"Nhường" chồng cho người khác

Từ trước tới nay, Thy là người phản đối gay gắt việc “đẻ thuê”, nhưng giờ lại là người tự đi tìm người thay mình đảm nhận trọng trách nặng nề ấy. Bề ngoài coi như cô thuê người ta về giúp việc gia đình, nhưng tối đến lại ép cho chồng uống rượu ngà ngà say.

Cô yêu Bằng từ ngày còn học trung học bằng một thứ tình yêu kiên trì và gắn bó khăng khít như đôi sam. Đến khi hai người cùng học xong đại học và đều đã tìm được một công việc tốt có thu nhập cao thì họ mới làm đám cưới.

 

Khó có thể tưởng tượng con người ta khi có một tình yêu đích thực lại có thể bền chí đến như vậy. Anh đi du học tới thủ đô Paris, nơi có biết bao nhiêu cám dỗ và hứa hẹn, nhưng người anh yêu ở Việt Nam vẫn là nơi anh hướng về đau đáu.

 

Thy ở nhà một mình vùng vẫy trong sự bủa vây của biết bao ánh mắt truy sát và bước chân săn đuổi vội vã của các vệ tinh vây quanh mình, nhưng con tim cô đã đầy ắp hình bóng của Bằng. Cô làm việc để không còn thời gian rỗi mà suy nghĩ mông lung, không để tim mình có chỗ trống để người khác có thể chen vào làm lu mờ và chia sẻ.

 

Một năm, hai năm rồi ba năm trong công ty ai cũng phải thừa nhận cô là một pháo đài “bất khả xâm phạm” và những vệ tinh vây quanh cũng lặng lẽ rút lui đầy thán phục, trong số đó có cả vị giám đốc trẻ tài năng của cô.

 

Tình yêu của hai người không cần ai phê duyệt, không cần ai cho phép bởi hai bên gia đình không ai nỡ tìm ra một lý do nào đó để ngăn cản một tình yêu đẹp không có thời gian và không giới hạn như thế.

 

Tình yêu giống như pha lê, càng rực rỡ bao nhiêu càng mỏng manh dễ vỡ bấy nhiêu vì thế hãy giữ gìn và trân trọng những gì mình đang có

 

Có nhiều lúc Thy đã quá khắt khe với bản thân mình, cô không cho phép mình hẹn hò với bất kì ai hay nhận lời mời đi dự tiệc chiêu đãi cùng ai. Cô thường xuyên lui tới gia đình Bằng trông nom, chăm sóc bố mẹ già vì nhà chỉ có mỗi mình anh. Gánh nặng trên vai Thy tăng gấp đôi vì nhà cô cũng chỉ có một mình nghĩa là cô xác định trước cho mình tình huống sẽ gặp phải ở tương lai là một mình “ăn cả, làm tất” không phải chia sẻ với ai, nhưng cũng không ai chung lưng gánh vác với mình.

 

Thy tự nhủ: “Mai này mình sẽ đẻ đủ hai đứa cho có anh có em, để chúng còn nương nhờ vào nhau lúc cha già mẹ héo. Mình không mong phải có trăm mảnh khăn tang, ngàn tiếng khóc, nhưng lúc không còn bố mẹ thì chúng cũng không bị cô độc trên đời”.

 

Biết bao nhiêu khó khăn đang chờ ở phía trước nhưng Thy không hề nản chí, chỉ cần có lòng tin vào tình yêu và kiên trì chờ đợi thì sợ gì mơ ước không trở thành sự thực. Cô luôn tâm niệm trong lòng như thế cho đến ngày được khoác lên mình chiếc áo dài cô dâu cháy rực màu hạnh phúc.

 

Đứng trước một ngọn núi cao chưa bao giờ Thy cảm thấy sợ, nhưng giờ đây khi hạnh phúc bề bề trong tay cô lại cảm thấy sợ một ngọn núi đang đè nặng trong lòng. Một năm, hai năm, ba năm hạnh phúc cứ lặng lẽ trôi qua, cuộc sống vật chất của vợ chồng cô ngày càng đầy đặn, nhưng dù đã cố gắng hết sức thì mầm hạnh phúc vẫn chưa chịu “nảy lộc đâm chồi”.

 

Không ai nói ra nhưng kì thực trong lòng rất khó chịu. Mẹ chồng Thy thỉnh thoảng buông thõng vài câu “vô thưởng vô phạt” dường như không động chạm đến ai nhưng lại là chĩa thẳng mũi nhọn về phía con dâu: “Không biết kiếp trước tôi có nợ nần gì ai mà kiếp này ông Trời bắt tôi phải chịu cảnh cây khô không lộc”.

 

Gánh nặng tinh thần cứ đeo đẳng Thy suốt chặng đường đi tìm “lộc”. Bản thân Thy cũng không thể tin một người nảy nở toàn phần như cô mà lại là một mảnh đất ươm cây không tốt. Mười ba năm trời, hai vợ chồng đi khắp các nơi để tìm thày, tìm thuốc chữa trị. Từ Bắc vào Nam, từ Đông y đến Tây y, hễ nghe nói ở bệnh viện nào có biện pháp tốt là Thy tìm đến. Tốn kém mấy Thy đều không ngần ngại.

 

Cô cũng muốn cố lấy ít công sao cho chồng khỏi phụ nhưng ông Trời vẫn chẳng đoái thương kẻ có tâm. Nói đến việc xin con nuôi thì mẹ Bằng nhất định không chịu, bà cứ khăng khăng bảo vệ ý kiến: “Nó khỏe mạnh thế sao không đẻ được mà lại phải xin con nuôi cho khác máu tanh lòng”.

 

Đến khi mẹ chồng cô lâm bệnh nặng, bà cầm tay Thy như cầu xin: “Con hãy độ lượng mà bao dung cho chồng con. Mẹ biết nó không thể rời xa con, nhưng con là người thông minh, chắc không nỡ để mẹ phải sang thế giới bên kia mà không nhắm được mắt”.

 

Từ trước tới nay, Thy là người phản đối gay gắt việc “đẻ thuê”, nhưng giờ lại là người tự đi tìm người thay mình đảm nhận trọng trách nặng nề ấy. Bề ngoài coi như cô thuê người ta về giúp việc gia đình, nhưng tối đến lại ép cho chồng uống rượu ngà ngà say.

 

Cô biết, Bằng không bao giờ chấp nhận phản bội vợ mình, anh từng bảo: “Bao nhiêu cặp vợ chồng không có con mà vẫn hạnh phúc đủ đầy có sao đâu”. Nên chỉ khi say anh mới không đủ tỉnh táo để từ chối sự “giả dối, thay thế”. Thy đẩy người ta lên giường cùng chồng rồi lặng lẽ ra ngoài hiên ngồi khóc một mình.

 

Khi Bằng phát hiện ra mình phản bội vợ ngay trên chiếc giường hạnh phúc, anh đã phát điên lên, thẳng tay đập phá những thứ hai vợ chồng mua sắm trước ngày cưới, thậm chí cả những kỷ vật họ nâng niu gìn giữ. Anh không thể tha thứ cho mình và càng không thể tha thứ cho Thy.

 

"Xin lỗi em! Chuyện tình cảm vốn không thể miễn cưỡng nhưng cũng có rất nhiều cách để từ chối. Em có thể không tiếp tục chấp nhận tình yêu chân thành của anh, nhưng cũng không nên cứ cố đẩy anh vào vòng tay người khác", Bằng nói.

 

Chỉ một câu “xin lỗi” được nói trong men say gói gọn ân tình của mười ba năm “đầu ấp má kề” chung nhau một niềm hạnh phúc đơn sơ. Chẳng lẽ nặng ân nghĩa, nhiều tình cảm và nâng niu trân trọng đối với một người mình đã lựa chọn để cất giữ hạnh phúc suốt đời lại là không phù hợp.

 

Cũng may mà người phụ nữ kia chưa mang thai, nếu không trách nhiệm đối với người ta sẽ là nỗi ám ảnh hằn sâu trong tâm trí người vừa qua đò đã vội rút ván. Chuỗi ngày sau đó anh luôn chìm trong men say và tự sỉ vả mình, bỏ mặc Thy trong nỗi day dứt. Giá như cô đừng dại dột nhường chồng cho một người xa lạ chỉ vì mong mẹ được nhẹ lòng mà đem đánh đổi hạnh phúc của mình thì đâu đến nỗi bị chồng lánh mặt.

 

Tình yêu giống như pha lê, càng rực rỡ bao nhiêu càng mỏng manh dễ vỡ bấy nhiêu. Nó không thể đem phơi dưới cái nóng gay gắt của mùa hè, cũng không thể mang ra cho người ném chơi. Nhưng sự đời làm gì có ai biết trước được cái “giá như”, nếu việc gì người ta cũng biết trước được kết quả thì đâu còn những tiếng thở dài não ruột trong đêm.

 

Theo Hạnh phúc gia đình