Éo le đàn bà làm trụ cột gia đình (1):

Nuôi cả nhà chồng vẫn bị chê là ngu dốt

Trong suy nghĩ của nhiều người, đàn ông phải là trụ cột gia đình. Thế nhưng thực tế trong không ít gia đình hiện nay phụ nữ là người lo toan kinh tế chính. Điều đó được coi như một bước tiến về bình đẳng giới, khi phụ nữ trở nên thành đạt hơn ngoài xã hội. Nhưng trong sự tiến bộ về bình đẳng giới đó nhiều khi lại không mang lại hạnh phúc cho phụ nữ ngay trong chính gia đình họ.

Xinh đẹp, tài giỏi, kiếm tiền nuôi sống cả gia đình mình và gia đình chồng nhưng Ngọc luôn bị chồng mắng là ngu dốt, vô tích sự, trong khi anh chồng mỗi tháng chỉ đưa cho vợ… 4 triệu đồng.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lấy chồng học giỏi nhưng không biết kiếm tiền

Ngọc và Tuấn cùng quê Thanh Hóa. Ngọc yêu Tuấn khi còn là một cô bé học sinh lớp 12 phổ thông. Ngày đó Tuấn đã vào đại học. Tuấn học giỏi nhưng bố mẹ nghèo. Khi đang học đại học, Tuấn phải đi làm gia sư để kiếm tiền học và trang trải mọi chi tiêu. Nghỉ hè về quê Tuấn cũng tranh thủ làm gia sư để kiếm tiền ăn học.

Tuấn là gia sư của Ngọc, giúp Ngọc ôn thi đại học. Trái tim cô gái mới lớn là Ngọc ngày đó đã thổn thức trước người thầy gia sư của mình. Ngọc yêu Tuấn vì thấy cậu học giỏi lại có ý chí lớn khi vừa đi học vừa đi làm như vậy.

Sau khi Ngọc đỗ đại học, hai người tiếp tục yêu nhau suốt những năm tháng xa nhà. Bố mẹ Ngọc không muốn Ngọc yêu Tuấn vì nhiều lý do. Trong đó, theo Ngọc hiểu thì bố mẹ không thích Tuấn bởi Tuấn vừa xấu trai lại con nhà nghèo. Bất chấp sự ngăn cản của bố mẹ, Ngọc vẫn yêu Tuấn suốt những năm tháng tuổi trẻ. Ngày ra trường, hai người đi đến hôn nhân, mặc cho gia đình Ngọc khuyên can. Bố mẹ Ngọc khuyên can mãi không được, cuối cùng đành chấp nhận. Họ thở dài “thôi thì trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vậy!”.

Chuyện tình yêu tưởng đẹp như thế, khi trở thành vợ chồng họ sẽ sống hạnh phúc. Thế nhưng mọi chuyện lại không như Ngọc nghĩ. Mặc dù khi còn là học sinh, sinh viên học giỏi nhưng ra trường Tuấn đi làm chỉ kiếm được tiền lương ba cọc ba đồng. Kinh tế chủ yếu do Ngọc lo liệu.

Tuấn tốt nghiệp Đại học Xây dựng, ra trường xin làm việc tại một công ty xây dựng với thu nhập chủ yếu trông vào tiền lương.

Còn Ngọc học Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Ra trường cô không đi làm thiết kế mà quay sang kinh doanh đồ nội thất. Việc làm ăn khá thuận lợi nên Ngọc đã trở thành người gánh vác kinh tế chính trong gia đình. Sau 5 năm lấy nhau, Ngọc đã mua được hai mảnh đất và xây được một ngôi nhà xinh xắn, đầy đủ tiện nghi ở Hà Nội. Còn Tuấn, mỗi tháng chỉ đưa cho vợ 4 triệu đồng.

Khổ vì tâm lý bất ổn của chồng

Vợ chồng Ngọc có hai con, một trai, một gái. Nhà cửa đàng hoàng, công việc của chồng tuy không kiếm nhiều tiền nhưng ổn định, việc làm ăn của Ngọc cũng thuận lợi. Đáng lẽ với điều kiện như thế, vợ chồng họ sẽ có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nhưng ngược lại, quan hệ vợ chồng của họ lại nhiều nước mắt hơn nụ cười.

Tuấn mắc phải tật hay dỗi. Vợ chồng mà tranh luận hay cãi nhau là y như rằng chồng dỗi vợ. Mà mỗi lần giận vợ là ôm gối ra ngủ riêng ở phòng khách hàng tháng trời. Có lần vì dỗi vợ mà Tuấn ngủ riêng suốt 5 tháng, không hỏi han quan tâm gì đến vợ con. Ngọc mà không năn nỉ xin lỗi là giận không biết đến bao giờ mới làm lành.

Không chỉ hay dỗi vợ mà Tuấn còn thường xuyên mắng chửi, chê trách, tỏ ra khinh thường Ngọc. Khi Ngọc sinh con, mẹ chồng từ quê ra Hà Nội trông cháu. Một lần bà bị ho nhưng Ngọc không biết nên sáng sớm vẫn đi làm bình thường. Chiều về, Ngọc bị chồng mắng là đồ con nọ, con kia. Rằng “mẹ tao ốm mà mày không ở nhà trông con. Mày ác vừa thôi chứ!”.

Tuấn cũng thường xuyên chửi Ngọc là đồ vô tích sự, không làm được cái gì cho cái nhà này cả. “Con mày đẻ ra mày không thèm chăm”… Ngọc cãi “anh nói lại đi, tôi không đi làm kiếm tiền thì lấy đâu ra tiền mà nuôi chúng nó đây…”. Ngọc nói chưa dứt câu, Tuấn liền cầm luôn chiếc lọ tăm thủy tinh để trên bàn ném thẳng vào mặt Ngọc, máu chảy tràn trề.

Ngọc kể, có những việc rất cỏn con nhưng chồng cô rất hay chấp nhặt và chửi cô không ra một thứ gì. Trong việc ứng xử với người bên gia đình chồng, nhiều khi Ngọc không biết nên thế nào vì kiểu gì cũng bị chồng chửi. Hỏi ý kiến chồng thì Tuấn không bao giờ trả lời. Tuấn cũng chẳng bao giờ bảo vợ nên làm thế này, thế kia. Mà nếu Ngọc tự ý làm điều gì đó là cũng bị ăn chửi.

Về hình thức Ngọc đẹp hơn chồng. Gia đình cô cũng bề thế giàu có hơn gia đình chồng. Trong gia đình nhỏ của mình, Ngọc cũng kiếm tiền nhiều hơn chồng… Ngọc không chỉ là vai trò chính nuôi sống gia đình mình mà cô còn lo hết cho mấy đứa em của Tuấn ăn học. Nhà cửa của bố mẹ chồng ở quê cũng do Ngọc mang tiền về xây sửa khang trang hơn. Thế nhưng éo le là lúc nào cô cũng bị chồng chửi mắng là đồ vô tích sự, là đồ ngu dốt. Ngọc mà cãi là y như nhận một cái bạt tai hoặc hứng ngay bất cứ thứ gì chồng vớ được lúc đó.

Từ ngày lấy nhau đến nay đã gần 10 năm nhưng chưa bao giờ Tuấn nhớ đến sinh nhật vợ. Chưa một ngày mồng 8 tháng 3 nào Tuấn biết mua quà hay chỉ là một bông hoa tặng vợ.

Kể chuyện với chuyên gia tư vấn Ngọc cũng phàn nàn rằng, không hiểu tại sao số mình lại hẩm hiu như vậy. Bạn bè của Ngọc nhiều người chẳng xinh đẹp giỏi giang gì, thậm chí là “đại ngốc”, “đại hâm” thế mà lấy chồng đã được nhờ kinh tế lại còn được chồng yêu chiều và sợ vợ một phép. Còn với Ngọc đã không được nhờ chồng về kinh tế rồi, phải một mình bươn bả kiếm tiền nuôi sống gia đình lại bị chồng coi rẻ, khinh thường và thậm chí là bị bạo lực như ta đã thấy.

Giải thích về sự tréo ngoe này, TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, sự bất hợp lý trên thực chất là một điều hết sức dễ hiểu. Biểu hiện của ông chồng như vậy là một dạng cơ chế tự vệ, tự vệ theo kiểu tiêu cực.

Do vậy, phụ nữ khi phải làm trụ cột gia đình, họ rất khó tạo dựng được hạnh phúc bởi sự bất ổn tâm lý nơi người chồng. Khi phụ nữ làm trụ cột gia đình, họ không chỉ phải gánh vác gánh nặng kinh tế trong gia đình mà còn vô tình trở thành cái gai trong mắt các ông chồng…

Tâm lý đàn ông luôn muốn mình là người mạnh mẽ, tài giỏi, là chỗ dựa cho gia đình. Khi không làm được điều đó, người chồng rơi vào mặc cảm tự ti. Việc hay dỗi hay mắng chửi vợ là vô tích sự, coi như vợ chẳng làm được cái trò trống gì cho gia đình, vợ ngu dốt… là để khỏa lấp nỗi mặc cảm về bản thân mình.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý

Theo Ngân Khánh
Báo Gia đình & Xã hội