"Nuôi vợ" - Đừng chạy theo mốt

Không chỉ có các đại gia mới muốn vợ ở nhà ăn sung mặc sướng mà đến ngay cả những ông chồng thu nhập chí tạm dư đôi chút cũng muốn chạy theo cái mốt “nuôi vợ”.

Họ làm vậy để họ được tiếng là “bản lĩnh đàn ông thời nay”, “chiều chuộng vợ hết mực” để bất cứ lúc nào cũng mang cái chuyện mình nuôi vợ ra để nói với thiên hạ rằng: Mình tôi gánh vác cả một gia đình trên vai, vợ con tôi được an nhàn hưởng thụ.

 

Mọi chuyện hẳn sẽ “xuôi chèo mát mái” nếu như người vợ được chồng nuôi hoàn thành thiên chức “xây tổ ấm” của mình. Thế nhưng, khi mà sự sung sướng, an nhàn vượt quá ngưỡng ắt sẽ nảy sinh những mâu thuẫn. Và bi kịch của tổ ấm sẽ xảy ra khi tổ ấm chỉ có một người vun đắp.

 

Cái lý này của những cô vợ đã sẵn tính lười sẽ có điều kiện để phát huy tối đa cái “sự lười” ấy khi được chồng chăm chút và ngồi chơi không cả ngày.

 

Bản thân họ chỉ biết đến mỗi việc hưởng thụ. Điều cơ bản nhất họ cũng không muốn biết đó là chồng mình phải vất vả, khó khăn như thế nào để kiếm được tiền. Bởi đơn giản lúc nào họ cũng tự cho rằng: Mình đang là một phu nhân thuộc giới thượng lưu, nên cứ hưởng thụ.

 

Dung vốn thất nghiệp suốt từ thời là con gái. Cô sống nhờ vào hết người đàn ông này đến người đàn ông khác. Đến khi Dung gặp được Mạnh, một anh chàng mới tạm ổn định công việc trong một công ty liên doanh nước ngoài.

 

Gặp một gã có vẻ khờ như Mạnh lại thấy anh rất mực galant và hào phóng. Dung quyết định chinh phục để lấy chốn nương thân cả đời. Không mấy khó khăn để Dung lấy được trái tim Mạnh. Chỉ sau vài tuần quen nhau, Mạnh và Dung đã về xin phép hai gia đình làm đám cưới.

 

Đám cưới xong, dĩ nhiên Dung được chồng nuôi. Vì cô vốn chẳng có việc gì để làm. Vả lại, Mạnh là một anh chàng thích thể hiện và khoe mẽ với bạn bè về việc mình nuôi được vợ, mình để vợ được ăn sung mặc sướng.

 

Thế là hàng ngày, Mạnh quần quật làm việc hơn 14 tiếng đồng hồ, còn Dung thì ở nhà ăn uống và tìm chỗ đi chơi, đi mua sắm. Thực ra, thu nhập của Mạnh cũng chỉ có hơn 7 triệu đồng một tháng. Nhưng anh đã trót thể hiện với vợ và mọi người xung quanh là anh có một “tài khoản kếch xù” để dành tiền rồi.

 

Dung cũng luôn tưởng như thế nên khi Mạnh đưa tất cả tiền lương cho cô thì cô tha hồ chi tiêu và chẳng bao giờ để dư được đồng nào. Thấy cách chi tiêu của vợ Mạnh cũng rất lo lắng nếu như hai người có con thì lấy tiền đâu ra chi dùng.

 

Nhưng đã trót lừa vợ là mình kiếm được nhiều tiền nên anh chấp nhận để Dung chi tiêu hoang phí vào những thú vui riêng của cô. Dung càng tiêu tiền nhiều thì Mạnh càng phải cố gắng lao động cật lực hơn để có chút tiền dành dụm nuôi con.

 

Tuy nhiên, Mạnh không chỉ phải lo chuyện kiếm tiền mà về nhà một mình anh vẫn phải lo dọn dẹp cửa nhà và quán xuyến việc họ hàng hai bên. Dung ngày càng ì ra, cô ngại đụng vào bất cứ việc làm gì, ngay cả việc về quê thăm bố mẹ chồng cô cũng ngại. Cô chỉ thích cả ngày nằm ườn trên ghế xem phim, ăn vặt và đi ăn ở nhà hàng.

 

Có lúc Mạnh nói khéo với vợ là hãy biết lo thu vén nhà cửa để tính chuyện sinh con thì Dung lại bày trò hờn dỗi cho rằng chồng mình đã “thay lòng đổi dạ” không muốn nuôi mình nữa.

 

Mà Mạnh thì từ lâu đã sợ vợ lắm rồi nên mỗi lúc vợ giận anh càng sợ hơn. Thế nên anh đành chấp nhận vừa làm cái “ngân hàng” để vợ rút tiền vừa làm oshin cho vợ.

 

Cũng như Mạnh, Thành rất muốn ra oai là một người đàn ông “đầu đội trời chân đạp đất” bằng việc: Nuôi vợ và cho vợ một cuộc sống an nhàn sung túc. Làm đám cưới với Vân xong, Thành bảo Vân xin nghỉ việc để ở nhà lo lắng chuyện bếp núc, nhà cửa. Vân đồng ý ở nhà.

 

Lúc đầu, cô cũng cảm thấy thừa thãi chân tay khi suốt ngày cứ ra vào quanh bốn bức tường. Nhưng về sau khi cái nhịp sống buồn tẻ ở nhà khiến Vân mỗi ngày một thêm sức ỳ thì cô lại cảm thấy mình phù hợp với việc ở nhà ngồi không.

 

Cô nằm trên giường và xem ti vi cả ngày. Đến việc đi chợ mua đồ ăn cô cũng gửi hàng xóm. Sinh hoạt của Vân thất thường và mọi vật dụng trong nhà đều trở nên bừa bãi, luộm thuộm. Thành vốn đã rất chiều chuộng vợ nên khi thấy Vân ngày một lười nhác thì anh cũng đành tặc lưỡi: Vợ sung sướng là mình thích rồi...

 

Câu chuyện kiếm tiền có thể chỉ là của một người. Vì lâu nay cái quan niệm “của chồng công vợ” đã luôn đúng. Thế nhưng bi kịch của những tổ ấm chỉ có mỗi một người đàn ông chạy như con thoi để kiếm tiền và vun đắp tổ ấm là điều tất yếu xảy ra.

 

Khi Dung mang bầu, Mạnh phải tất bật ngược xuôi hơn nữa để kiếm tiền. Thế nhưng tiền anh đưa cho vợ càng nhiều thì vợ tiêu càng nhanh và dần dần hai vợ chồng anh lúc nào cũng ở trong tình trạng lo lắng chuyện tiền bạc.

 

Đến lúc này, Mạnh buộc phải nói thật cho Dung thu nhập và đề nghị cô biết quán xuyến chi tiêu. Dung như có cú sốc khi biết chồng không giàu như mình tưởng. Cô càng chán nản, càng ì ra. Mạnh phải làm tất cả mọi việc và thấy thái độ của vợ anh càng bị ức chế.

 

Những trận cãi vã của vợ chồng Mạnh bắt đầu nảy sinh và ngày một nhiều. Dung luôn cho rằng chồng sợ mình, coi mình là số một nên cô càng muốn làm già với chồng. Nhưng cũng đã đến lúc anh không chịu được vợ nữa. Anh mang câu chuyện vợ lười, vợ không kiếm được tiền ra để dằn vặt mỗi lúc anh đi làm về. Dung cảm thấy nỗi tủi nhục ngày một dâng lên. Nghĩ đến đứa con trong bụng nên cô đành cắn răng chịu đựng.

 

Và cũng bắt đầu từ những cuộc cãi vã này, Mạnh nhận ra một chân lý: “Không phải đàn ông nuôi vợ là bản lĩnh, là hay ho, là có tổ ấm hạnh phúc và chẳng mấy ai thán phục những gã đàn ông dại dột muốn để vợ là “bà chúa”…”.

 

Bi kịch của vợ chồng Thành cũng nảy sinh khi Vân càng ngày càng tỏ ra chán chường mọi việc. Đến cả chồng cô cũng chẳng mấy mặn mà khi tiếp xúc. Bởi cuộc sống nhàn rỗi, ì ạch khiến cho cô chẳng còn hứng thú điều gì nữa.

 

Thấy vợ vạ vật như cái bóng lại chẳng chịu đụng tay đụng chân việc gì khiến Thành muốn nổi điên. Từ một anh chồng chiều chuộng vợ hết mực Thành trở nên cục cằn thô lỗ với Vân. Cũng từ lúc này, Thành cảm thấy ân hận vì đã trót để vợ ngồi ở ngôi cao mà cung phụng. Anh còn ân hận hơn vì đã lấy vợ, đã có một tổ ấm - mà tổ ấm ấy chỉ có một mình anh vun đắp nó.

 

Theo Phụ Nữ Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm