Nước mắt chảy xuôi

(Dân trí) - Ngọc Trâm làm ở một văn phòng nước ngoài. Bình thường hơn 5 giờ chiều tan sở là các chị trong phòng hớt hải chạy để kịp đón con, đi chợ. Trâm cũng xách túi về, nhưng là đi lượn siêu thị nghiêng ngó đồ sale off. Đứa con trai 2 tuổi đã có bà ngoại đón hộ, tiện thể bà ghé qua chợ luôn.

Trâm là con một, được ba mẹ nâng niu cưng như trứng mỏng. Lúc nhỏ, ngoài chuyện học, cô không phải động tay vào bất cứ thứ gì. Hàng xóm trong khu tập thể Nhà máy dệt 8-3 đã rất bất bình khi thấy cô đi học về nằm ườn xem T.V trong khi mẹ nấu cơm còn ba lụi hụi cho mấy con lợn ăn.

Lên đại học cũng thế, Trâm đi học tiếng Anh, buổi tối về mẹ cô vẫn chờ bên mâm cơm. Chờ cô ngồi ăn xong bà lại bưng bê dọn rửa, còn Trâm tót lên phòng riêng đọc sách. Trâm học giỏi, tốt nghiệp đại học loại ưu, có thêm bằng Cử nhân Anh văn giắt lưng. Ba mẹ cô tự hào lắm.

 

Tốt nghiệp rồi đi làm, ba mẹ cô tuyên bố phải anh chàng nào chịu ở rể mới gả con gái cho. Lúc này ba mẹ cô đã xây được nhà riêng 3 tầng khang trang ở trong khu Lê Trọng Tấn. Hôm cưới Trâm, ba cô lên phát biểu được vài câu rồi nghẹn ngào nói không nên lời.

 

Cuộc sống ban đầu của vợ chồng Trâm rất “nhàn nhã” vì mẹ cô vẫn luôn quán xuyến cả việc nhà đến chuyện chăm sóc chàng rể. Bà thương con nên rất chiều rể, may mắn là chồng của Trâm cũng thuộc loại dễ tính, không “mặc cảm” với thân phận ở rể của mình.

 

Nhưng dần dần anh ngại khi những buổi tối về muộn, người mở cửa là mẹ vợ, rồi cũng chính bà hâm nóng cơm canh cho anh ăn. Quần áo lấy từ máy giặt ra cũng bà phơi phóng, cất vào phòng hai vợ chồng. Anh góp ý với vợ nhưng Trâm gạt đi, rồi mẹ cô cũng bảo: “Rồi đến lúc có con, tự nó ý thức!”.

 

Trâm sinh con, mẹ cô mừng chảy nước mắt. Lý ra phải lo toan nhiều thứ nhưng nhiều lúc cô vẫn thấy như thời… son rỗi! Mẹ Trâm ngoài lo việc nhà nay đảm nhiệm thêm cả chăm lo cho thằng cháu ngoại. Chồng cô đề nghị thuê thêm oshin để đỡ việc nhưng bà gạt đi, nhà có người lạ không tiện. Trâm trắng ra, đẹp hẳn so với hồi con gái.

 

Rồi một hôm cô đang ngồi ở văn phòng thì có điện thoại. Hàng xóm nhà cô gọi điện, báo tin bà đang cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai, ngất xỉu vì cao huyết áp trong lúc lau nhà. Trâm hốt hoảng gọi điện cho chồng nhắn anh đón con rồi chạy vào viện. Nhìn mẹ nằm thiêm thiếp, Trâm xót xa khi bát cháo cho mẹ ăn cũng phải xách cặp lồng đi mua chứ cô không thể tự nấu được.

 

Rồi cô nhớ lại dạo này chồng cô ít ăn cơm nhà. Cô nhớ lại vẻ mặt anh khi anh đề nghị cô nấu vài món anh thích ngày Chủ nhật mà cô gạt đi. Không phải Trâm, mà mẹ cô mới là người đưa anh áo mưa trước khi đi làm, mở cửa mỗi khi anh về muộn. Đến cu Nhím cũng quấn bà hơn quấn mẹ.

 

Cô xấu hổ nhận ra khi chồng mình còn thương bà vất vả, trong khi cô là con đẻ mà lại quá vô tâm. Có người mẹ và người chồng tuyệt vời, nhưng bản thân cô lại không biết nâng niu quý trọng.

 

Một tuần mẹ nằm viện, Trâm ngược xuôi vất vả. Hôm trước bà về, hôm sau Trâm đi làm về đã thấy mẹ vào bếp, cơm nước tinh tươm để sẵn. Luộc con gà, bà chặt hai cái đùi để riêng phần con. Như cái ngày xưa thiếu thốn, mẹ lúc nào cũng tưởng như Trâm mới lên ba. Trâm nghẹn ngào, bật khóc.

 

Hạnh Chi