Niềm vui nơi “xó bếp”
Hôm nay là ngày cuối cùng ở cơ quan sau 10 năm tôi lặng lẽ làm việc, phấn đấu, cống hiến cho công ty. Cầm tờ quyết định chấm dứt hợp đồng lao động vì công ty phá sản, tôi rưng rưng muốn khóc.
Về đến nhà, chồng tôi động viên: “Em cứ yên tâm, rồi sẽ có việc khác. Trong khi chờ đợi em cứ nghỉ ngơi, muốn đi đâu thì đi, cứ thoải mái cho nhẹ người. Đâu còn có đó, chuyện kiếm tiền anh lo được”. Nghe chồng nói, tôi rất xúc động, tự an ủi: “Mình ở nhà cứ coi như làm công việc trong “xó bếp”. Mọi chi tiêu anh ấy lo, mình sẽ tiết kiệm và cắt giảm bớt một số khoản chi không cần thiết. Như vậy sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình, coi như tạm yên tâm. Mình sẽ cố gắng tìm một công việc mới”.
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm xuống bếp nấu điểm tâm cho cả nhà. Một lúc sau thấy chồng đi từ cầu thang xuống. Vừa đi chồng vừa hít và khen ầm lên: “Thích quá! Nhà có người nội trợ có khác. Thơm mùi thức ăn ngay từ sáng tinh mơ. Từ nay cả nhà được ăn ngon rồi”. Khi tôi dọn bữa điểm tâm ra, chồng tôi nói rất âu yếm: “Tiền lương anh để trên mặt tủ. Em dành hẳn ngày nay đi dạo shop thời trang mua sắm quần áo mặc cho thỏa thích. Không đi làm nữa vẫn phải mặc đẹp. Anh không tiếc tiền, chỉ cần em vui vẻ là được”. Thấy tôi không phản ứng gì, chồng tôi đùa: “Không ăn diện là dễ bị chồng chê lắm đấy. Hay để chủ nhật nghỉ anh chở em đi mua sắm?”. Tôi thanh minh: “Ở nhà làm nội trợ cùng lắm là ra chợ mua thức ăn. Cần gì phải diện đồ đẹp”.
Tôi không thích công việc trong “xó bếp” nhưng thời buổi khủng hoảng kinh tế, tìm một công việc mới chẳng dễ dàng gì. Tâm trạng tôi không nguôi nhớ nơi làm việc cũ dù ở đó tôi chỉ là một nhân viên bình thường. Tôi nhớ những buổi sáng bước vào cổng cơ quan, tiếng người hỏi nhau đủ chuyện ríu ra ríu rít. Tôi nhớ những khi cơ quan có ai đó ốm đau, mọi người xôn xao rủ nhau đi thăm nom. Nhớ những lần có người được tăng lương là cả nhóm kéo nhau đi ăn hàng.
Thật không ngờ, cũng có ngày niềm vui “xó bếp” đến với tôi lúc nào tôi cũng không hay. Hai cha con ngày càng ghiền món ăn tôi nấu. Hạnh phúc nhất là ngày nào tôi cũng được đón con gái đi học về, sau lời chào bao giờ con cũng hỏi thăm “Tối nay nhà mình ăn gì vậy mẹ?”. Sự háo hức của hai cha con khi được ăn món mẹ nấu làm tôi quên hết cả mỏi mệt. Chồng tôi rất thương và hiểu tâm lý của vợ nên công việc nơi “xó bếp” cũng không đến nỗi áp lực như tôi đã nghĩ trước đây …
Theo PNO