Những người hiểu nhau
Đã 12 giờ đêm rồi mà Hoàng vẫn ngồi trước máy vi tính. Anh viết rồi lại xoá, thỉnh thoảng cày 5 ngón tay lên mái tóc rễ tre, vẻ bồn chồn.
- Anh ăn cho ấm bụng.
Hoàng húp vài thìa mỳ rồi quay sang nhìn vợ:
- Ngon quá! Cám ơn em!
- Một chai bia nữa anh nhé! Uống một chút cho hứng khởi.
- Một chén rượu thôi em ạ! Bia lạnh lắm.
Nga rót cho chồng một chén nhỏ rượu thuốc rồi đi hãm một ấm trà đặc. Chị cẩn thận đun lại nước cho thật sôi rồi mới pha trà. Cái giống chè Thái móc câu nếu pha nước hơi nguội là hỏng, chẳng còn hương vị gì. Sau khi dội nước sôi rửa chè, rồi mới hãm, Nga còn cẩn thận phủ lên trên cái ấm chuyên một miếng dạ và đổ nước sôi thật nhiều lên đó để ủ chè. Pha trà như thế thì đảm bảo là trà nhanh chín và rất thơm ngon. Rất ít khi chồng Nga làm việc khuya như thế này. Không hiểu ở cơ quan có chuyện gì chăng? Nghĩ thế nhưng Nga không gạn hỏi chồng. Đàn ông khi làm việc không thích bị người khác quấy rầy.
Hôm sau, Nga lục lọi máy tính của chồng, tò mò tìm xem đêm qua Hoàng đã viết gì. Thì ra đó là một cái truyện ngắn. Chị ngạc nhiên khi thấy lần đầu tiên anh kỹ sư tin học của chị lại viết truyện ngắn. Càng ngạc nhiên khi cái truyện ấy lại cuốn hút Nga từ đầu đến cuối. Nó khiến chị xúc động, vừa đọc vừa phải lau nước mắt. Nhân một tờ báo lớn ở Hà Nội đang mở cuộc thi viết truyện ngắn, Nga lôi cái truyện của chồng ra, cho vào phong bì và trên đường đi làm, chị bỏ cái phong bì vào hộp thư bưu điện. Nga làm việc này mà không nói với chồng, vì chị muốn dành cho Hoàng một bất ngờ. Khi cái truyện được in lên báo, Hoàng cũng không biết. Nga phải mua một tờ báo mang về cho chồng.
- Em đừng ham hố nhiều quá. Anh viết cốt để giải toả cảm xúc chứ không có ý định làm văn chương, càng không phải để dự thi. Văn chương là công việc của người khác chứ không phải việc của anh. Giải thưởng lại càng không phải là của anh mà nó là của các nhà văn tên tuổi.
- Kệ chứ. Em thích cái truyện đó và muốn khoe với công chúng.
Và cái truyện ngắn của Hoàng được chấm giải nhất. Đó là một bất ngờ lớn đối với cả Hoàng và Nga. Buổi sáng, Nga chọn bộ comple xịn nhất, là ủi cẩn thận cho chồng đi nhận giải thưởng. Buổi chiều, Nga về sớm hơn mọi ngày, làm một bữa cơm thịnh soạn để ăn mừng sự kiện Hoàng đoạt giải. Nhưng Hoàng không về nhà một mình mà về cùng một người phụ nữ khác.
- Đây là Ngân - bạn cùng lớp với anh ở Bách Khoa ngày xưa. Ngân cũng có truyện ngắn dự thi và được giải khuyến khích, nhưng nhận thưởng xong trên đường về khách sạn thì bị cướp mất cái túi nên mất sạch. Hoàng giới thiệu với vợ như vậy và đưa cho Nga cái phong bì tiền thưởng - đây là tiền thưởng của anh, ba mươi triệu đồng.
Sau bữa liên hoan vui vẻ và ấm cúng, Nga bóc cái phong bì tiền thưởng ra và nói:
- Vì nhớ mẹ mà anh viết được một cái truyện hay. Em đề nghị gửi biếu mẹ một nửa giải thưởng của anh. Còn lại, anh nên mua một cái Laptop thật tốt, nhưng trước hết em muốn được san sẻ rủi ro với chị Ngân.
Không đợi chồng gật đầu, Nga rút ba triệu đồng đặt vào tay Ngân: “Chị nhận lấy cho vợ chồng em vui lòng. Được chia sẻ với chị, chúng em cũng vui”.
Hoàng ôm hôn vợ thắm thiết, cho dù còn có Ngân bên cạnh. Cách ứng xử của Nga còn khiến anh vui sướng hơn cả khi nhận giải nhất cuộc thi.
Hiểu nhau là yếu tố đầu tiên của hạnh phúc gia đình. Đọc cái truyện ngắn của Hoàng, Nga biết chồng nhớ mẹ sâu sắc. Vì thế, chị quyết định gửi một nửa giải thưởng về quê biếu mẹ.
Khi Ngân xuất hiện, Nga biết rằng chồng mình muốn chia sẻ rủi ro với người bạn học cũ, song lại sợ vợ hiểu lầm. Anh ấy đưa bạn về nhà nghĩa là anh ấy rất tin vợ. Vì thế không cần đợi chồng đồng ý, Nga vẫn đưa cho Ngân ba triệu đồng. Nếu phải đợi Hoàng gợi ý Nga mới làm điều đó thì trong mắt chồng, Nga sẽ trở nên bé nhỏ đi.
Các đôi vợ chồng thường hay nói rằng “có thể đi guốc trong bụng nhau”, nhưng hiểu nhau được như vợ chồng Hoàng thì không nhiều lắm. Và nếu không hiểu nhau thì hạnh phúc gia đình trở nên mong manh.
Nhà văn Hoàng Hữu Các
Gia đình & Xã hội