Nỗi lòng “sếp bà”
Chồng lên sếp có nghĩa là thời gian cho công việc tăng lên, thời gian dành cho gia đình ít đi. Chưa kể ra ngoài nhiều nguy cơ ngoại tình sẽ cao. Nếu vợ không khéo thu xếp, gia đình rất dễ tan đàn xẻ nghé...
“Một năm có 364,5 ngày ông ấy bận liên miên” - Hương than thở với bạn bè về chồng mình. Thậm chí, Minh, chồng Hương, còn không biết nổi con gái mình đang học trường nào.
Có lần Hương bận, nhờ chồng đưa con đi học mà cứ 5 phút anh lại gọi điện nhờ vợ chỉ đường một lần. Chuyện hàng tuần 2 bố con không gặp mặt là “thường ngày ở huyện” vì sáng con đi học, có khi bố còn đang ngủ. Tối bố đi làm về con đã lên giường. Những ngày lễ hay dịp cuối tuần, hai mẹ con Hương toàn phải chơi với nhau vì Minh bận hết việc này đến việc kia.
Đấy là chưa kể những lần con ốm, Hương phải đưa con đi viện một mình. Nghĩ cảnh người khác có chồng đỡ đần mà mình cứ lủi thủi một thân đưa con nhập viện rồi chăm con mà Hương không khỏi tủi.
Chồng Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ làm tới chức trưởng phòng mà cô cũng thấy chồng đi biền biệt. Một lần, Tân, chồng Thu, nghỉ ốm ở nhà thì trời nổi cơn giông. Cái áo sơmi màu hồng của Thu phơi trên tầng 3 bị gió thổi xuống đường. Nhìn thấy cái áo, Tân đinh ninh nó là của mấy em hàng xóm nên anh mang trả. Hàng xóm thì một mực chối, trong khi Tân cũng khăng khăng, vợ mình không có cái áo nào như thế cả. Cũng bởi Tân luôn đi làm và về nhà sau vợ nên trang phục đi làm của vợ, anh không thể nhận biết hết.
Trong khi chồng hăm hở vì sắp được lên chức thì Thu lại lo ngay ngáy, làm “sếp nhỏ” mà chồng đã thế, không biết lúc làm “sếp lớn”, chồng có còn nhớ mặt vợ con được nữa không. Nhiều lúc Thu trêu chồng: “Thôi, anh ở nhà vợ nuôi. Chứ thế này thì buồn lắm”.
Anh xã nhà Mai (quận 1, TPHCM) thuộc dạng “sếp nghèo”. Vì ham mê chứng khoán nên tiền kiếm được Thuận, chồng Mai, đổ vào đó. Chẳng hiểu lỗ lãi ra sao nhưng thỉnh thoảng, Mai lại chi tiền cho chồng đổ xăng hay cà phê. Có hôm cần tiền thanh toán hóa đơn internet, Mai sờ ví chồng thấy còn vài chục nghìn. Đã thế, có tháng Thuận quên luôn khoản đóng góp cho vợ, vợ hỏi, anh lý sự: “Anh còn đầu tư. Khi nào nhiều tiền đưa luôn một thể”.
Mang tiếng với nội, ngoại, bạn bè có chồng làm sếp nhưng Mai vẫn thấy, cuộc sống của mình chẳng khác gì “thường dân”. Hồi xưa, chồng chưa lên sếp, Mai còn mạnh tay chi tiêu, nay chồng được cái mác “sếp” thì vợ phải tính toán chi tiêu cho thật cẩn thận. Nếu có nhỡ ra phải đi vay nóng bạn bè hay đồng nghiệp ít tiền sinh hoạt, Mai sẽ nhận được câu: “Ối trời, chồng làm sếp mà thiếu tiền à. Hay chồng mang tiền cho gái hết rồi?”. Cứ như làm vợ sếp là không bao giờ được quyền hết tiền.
Chuẩn bị tâm lý nếu chồng sắp lên chức
Thứ nhất, người vợ phải vun vén chuyện gia đình một mình. Bởi, chồng là sếp đồng nghĩa với thời gian cho công việc nhiều lên và thời gian cho gia đình ít đi. Chưa kể những chuyến công tác, họp hành, khách khứa liên miên sẽ ngốn của chồng thêm nhiều thời gian nữa. Chồng ở ngoài nhiều hơn thì nguy cơ ngoại tình sẽ cao hơn.
Thứ hai, nhiều anh chồng lên chức, có quyền, có tiền rồi quay sang chán ngán, coi thường vợ, hoặc nghĩ chỉ cần đưa tiền cho vợ là làm tròn bổn phận nên chuyện vợ chồng sứt mẻ là điều khó tránh.
Thứ ba, chẳng phải lúc nào chuyện làm ăn của chồng cũng xuôi chèo, mát mái. Có khi chồng bị kỷ luật, thôi chức hoặc phá sản nhưng cái danh “vợ sếp” vẫn theo đuổi chị em trong thời gian dài sau đó.
Sức ép của vợ sếp khi sa cơ lỡ vận là vô cùng khó khăn vì khi ấy, kinh tế gia đình sẽ đè nặng lên vai người vợ. Nếu không giỏi chi tiêu hoặc cậy mình có tiền thì khi túng quẫn, gia đình sếp rất dễ chia đàn sẻ nghé.
Theo Ngọc Bình
Mẹ và bé