Những núm ruột mang số phận bất hạnh
(Dân trí) - Đón đứa trẻ sơ sinh chưa có tên, y tá trưởng Nguyễn Thanh Hà (khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương) khẽ thở dài. Bé là một trong những đứa trẻ xấu số bị người mẹ nhiễm HIV bỏ lại bệnh viện khi vừa mới chào đời.
Hạnh phúc vụt tắt
Cũng như nhiều người phụ nữ khác, lần đâu tiên biết mình có thai, chị Thu Nga (Thanh Ba- Phú Thọ) vô cùng sung sướng, hồi hộp. Chị mang niềm vui náo nức lên tận Hà Nội để báo tin cho người chồng đang làm thợ xây trên thành phố. Lần mò mãi chị mới hỏi thăm được chỗ ở của chồng. Anh đang nằm còng queo trong ngôi nhà cấp 4 ẩm thấp, ở một ngõ sâu hun hút, cạnh chân cầu Long Biên.
Trái với dự đoán của người vợ trẻ, khi biết tin mình sắp làm bố anh chồng quỳ sụp xuống chân vợ khóc, rồi cầu xin tha thứ. Bệnh viện vừa chính thức thông báo anh đã bị nhiễm HIV. Đó là hậu quả nghiệt ngã mà anh phải gánh trong những ngày làm ăn xa gia đình, tặc lưỡi đi theo lời rủ rê bạn bè, tìm vui ở những ổ mại dâm nhan nhản trong những nơi tăm tối của thành phố. Không biết mình nhiễm HIV, anh đã vô tình đổ bệnh cho vợ!
Nghe chồng đau đớn thú nhận sự thật, chị Hà như thấy trời đất sụp đổ dưới chân mình. Đã nhiều lần, chị định chết quách đi cùng với giọt máu đang lớn dần trong bụng. Nhưng, chị không đủ nhẫn tâm tự triệt đi mầm sống ấy.
Rồi với sự giúp đỡ của y tế địa phương, chị được giới thiệu lên Bệnh viện phụ sản Trung ương và đã được dùng thuốc điều trị phòng từ tuần thai thứ 22. Nếu may mắn, con chị sẽ âm tính với HIV, thoát khỏi bản án tử hình treo lơ lửng trên đầu.
Thời điểm sinh nở đã đến gần, chị Nga sắp xếp vào hẳn Viện nằm chờ đợi cơn vượt cạn đầy bất trắc. Trong những ngày ấy, phòng chị có thêm một phụ nữ nhiễm “H” đến sinh nở. Đó là cô gái mới 20 tuổi nhưng đã tiền sử nghiện hút nhiều năm, sinh sống bằng nghề mại dâm. Cô này không biết mình lây nhiễm từ ai và đã đổ bệnh thêm cho bao nhiêu người đàn ông khác. Ngay cả đứa con cô mang trong bụng cũng là “sự cố” nghề nghiệp.
Nhìn người đàn bà trẻ vật vã trong cơn đau đẻ, chị Nga quên hẳn nỗi oán hờn trước đó với những người phụ nữ hành nghề mại dâm - nguyên nhân khiến chị phải mang căn bệnh thế kỷ vô phương cứu chữa. Ít giờ sau cơn đau, cô gái sinh được một bé trai. Một đứa trẻ xanh xao, vàng vọt. Nó cũng giống mẹ, cứ đến “cữ” lại vật vã, quấy khóc, sùi cả bọt mép. Hai ngày sau khi sinh ra, các bác sĩ trong bệnh viện không tìm thấy mẹ đứa trẻ ấy nữa. Nó nằm tím ngắt trên giường, khóc không thành tiếng. Không biết người mẹ trẻ ấy sau khi vội vã chối bỏ đứa con do chính mình sinh ra có thấy day dứt!
Đón đứa trẻ sơ sinh chưa có tên, y tá trưởng Nguyễn Thanh Hà (khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương) khẽ thở dài rồi nhẹ nhàng tiến hành các khâu chăm sóc đặc biệt. Bé là một trong những đứa trẻ xấu số bị người mẹ nhiễm HIV bỏ lại bệnh viện khi vừa mới chào đời.
Chị Hà cho biết, hiện nay Khoa Sơ sinh đang chăm sóc 2 trẻ bị nhiễm HIV, trong đó có 1 cháu đã bị mẹ bỏ.
Ngày càng nhiều trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi
Dường như đã khá quen thuộc với công việc chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV nên trong quá trình tắm rửa, thăm khám cho những đứa trẻ đặc biệt này chị Hà chỉ sử dụng duy nhất loại găng tay mỏng để bảo hộ khi tiếp xúc trực tiếp với các bé.
Mỗi năm Việt Nam có từ 1 triệu đến 1,5 triệu phụ nữ mang thai thì có khoảng 6.000 người bị nhiễm HIV/AIDS và gần 2.000 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ (chiếm 30% tổng số phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS). Nguyên nhân do rất nhiều phụ nữ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn không được chăm sóc, phát hiện và điều trị dự phòng kịp thời trong quá trình mang thai. (Nguồn: Cục phòng chống HIV/AIDS Việt Nam) |
28 năm làm công tác hộ lý trong bệnh viện, chị Hà đã chăm sóc hàng trăm đứa trẻ bị nhiễm HIV. Riêng năm 2007 khoa này tiếp nhận 101 cháu sinh từ mẹ có “H”.
Những y tá ở đây còn nhớ mãi một trường hợp sản phụ nhiễm HIV ở Yên Bái. Khi mang thai ở tháng thứ 7, sản phụ này biết mình đã nhiễm HIV, sự thật khiến chị sốc nặng, dẫn tới đẻ non. Hai ngày sau sinh, sản phụ bỏ đi và để lại một đứa con thơ và lá thứ tuyệt mệnh, nhờ xã hội chăm sóc giùm núm ruột của mình. Bé sinh sớm nên chỉ nặng hơn 1kg, sức đề kháng rất kém. Thương hoàn cảnh của bé, những nhân viên y tế của khoa phân công nhau chăm sóc bé chu đáo. Mỗi ngày là một cuộc chiến giành sự sống cho bé. Giai đoạn nguy hiểm cũng qua đi. Bé được chuyển sang khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương để chăm sóc tiếp và đã được xác định là âm tính với HIV. Ít thời gian sau, bà nội của bé biết tin mới lập cập tìm đến, xin đón đứa cháu đích tôn duy nhất của dòng họ về nuôi dưỡng.
Bà Khu Thị Khánh Dung, trưởng khoa Sơ sinh, Phó giám đốc bệnh viện Nhi TƯ cho biết, năm ngoái Khoa đã nuôi và điều trị trên 100 trẻ trong hoàn cảnh này, trước khi làm thủ tục gửi đến trại mồ côi SOS.
Tình trạng bà mẹ nhiễm HIV sinh con rồi bỏ lại đang có xu hướng gia tăng. Một số trường hợp do hoàn cảnh khó khăn, không lo nổi cho bản thân mình nên càng không đủ khả năng nuôi đứa trẻ. Trường hợp khác lại bỏ con với mục đích tránh tiếng xấu cho gia đình, họ hàng.
Mỗi đứa trẻ bị bỏ lại đều có một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng chúng đều có chung một nỗi đau là không bao giờ được nhận sự chăm sóc ân cần và lời ru từ người dứt ruột đẻ ra mình. Có lẽ chúng sinh ra để tiếp tục gánh những tội lỗi mà người lớn đã gây ra.
P. Thanh