Nội tướng cô đơn
Ngoài giờ làm ở công ty, thời gian còn lại vợ dành cho bếp núc nhà cửa. Đôi khi chồng muốn chia sẻ bớt việc lặt vặt nhưng vợ cứ luôn gạt đi, như sợ bị… giành mất phần.
Các con hiểu tính mẹ, tuy chẳng còn nhỏ dại song mọi chuyện ăn uống, sinh hoạt chúng đều không chủ động làm lấy. Khi cần gì, hai đứa đều nhờ mẹ giúp để khỏi bị mắng vì tội hậu đậu. Mẹ khéo léo, tháo vát bao nhiêu thì con vụng về, thụ động bấy nhiêu. Chồng lo, vợ gạt đi: “Để em kham hết cho xong. Nhìn con làm không đúng ý, bực lắm”.
Cũng bởi sợ người xung quanh “làm không đúng ý” nên quanh năm suốt tháng, chẳng khi nào thấy vợ ngơi tay. Có hôm gần 11g đêm, vợ vẫn một mình loay hoay dọn dẹp. Cuối tuần, nếu không đi siêu thị mua sắm thì vợ cứ như bị “đóng đinh” trong nhà. Nội, ngoại các con ở chung thành phố mà chẳng mấy khi vợ ghé thăm, đơn giản bởi không đủ thời gian.
Có lần nhà ngoại còn trách chồng không biết san sẻ gánh nặng, để vợ khổ. Chồng chẳng biết phải thanh minh làm sao. Đến khi ba má chứng kiến cảnh con gái một mình “độc chiếm” gian bếp trong ngày giỗ mẹ chồng mới hiểu được “sự phức tạp” của vấn đề. Lo xong đám giỗ, “bà chủ nhà” bơ phờ hốc hác thấy rõ.
Những ngày “nội tướng” nằm thiêm thiếp, ba cha con chia nhau việc nhà. Ai cũng lớ ngớ lóng ngóng. Sau “sự cố sức khỏe” lần này, có lẽ vợ sẽ biết cân nhắc chuyện ôm đồm.
Chồng thường thật thật đùa đùa với vợ rằng, là một nội tướng tài ba, nhưng cứ mãi “xông pha” một mình sao được. Ai cũng cần giữ sức khỏe, chăm sóc bản thân và dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi để tái tạo sức sống. Chồng không thích vợ chỉ vì muốn cầu toàn mà mãi ôm việc. Năm dài tháng rộng, sao vợ dám chắc có đủ sức khi ngày nào cũng dậy sớm thức khuya?
Thương vợ nhưng chồng chưa biết phải làm sao để xoay chuyển góc nhìn của “nội tướng cô đơn”. Chỉ mong vợ nới lỏng sự cầu toàn một chút để các con có cơ hội “luyện” nữ công gia chánh, để chồng cảm thấy mình không là người đàn ông chỉ biết lo kiếm tiền.
Theo Việt Nguyên
PNO