Những ông chồng bị “mắc kẹt”

(Dân trí) - “Không về à, sếp ơi! Hay còn đang bận cưa cẩm em nào trên mạng”, tiếng gọi ranh mãnh của cô bạn đồng nghiệp làm anh Thái giật mình. Đang say sưa với ván game đánh dở, anh ngước lên cười trừ: “Ừ, anh cũng về ngay đây”.

Khác với sự hí hửng của nhân viên, chỉ mong hết giờ là miệng cười miệng nói thoăn thoắt ra về, anh Thái bao giờ cũng thường nấn ná ở lại thêm đôi chút. Không hẳn vì nghiện chat, nghiện game hay công việc của một Trưởng phòng quá vất vả, lý do chính để anh sợ về nhà là ngại đối mặt với “hai bà la sát”.

 

Chẳng phải ngẫu nhiên, anh Thái nửa đùa nửa thật gắn cho vợ mình cái nick: Bà la sát. Tính chị Huyền dữ như hổ, lại khó kiềm chế bản thân, nhưng anh luôn biết, vợ mình “Ruột để ngoài da” chứ lòng dạ ngay thẳng, lương thiện. Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu rối tung rối mù và bị đảo lộn tùng phèo khi trong nhà thêm một “Bà la sát” nữa…

 

Em gái anh từ dưới quê lên trọ học. Nhà chỉ có hai anh em, bố mẹ vui mừng khôn xiết khi giao trách nhiệm trông nom, bảo ban và dạy dỗ em gái cho vợ chồng anh. Chẳng gì anh chị cũng giỏi giang, khá thành đạt, hơn nữa lại sẵn nhà sẵn cửa, chưa vướng bận con cái.  “Có anh có em càng thêm vui”, Mẹ anh nở nụ cười mãn nguyện kết luận thế.

 

Khổ nỗi, Nhi quen được nuông chiều từ nhỏ, con gái 18 - 19 tuổi mà chẳng phải động chân động tay vào bất cứ việc gì. Cho nên, công việc nhà hầu như đổ dồn hết lên vai chị Huyền. Mệt mỏi vì trở về thấy nhà cửa bề bộn, tanh bành trong khi cô em chồng vẫn thản nhiên xem ti vi, nghe nhạc, chị Huyền đâm ra hay cáu bẳn. Cố gắng kìm nén, chịu đựng ở mức có thể, chứ dù sao chị cũng là phận làm dâu, có điều tiếng gì không hay đến tai bố mẹ chồng thì khó sống. Vì vậy, bao nhiêu ức chế tích tụ trong lòng, chị Huyền chỉ chờ chồng về là có dịp “xả” cho hả giận.

 

Đã thành lệ, hằng ngày, anh Thái đi làm thì thôi, chứ hễ giáp mặt vợ là buộc phải nghe “trường ca” dài bất tận: “Anh xem, cái Nhi lại tự ý dùng son phấn của em” hay “Nó ăn xong chẳng chịu rửa bát”… Mấy việc vụn vặt như thế, lâu dần, trở thành nỗi ác mộng của anh. Anh chỉ biết cười, an ủi vợ: “Thôi, em ạ, nó còn nhỏ. Có gì không phải, hai chị em tự trao đổi với nhau”. Nói thế, chị Huyền càng tức tưởi hơn: “Anh tưởng em không nhắc à? Nó chỉ vâng vâng, dạ dạ rồi đâu lại vào đấy”.

 

Anh Thái hơn cô em gái cả chục tuổi. Từ bé, anh đã học trường chuyên xa nhà. Tính ra, anh em cũng chẳng có mấy khi gần gũi, thân mật để có cơ hội hiểu tính hiểu nết nhau. Đôi ba lần, anh chỉ nhẹ nhàng: “Em muốn dùng quần áo hay son phấn gì nên hỏi chị. Khi rảnh rỗi hãy giúp chị mấy việc quét dọn, cơm nước trong nhà”. Nhi chỉ ngúng nguẩy: “Em mượn tý mà cũng kêu. Chị ý đúng là ky bo”. Tệ hơn, trước mặt anh trai, Nhi cũng ra vẻ chăm chỉ làm việc nhà nhưng chỉ để chống chế, qua loa khiến chị Huyền toàn phải theo sau “giải quyết hậu quả”…

 

Sự việc lên tới đỉnh điểm khi chị Huyền, ngang buổi ở cơ quan, đột ngột trở về nhà vì quên tài liệu. Chị như chết đứng khi có tiếng con trai cười nói trong phòng khách, mở cửa, thấy Nhi và một cậu bạn trai đang ôm hôn nhau. Quá tức giận, chị quát tháo ầm ĩ và đuổi hai đứa ra khỏi nhà.

 

Giờ, anh Thái đang mắc kẹt giữa bên tình, bên hiếu. Bố mẹ lên tận nơi tra hỏi “Sao anh chị dám đuổi em ra khỏi nhà”. Còn vợ thì khăng khăng: “Em không thể sống với nó thêm một ngày nào nữa”.

 

Không như anh Thái, dù đi công tác liên miên, ông bà nội lại ở với vợ chồng anh cả dưới quê nhưng anh Nam cũng chẳng được yên thân. Từ hồi kết hôn, anh đã nhận thấy hình như vợ mình luôn có ý tránh mặt bên nhà chồng. Hai ba tháng, anh Nam lại tranh thủ về thăm gia đình một lần, gợi ý vợ đi cùng nhưng lần nào cũng bị chị từ chối khéo: “Đường xa lắm anh à, về một hai hôm lại lên luôn. Em ốm mất. Anh tiện đường công việc thì anh đi luôn”.

 

Bố mẹ thấy con trai lần nào cũng đi một mình thì lại trách: “Sao hai vợ chồng không về cùng nhau”. Những lúc như thế, anh Nam phải viện hết lý do này đến lý do khác để các cụ an lòng. Nhưng mẹ anh luôn cảnh cáo: “Chiều vừa thôi, anh chiều quá chị ấy sinh hư, chẳng coi bố mẹ anh ra gì đâu”.

 

Tối qua, kết thúc buổi hội thảo, mệt phờ, định về nhà khách ngủ một giấc, địên thoại của anh Nam đổ chuông. Đầu dây bên kia, giọng mẹ anh bực bội: “Chị nhà anh không về thăm chúng tôi thì thôi, đằng này một cú điện thoại thăm hỏi cũng chẳng được”. Anh lại phải phân minh phân bua này nọ mẹ mới nguôi nguôi.

 

Bất giác, anh Nam thấy mệt mỏi. Vợ anh đang bận con mọn. Trước kia, chị đã ngại về quê chồng, nay có con, càng có lý do chính đáng hơn. Đã nhiều lần anh trao đổi với vợ nên thi thoảng gọi điện hỏi thăm các cụ. Ông bà tuổi đã cao, việc quan tâm, chăm sóc về tinh thần là điều vô cùng cần thiết. Hơn nữa, một vài câu thăm hỏi, đâu có nặng nhọc gì. Sao chị không thể thoải mái, cởi mở với bố mẹ của chồng? Nhưng chị cũng bỏ ngoài tai hoặc chỉ thực hiện khi có anh đôn đốc, nhắc nhở.

 

Nỗi khổ “mắc kẹt” này của chồng, các bà vợ không phải không biết nhưng lại vô tình làm ngơ. Hai vợ chồng có thể tâm đầu ý hợp bàn bạc mọi chuyện lớn bé trong cuộc sống chung thì cũng nên trao đổi để tìm ra giải pháp thích hợp với “mẹ chồng, em chồng”. Mặc chồng gồng mình chịu cảnh “mắc kẹt” mãi thì hạnh phúc gia đình cũng không được trọn vẹn, ấm êm.

 

Ngọc Anh