Nỗi niềm bà ngoại lên trông cháu

Mẹ chồng nói trước là sức khỏe yếu nên khi sinh con, Yến (Cầu Giấy, Hà Nội) được mẹ đẻ dưới quê lên chăm sóc.

 
Nỗi niềm bà ngoại lên trông cháu - 1


Ban đầu, vợ chồng Yến cùng bà ngoại ăn riêng trên tầng 2. Bố mẹ chồng và cậu em chồng tự cơm nước dưới tầng một. Tuy nhiên, vài bữa sau đó, mẹ chồng ốm quá nên Yến đành nấu một mâm để cả nhà ăn chung. Hết thời ở cữ, Yến trở lại đi làm, mẹ chồng lại bảo tách ra ăn riêng cho bà ngoại đỡ ngại.

 

Điều Yến thấy buồn nhất là mẹ chồng Yến có suy nghĩ chăm cháu là việc của bà ngoại. Vợ chồng Yến đi làm, bà ngoại ở nhà trông cháu hầu như chẳng bao giờ nấu nổi cơm trưa. Cháu bện hơi bà, rời tay bà ra là khóc. Có lần, bà ngoại nhờ bà nội bế cháu một lúc để cắm vội nồi cơm, xào ít thịt, luộc ít rau cho qua bữa, chứ bình thường, bà hay ăn cơm nguội, bánh mỳ hoặc mỳ tôm nhưng được độ 10 phút, cháu tè, bà nội trao trả ngay cho bà ngoại.

 

Hoặc có lần, bà ngoại nhờ bà nội trông cháu ngủ một để chạy ra chợ, mua vài quả trứng với cọng hành. Chẳng ngờ, lúc về, bà ngoại đã thấy bà nội sang nhà hàng xóm chơi, còn bị trách: “Bà đi lâu thế. Mua có mỗi quả trứng mà cũng lâu”. Bà ngoại thắc mắc: “Bà không ngó hộ tôi con Cún à?” thì bà nội phẩy tay: “Ôi, nó ngủ không cần phải ngó”. Đến khi bà ngoại lên mới tá hỏa vì cháu quơ tay bị chăn chùm vào nửa mặt.

 

Nghe mẹ đẻ kể lể, Yến thấy bức xúc thay. Yến còn bảo: “Hay bà về đi, con tìm người trông con Cún cũng được. Bà ở trên đây, trông cháu vất đã đành, ăn uống lại chẳng có bữa. Bà gầy đi nhiều quá” nhưng bà ngoại cương quyết: “Là mẹ nói thế thôi chứ chẳng trách gì bà nội Cún cả. Cứ để mẹ trông cháu, vợ chồng mày yên tâm mà làm ăn”.

 

Lấy chồng, Yến mới thấy thương mẹ đẻ. Giờ, bà ngoại lại lặn lội từ quê lên trông cháu, không thể dễ chịu như ở nhà mình, Yến lại càng thương mẹ hơn. “Đúng là làm mẹ rồi mới biết thương mẹ” - Yến than thở.

 

Cũng bị mẹ chồng thỏa thuận từ đầu không thể trông cháu nội, Xuyến (Hà Đông, Hà Nội) đành nhờ cậy mẹ đẻ ở quê lên. Mẹ chồng Yến bận chăm con gái và cháu ngoại ở gần đó. Bình thường, bà nội ăn cơm bên con gái, tối mới về ăn cùng cả nhà. Vợ chồng Xuyến đi làm, nhà chỉ còn bà ngoại với cu Bon (vì bố chồng Xuyến đã theo “bà hai” vào nam).

 

“Mẹ chồng mình kỹ tính nên hễ bước chân về nhà là lại kêu: Khai thế. Cu con nhà mình tè nhiều, bà ngoại thương cháu hăm không đóng bỉm”, Xuyến kể. Biết tính bà thông gia, mẹ đẻ Xuyến cứ phải hì hụi lau nhà suốt. Khổ nhất là lau mãi vẫn thấy bà nội kêu.

Thương mẹ nên hễ đi làm về là Xuyến giành việc để mẹ đẻ nghỉ ngơi: “Mẹ không phải lau nhà nhiều thế làm gì. Lần sau, cứ để con về, con lau”. Thế nhưng bà ngoại chẳng nghe. Hễ cháu tè “bãi” nào, bà lại cặm cụi lau “bãi” đó nhưng mà vẫn bị mang tiếng là chưa sạch.

 

Nhiều khi, Xuyến phải cáu: “Hay mẹ về đi, để con tìm người trông cháu. Cứ thế này, mẹ biến con thành bất hiếu mất”. Bà ngoại xót con, thương cháu nên động viên: “Thôi kệ, có gì to tát mà mày làm ầm lên”.

 

Bà ngoại lên trông cháu, khi phải sống chung thì chắc chắn sẽ có những bất tiện, khó xử. Mâu thuẫn thường phát sinh khi con gái cảm thấy mẹ đẻ bị ấm ức trước mẹ chồng, hoặc thương mẹ đẻ vất vả trông cháu, không quen với sinh hoạt, nếp sống... ở đây. Chưa kể, có nhiều khi vì mâu thuẫn cách chăm con, chăm cháu mà mẹ đẻ, con gái cũng nảy sinh mâu thuẫn, khiến “hành trình” trông cháu của bà ngoại càng gian nan hơn.

 

Nếu để bà ngoại lên trông con thì bản thân con gái nên cân nhắc những khó khăn từ đầu, xem có thể trợ giúp gì cho mẹ đẻ được. Nên trao đổi với chồng và nhờ sự giúp đỡ của chồng. Nếu có được sự thông cảm và tôn trọng của nhà chồng thì tốt nhất.

 

Nếu cảm thấy điều kiện không đủ thì có thể thuê người trông con ngay từ đầu.

 

Theo Ngọc Bình
Mẹ và bé