Những "rung rinh" mùa Covid-19

(Dân trí) - 15 ngày ở nhà không tù túng và kinh hoàng như tôi tưởng. Ngược lại, tôi có những trải nghiệm quý giá mà ngày thường vô tình bỏ quên vì vòng xoáy bạc tiền.

Những rung rinh mùa Covid-19 - 1

Giảm 50% lương, quyết định ấy của công ty đã kết liễu mọi mầm mống lạc quan trước ngày giãn cách xã hội của tôi.

Chỉ vài phép tính đơn giản, sau khi trừ mọi khoản sinh hoạt phí cố định và lãi ngân hàng, tôi nhận ra số tiền còn lại không đủ lo bữa sáng cho bản thân đến hết tháng.

Điều này đồng nghĩa với các khoản chi tiêu còn lại trong gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập của vợ. Trong 15 ngày tới, gia đình chúng tôi sẽ sống như thế nào với số tiền còm cõi còn lại?

Thế rồi, nửa tháng giãn cách xã hội trôi qua, thêm tuần 1 tuần giãn cách nữa đến. Lần này, tôi bình thản đón nhận thông tin.

Hóa ra, 15 ngày ở nhà không tù túng và kinh hoàng như tôi tưởng. Ngược lại, tôi có những trải nghiệm quý giá mà ngày thường tôi vô tình bỏ quên vì vòng xoáy bạc tiền. Đặc biệt là những khoảnh khắc bên vợ con.

Vợ tôi không còn rũ rượi bởi việc nhà và việc cơ quan, lạ hơn nữa, càng không cau có chuyện bạc tiền. Khi thu nhập giảm xuống, chúng tôi cũng co kéo mọi sinh hoạt về mức cơ bản. Ngày ba bữa, chúng tôi ăn cơm nhà. Tôi cũng không đốt hàng trăm, hàng triệu đồng vào những bữa ăn nhậu. Và thế là mọi chuyện vẫn ổn.

Tôi cũng nhận ra đối với vợ tôi, hạnh phúc lớn nhất là ở bên chồng con. Đôi mắt cười của nàng long lên hạnh phúc mỗi khi thấy tôi chơi với con hay làm việc nhà, khiến tôi rung rinh như thuở mới yêu. Vậy mà tôi thường chỉ trích nàng nhỏ nhen, bủn xỉn khi tôi đi tụ tập với bạn bè, với tuần suất hàng tuần. Tôi mới thật nhỏ nhen, bủn xỉn!

Con tôi, một em bé lên 3, lại dạy cho tôi thật nhiều điều. Con không chỉ để cưng nựng. Con có cảm xúc và luôn ham học hỏi. Không ai khác, cha mẹ chính là người nâng niu cảm xúc và bày vẽ bao điều mới lạ cho con.

Khi xem lại kho video trên điện thoại, tình cờ, tôi thấy một clip mẹ nó quay cảnh tôi nựng yêu con rồi quay đi chăm chú vào điện thoại. Nụ cười con tôi vừa lóe lên lại tắt ngúm, chỉ còn ánh mắt ngước nhìn cha van lơn và hụt hẫng. Nó đang cầm cuốn sách mong tôi đọc cho nó nghe. Từ đó, tôi không bao giờ dùng điện thoại trước mặt con. Chiếc điện thoại thông minh thực ra biến tôi thành kẻ ngốc.

Con cũng đưa tôi đi về ký ức tuổi thơ. Những khi con tung tăng nô đùa cùng chúng bạn, nụ cười trong veo của con ở hành lang căn hộ làm tôi nhớ nhiều về nơi tôi từng lớn lên, một khu tập thể cấp bốn nhỏ bé, tồi tàn và nóng bức. Ấy là quan sát của tôi khi đã trưởng thành. Còn ngày xưa, khu tập thể là cả thế giới của tôi, một thế giới lung linh diệu kỳ như trong chuyện cổ tích.

Cùng lũ trẻ trong xóm, chúng tôi chơi vô số trò chơi, nào bắn bi, đuổi bắt, đá bóng, leo cây, và đôi khi còn tập kịch diễn trò. Tôi nhớ, tôi từng mơ ước có một bãi đất thật rộng, thật phẳng phiu để bọn trẻ chúng tôi chơi bi mãi không thôi. Ước mơ con trẻ ấy, bạn bè trong xóm ấy, bao năm tôi quên, nay hiện ra mồn một.

Rồi những trưa hè, tôi ngồi đếm các tia nắng dọi qua chỗ dột của mái tôn, chờ bố mẹ ngủ để lẻn đi chơi. Đêm về, mỗi khi mất điện lũ trẻ chúng tôi lại ùa ra sân nô đùa dưới trăng. Thật đẹp và bình yên. Rồi tôi chợt nhận ra, con trẻ không có khái niệm giàu nghèo, thứ duy nhất chúng muốn và sẽ in sâu trong ký ức là những trải nghiệm hạnh phúc.

Bố mẹ tôi không giàu có, vẫn nuôi tôi ăn học đàng hoàng và có một cuộc sống đủ đầy. Vậy lý gì tôi không làm được điều tương tự cho con. Không phải thứ gì cũng mua được bằng tiền hay rất nhiều tiền. Đặc biệt là niềm hạnh phúc của con.

Đặng Xá