Những nàng dâu thiệt thòi
Dân ta vốn sống “duy tình”, trong quan hệ gia đình yếu tố tình cảm, niềm tin là trên hết. Chính vì vậy khi cha mẹ cho con cái đất đai, nhà cửa ít khi thực hiện thủ tục pháp lý sang tên, đổi chủ.
1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. 2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản. (Điều 467 Bộ luật dân sự) |
Tiền riêng thành tiền chung
Năm 2002 mẹ chồng chị Th. mắc bệnh qua đời. Để đỡ đần cha lúc tuổi già, vợ chồng chị phải chuyển về Quảng Bình ở cùng cha. Anh H. về làm việc tại một công ty xây dựng ở phố huyện, còn chị Th. xin được việc ở một khách sạn.
Với số tiền tích cóp được trong thời gian ở Huế, vợ chồng chị Th. mua một thửa đất ở trung tâm thị trấn. Đến năm 2007, cha và các anh chị của H. thống nhất giao cho vợ chồng họ sử dụng đất và nhà của cha mẹ. Vợ chồng chị Th. quyết định bán thửa đất riêng của vợ chồng lấy tiền đó sửa chữa nhà, số còn lại chia cho các anh chị coi như là chia phần đất của cha mẹ.
Công việc, nhà cửa ổn định, con cái “có nếp có tẻ”, nhưng rồi hạnh phúc đó không được kéo dài. Do tính chất công việc chị Th. thường phải đi làm ca đêm, anh H. ghen tuông nên phát sinh mâu thuẫn. Không chịu nổi những trận đòn bạo lực của chồng, chị Th. nộp đơn yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn.
Trước tòa, anh H. cho rằng số tiền mua đất vào năm 2002 là vay mượn của các anh chị, sau khi bán đã trả nợ, số còn lại dùng vào việc sửa chữa nhà, nay anh chỉ chấp nhận chia cho vợ một nửa số tiền này là 30 triệu đồng. Mặc dù nhà đất cha chồng đã cho nhưng chỉ là lời nói, còn số tiền bán đất chia cho các anh chị chẳng có giấy tờ gì chứng minh, chị Th. đành ngậm ngùi cầm 30 triệu đồng rời nhà chồng.
Có sổ đỏ vẫn bị thu hồi đất
Năm 1989, chị Nguyễn Thị H. kết hôn với anh Lê Văn N.. Do N. là con trai út nên sau khi kết hôn, vợ chồng chị H. ở cùng cha mẹ chồng. Năm 1991 theo chủ trương di dân của huyện, cha mẹ của anh N. giao lại toàn bộ nhà và đất cho con rồi lên vùng đồi núi phía tây huyện làm kinh tế trang trại. Năm 1992, vợ chồng chị H. làm thủ tục và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc này cha mẹ của N. hoàn toàn biết nhưng không có ý kiến gì. Đến năm 2009 khi vợ chồng chị H. phát sinh mâu thuẫn, đem nhau ra tòa yêu cầu giải quyết việc ly hôn thì cha của anh N. làm đơn khiếu nại yêu cầu UBND huyện hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho vợ chồng chị H.
Ông cho rằng thửa đất này là của vợ chồng ông, N. tự ý làm thủ tục để được cấp sổ đỏ, ông hoàn toàn không biết, ông chưa ký vào bất kỳ văn bản nào tặng vợ chồng con trai nhà đất. Xét thấy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng chị H. chưa có đầy đủ cơ sở và thủ tục pháp lý nên UBND huyện đã ra quyết định thu hồi.
Trường hợp của chị Dương Thị H. cũng rất buồn. Bằng lòng làm vợ anh Trần Văn Tr., chịu thương chịu khó, chị H. sớm hôm lo lắng gánh vác công việc đồng áng cùng chồng nuôi dưỡng cha mẹ già yếu, bệnh tật. Mặc dù vợ chồng chị đã cố gắng cật lực nhưng cũng không thoát khỏi cảnh khốn khó.
Cha mẹ anh Tr. lần lượt ra đi và ít lâu sau đó anh Tr. cũng lâm bệnh rồi qua đời, để lại cho chị hai con nhỏ đang độ tuổi ăn học. Tưởng rằng cuộc đời lam lũ hi sinh vì gia đình chồng của chị sẽ được bù đắp khi thửa đất cha mẹ chồng để lại nằm trong quy hoạch mở rộng thị xã (giá tăng cao), nào ngờ vài tháng sau đó hai người chị gái của chồng về khởi kiện yêu cầu chia thừa kế.
Trên đây chỉ là ba trong vô số trường hợp mà người làm dâu phải chịu thiệt thòi do thiếu sự rạch ròi giữa quan hệ tình cảm và quan hệ tài sản trong gia đình. Từ thực tế của cuộc sống, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân mình cũng như hạn chế tranh chấp, thiết nghĩ cần phải có sự rõ ràng trong chuyện cho - nhận tài sản dù là giữa các thành viên trong gia đình.
Theo Tuổi Trẻ