Nỗi niềm nuôi con sinh đôi
(Dân trí) - Niềm vui háo hức, tự hào khi sinh cùng lúc đủ cả nếp lẫn tẻ đến chưa lâu thì nỗi trăn trở cho cuộc sống thường nhật đã ập đến gia đình chị. Chị vẫn hay thú nhận, thực sự là rất stress khi bị động trong việc nuôi hai đứa cùng lúc.
Có lẽ phải ở gia đình có sự chuẩn bị tài chính, nhân lực thật vững vàng, dồi dào thì mới có thể thu xếp ổn thỏa được.
Vì tình trạng sức khỏe của mẹ phải mổ bắt con sớm, sinh non nên chúng hơi còm. Mẹ thì rệu rã, sữa ra chẳng đủ, hai đứa cùng phải ăn thêm sữa ngoài. Thành ra sức đề kháng không được tốt, chúng không thay phiên nhau ốm mà thường ốm cùng lúc, do lây nhau, do ảnh hưởng chung môi trường và tác nhân gây bệnh. Khi ấy chị toàn phải nghỉ làm, trông nom, dỗ dành đến hụt hơi, khiến công việc chẳng đâu vào đâu. Đến giờ được gần ba tuổi mà không tháng nào chúng không đến viện một lần, mỗi lần vài ngày.
Đã vậy, ăn không hấp thụ được, người cứ còi cọc, nhăng nhẳng, được mỗi cái rủ nhau chơi đùa nghịch, phá phách là tài. Quanh nhà bày la liệt búp bê, ô tô, xếp hình... Vấn đề là với người ngoài có khi chúng còn biết nhường đồ chơi, nhưng cứ hai anh em chơi với nhau là tranh giành, cãi cọ ỏm tỏi, khóc lóc kêu gào, gọi phân xử.
Vì vậy cứ phải mua cùng lúc hai cái giống hệt nhau, từ ghế ăn, xe đẩy cho đến các loại nhỏ tí khác, mỗi đứa một cái, đánh dấu, ghi tên vào, không thì loạn nhà, bởi đứa này cầm thì đứa kia ngay lập tức sẽ lao tới, xô đẩy để giành bằng được, hoặc “đình công”, tuyệt thực cho đến khi người lớn công bằng thì thôi.
Anh Hiếu có tật ăn vạ, đang yên đang lành nằm lăn ra đất gào khóc đòi “chính nghĩa”, chỉ cần thấy bố bế em, mà mẹ bận không bế mình chẳng hạn là ngồi bệt xuống đất rồi nằm xuống khóc, lăn mấy vòng cho đến khi nào được bế lên hay bị phát một cái vào mông, mới im.
Em Thảo thì đanh đá hay cào cấu, rồi đổ vấy, có khi hai tay đang véo anh chi chít mà miệng thì không ngừng la làng lên “Bà ơi, anh Hiếu đánh cháu”.
Bận ấy, sau trận “giáp lá cà” của hai đứa, con em biêu đầu, thằng anh chảy máu, rách thịt, cả nhà mệt mỏi đi đến quyết định phải tách đôi, gửi một đứa bên bà ngoại cho đến lúc đi ngủ.
Trẻ sinh đôi thường phải “cạnh tranh” nhau theo bản năng từ trong bụng mẹ nên điều này cũng xảy ra khi chúng chào đời, không biết lớn lên hai đứa có biết nhường nhịn nhau hơn không. Lúc bé chúng chưa hiểu chuyện nên chưa thể khuyên giải được. Cả nhà loay hoay chưa biết phải bắt đầu thế nào để dạy dỗ các con yêu thương, hòa thuận với nhau.
Thu nhập của anh chị khá cao, nhà không phải thuê, hai đứa được ông bà ngoại ở gần nhìn ngó hộ vậy mà có tháng không dôi ra nổi một đồng. Mua được cái nhà trong ngõ mà suốt hai năm nay vẫn chưa trả được một ít nợ nào, cũng may là toàn vay anh em, nhưng món nợ cứ treo lủng lẳng trên đầu khiến cho đêm nào chị cũng giật mình, thở dài thườn thượt, lực bất tòng tâm. Ít nữa con lớn thêm, không biết nỗi lo sẽ to bằng ngần nào đây.
Than thở xong thì cũng chỉ biết chẹp miệng tự an ủi, đằng nào cũng vất một thể. Rồi nghĩ đến những nhà sinh ba, sinh bốn cực nhọc gấp vài lần, không hiểu họ xoay sở ra làm sao, nhất là khi chưa sẵn sàng về mặt tinh thần lẫn kinh tế.
TSL