bú chẳng hạn, rồi hai người cùng vui vẻ.

 

Thi thoảng nó cứ phải nhịn như “ăn cơm tám”, để dành về báo lại với chồng theo chỉ thị từ “trên” giao, để chồng nói lại với mẹ sẽ dễ hơn, chứ con dâu mà nói bà lại lu loa lên.

 

Dù nhiều lúc nó muốn nói thẳng quản điểm “Mẹ chê ít chứ, chê vừa thôi và cứ từ từ mà chê, đừng có dồn dập quá kẻo con không tiếp thu, lĩnh hội đủ những gì mẹ yêu cầu”. Bà khiến nó có cảm giác mẹ chồng chẳng có việc gì để làm và đã hết chuyện để nói nên cứ lê la từ chỗ nọ sang chỗ kia mà bêu rếu con dâu. Những lời nói bâng quơ buôn chuyện khi đến tai nó không thể là những lời góp ý hữu ích, chỉ càng khiến nó cảm thấy nặng nề, muốn hét lên “Những chuyện ấy liệu cả làng cả tổng đã biết chưa, hay để con bắc loa kể cho thông suốt và mọi người đều tỏ”.

 

Nó cứ cố suy nghĩ mọi việc rất nhẹ nhàng, bức xúc mãi rồi cũng phải tự làm nguội mình. Sau này nó cũng làm mẹ chồng, thể nào chả mắc lỗi này tật kia khiến con dâu phiền muộn. Không biết bỏ qua, cứ chấp nhặt thì mình là người khổ tâm trước tiên, “đời người có mấy cái mười năm đâu”, rồi sẽ qua cả thôi.

 

TSL

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm