Nuôi con một mình

(Dân trí) - Có vợ có chồng, ở cùng nhà, ăn cùng mâm nhưng việc chăm sóc, nuôi dạy con cái chỉ một tay người vợ. Vậy là bao tức bực mệt mỏi khi không ai đỡ đần, chia sẻ đều chút lên đầu lũ trẻ. Tại anh chồng vô trách nhiệm? Hay tại chị vợ quá đảm?

Khi mẹ vợ đảm đang

 

“Thuỷ, con là con hay là mẹ mẹ thế hả? Con vừa nói cái gì? Tại sao mẹ nói mà con lại nói như vậy? Chiều chuộng cho lắm vào để ngày càng láo”… Tiếng chị Hà sa sả mắng con khiến bà mẹ chồng ở phòng bên vội chạy sang: “Con dạy cháu thì nhẹ tiếng đi một chút. Đang cáu giận thì đừng có kiểm tra bài vở của con mà rồi lại bực mình thêm”. “Bà kệ con, Con này nó láo lắm. Không dạy không được. Con nuôi con một mình nên phải thế”. Bà mẹ chồng như chết điếng người trước câu nói của con dâu…

 

Lấy chồng nhưng do không có điều kiện nên chị Hà dọn về ở chung với bố mẹ đẻ. Vốn là con út, được chiều chuộng từ bé nên mọi việc trong nhà đều một tay mẹ chị đảm trách. 2 vợ chồng trẻ chỉ việc ăn, đi làm rồi học hành. Đến khi sinh cháu, vì là “con đầu cháu sớm” lại út ít trong nhà nên mẹ chị nhanh chóng trở thành “vú nuôi”, một tay chăm chồng, chăm con, chăm cháu. Thành ra, không giống như các bà mẹ con mọn, chị Hà tha hồ tung tẩy, đến bạn bè cũng phải bảo: “Mày lạ thật, có con mà cứ như không”.

 

Chồng chị Hà, anh Hưng, cũng là út, lại ở nhà vợ nên càng được cưng chiều. Đi làm về là ngồi ôm máy tính, mọi việc trong nhà, từ kê dọn, sửa chữa nhà cửa đến chơi với con đều do một tay bố vợ đảm nhiệm. Đôi lúc, Hưng thấy mình như người thừa nhưng vì gánh trọng trách tập trung lo kinh tế cho gia đình nên dần cũng thấy thế là đương nhiên.

 

Rồi đến lúc 2 vợ chồng cũng ra ở riêng. Thời gian đầu, bà ngoại thương con gái, nhớ cháu ngoại qua thăm nom thường xuyên, ở lại cơm nước phục vụ nhưng dần dần bà cũng không thể bỏ ông mà đi mãi. Vậy là chị Hà một tay phải đảm nhiệm quán xuyến gia đình trong khi chồng vẫn không thay đổi nếp sống cũ, thậm chí còn tự do hơn hồi ở chung, khi con đi ngủ rồi bố mới đi làm về và đều đặn tuần dăm buổi đi qua đêm, không về nhà.

 

Khi mâu thuẫn với người giúp việc lên đến đỉnh điểm, nhà lại không rộng rãi gì, chị quyết định cho nghỉ thì cũng là lúc gánh nặng gia đình với 2 đứa con tuổi nghịch ngợm như đè nặng trên vai. Một tay chị tất tật lo toan từ việc chọn trường nào cho con đi học, đưa con đi học, đi khám bệnh, đi chơi, cho con ăn, dạy con học… Vậy là bao nhiêu bực dọc, chị chút hết vào con để rồi càng thấy mình bất lực khi thấy con cái khó bảo, bướng bỉnh. Nhiều người ái ngại khuyên chị: “Phải bảo chồng cùng gánh vai nuôi dạy con cái chứ? Cứ thế này thì lớn làm thế nào…” - “Ui dào, mong gì ông ấy! Đến vợ còn chả nhờ được việc gì nữa là dạy con”, chị than mà như khoe.

 

Cũng đúng thôi, một tay anh lo kinh tế, vất vả nơi thương trường, lo cho cuộc sống mẹ con chị đủ đầy tuy không nhà lầu nhưng cũng xe hơi, tiền tiêu rủng rẻng… hơn nữa lại có mẹ đẻ, có khó khăn gì, chỉ cần ới một tiếng là bà có mặt, cần sửa chữa, làm gì thì có bố, có anh...

 

Rồi nữa, chị cứ nhìn gương mẹ chị, cả đời chăm chồng, chăm con tận tuỵ đến mức khi chưa lấy chồng, nhiều lúc chị phải thốt: “Mẹ chiều bố quá thể”. Bố chồng chị thì vẫn tự hào là không biết mở cái chạn bát bao giờ. Nhưng giờ lấy chồng rồi, chị bỗng trở thành bản sao lúc nào không biết. Và nếu thấy ông chồng nào chăm vợ chăm con một chút là chị thấy “xốn mắt”, chê bà vợ là lười, là không đảm đang… bởi theo chị “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.

 

Tại mẹ chồng lý tưởng

 

Khác với Hà, vợ chồng chị Huyền sớm ở riêng tự lập. Anh là tiến sĩ trẻ nhiều triển vọng, luôn bận bịu với công việc nên chị thương chồng, càng cố gắng lo cho gia đình chu toàn. Rồi 2 cậu con trai kháu khỉnh nối tiếp chào đời, nhân thêm niềm vui của 2 vợ chồng trẻ nhưng vợ chồng cũng bận rộn nhiều hơn. Anh thương chị nên muốn gánh vác cùng vợ, khi trông đứa nhỏ, lúc đi đổ rác, lau nhà, phơi quần áo… Nhưng đấy là anh chỉ làm khi bố mẹ đẻ không lên chơi.

 

Vậy mà rồi cũng có lần cụ bà nhìn thấy anh đi đổ rác. Mẹ anh lập tức chỉnh huấn con dâu: “Là phụ nữ, mình phải chăm sóc, làm việc nhà. Con làm như vậy thì chỉ tổ thiên hạ chê cười là chồng con sợ vợ và cũng chê cười nó là lấy phải vợ lười”.  Chị nhẫn nhịn trước câu nói như tát nước vào mặt của mẹ chồng. Chị hiểu bố mẹ anh không ưa gì chị, cho tới tận trước khi cưới 1 ngày, 2 cụ mới tạm chấp nhận chị dù trong lòng tiếc đứt ruột cô con dâu hụt, là thạc sĩ lại đảm đang mà các cụ đã “dấm” cho con trai.

 

Từ lần đó, mỗi lần đến chơi hay khi con giai về thăm, mẹ anh Luyện lại thủ thỉ, đề nghị anh giữ đúng gia phong nền nếp gia đình, việc nhà là của vợ, nuôi dạy con cái cũng phải là người mẹ. Lâu dần, anh thấy mẹ mình nói đúng, không đụng chân mó tay vào bất cứ việc gì trong nhà nữa.

 

Chuyện con cái cũng vậy. Nếu ở xóm, ai cũng bảo con chị cứng cáp, khỏe mạnh thì mẹ chồng chị lại chê: “Không biết mẹ nó nuôi con kiểu gì mà để 2 cháu bà xanh rớt thế này?”. Chị bấm bụng phân trần nhưng chỉ nhận được cái nguýt dài của mẹ chồng: “Chị đừng có thanh minh, ngày xưa tôi nuôi cả 3 đứa con, chẳng có đứa nào còi cọc như thế này" rồi quay sang cháu xuýt xoa: "Có người mẹ đoảng nên cháu bà mới ra thế này!”. Hết chuyện sức khỏe, bà quay sang học hành: “Cháu bà 5 tuổi rồi mà chưa biết đọc biết viết gì hết à? Thế này thì mang tiếng là có mẹ là giáo viên tiểu học quá”… Chị lặng thinh chẳng dám nói nửa câu, chỉ cố gắng thu xếp chút thời gian ít ỏi để dạy con cho vừa lòng bố mẹ chồng bởi nếu nói nửa lời thì cũng sớm nhận được cái bạt tai của chồng.

 

Còn anh Luyện, chồng chị, trước những lời trách mắng của mẹ, anh không dám bênh vợ, cũng không cùng vợ bàn bạc mà càng ngày càng thấy mẹ nói đúng. Anh khẳng định: “Việc nhà là việc của cô. Cô làm mẹ, làm vợ, cô phải đảm trách những việc đó” và cũng từ đó, anh thường xuyên đi sớm về hôm, công tác liên miên, bận bịu cả những ngày lễ tết.

 

Góp ý việc nhà chưa thỏa, mẹ anh Luyện còn can thiệp cả vào chuyện chi tiêu trong gia đình con trai. Biết anh Luyện đưa vợ 3 triệu mỗi tháng, bà nói thẳng: “Anh đưa vợ thế là quá nhiều, ở trên này chưa bao giờ tiêu đến ngần ấy mỗi tháng. Cả vợ cả chồng đều có lương, anh đưa thế chỉ làm chị ý tiêu hoang”. Vậy là một lần nữa, anh Luyện lại thấy mẹ nói chí lý, rút ngay xuống 2 triệu đưa vợ. Chị Huyền nước mắt ngắn dài nghĩ đến đồng lương tiểu học nuôi chồng và 2 con ở chốn Hà Thành đắt đỏ…  

 

Theo các chuyên gia, câu cách ngôn “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” nên được vận dụng một cách linh hoạt, nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Việc người phụ nữ xây tổ ấm nên được hiểu là biết sắp xếp, tạo nề nếp, thói quen tốt trong gia đình chứ không phải là gánh vác toàn bộ việc nhà để các đức ông chồng, dù tài giỏi đến mấy, chỉ lo việc kinh tế.

 

Còn các đức ông chồng, đừng vì quan niệm cũ mà sao nhãng việc nuôi dạy con cái. Bởi trong thời đại phát triển nhanh như hiện nay, việc nuôi dạy con cái hoàn toàn không hề đơn giản và cần rất nhiều sự giúp đỡ và định hướng từ cả bố và mẹ. Trước những yếu tố ngoại cảnh tác động, cần bình tĩnh, bàn bạc với vợ để ứng xử sao cho khéo léo, vẹn cả đôi đường.

 

Về phần người vợ, cần hiểu đảm không nhất thiết phải giành lấy tất cả các việc nhưng cũng không ỉ lại, dựa dẫm vào cha mẹ đẻ hay cắn răng chịu đựng, nhất nhất nghe lời bố mẹ chồng. Bởi khi cái gì thái quá thì cũng đều dẫn tới những điều ngoài ý muốn, ảnh hưởng tới hạnh phúc lâu dài.

 

Minh Thu