Những mùa Xuân sau sẽ xanh hơn
Thay đổi nhận thức về môi trường của hơn 70.000 học sinh tiểu học TPHCM, thu gom được khối rác thải phế liệu "khổng lồ" cho công việc tái chế là những con số ấn tượng mà chương trình “Vui làm Hiệp Sĩ Xanh, bé Ngại Gì Vết Bẩn” đã làm được sau 1 tháng ra quân.
Chiếc thùng rác khổng lồ làm từ nhựa tái chế do các em nhỏ thu gom và đóng góp cho chương trình.
Tôi là một người mẹ. Và như những người mẹ khác, tôi cũng đặt hy vọng ở con rất nhiều, ước muốn sau này lớn lên cháu có thể trở thành một công dân toàn cầu, với lối sống tích cực, văn minh, biết góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển xã hội, có ý thức trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường sống.
Tuy nhiên, với điều kiện môi trường sống đang ngày càng khắc nghiệt hơn, nhiều biến đổi hơn - hậu quả của việc con người đã không có ý thức gìn giữ, bảo vệ màu xanh của nó. Đã có lúc chính chúng ta quên đối đãi tử tế với môi trường, nói gì đến chuyện đào tạo ý thức cho thế hệ tương lai. Tôi muốn giáo dục con, nhưng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu cả.
Vậy nên phải nói rằng, tôi ngạc nhiên, khi một ngày “ông cụ non” của tôi từ trường học trở về và nói với mẹ rằng: “Mẹ không cần mua đồ chơi cho con nữa, cùng con làm đồ chơi từ chai nhựa bỏ đi để bảo vệ môi trường, mẹ ạ!”. Cũng từ hôm đó, cu cậu không cho bố mẹ vứt vỏ hộp, nhựa, giấy báo cũ vào thùng rác, còn biết nhắc nhở mọi người trong nhà ngoài xóm phân loại rác thải, gom rác vô cơ lại để đem đến trường, nhằm tái chế cùng một người bạn có tên “Hiệp Sĩ Xanh”.
Một chương trình dành cho tuổi thơ mới ở cấp thành phố kéo dài có 1 tháng nhưng đã mang lại cho con một bài học lớn hơn mong đợi: Bài học chung tay với hoạt động xã hội vì lợi ích cộng đồng và tích cực bảo vệ trái đất từ việc thay đổi lối sống hàng ngày, đơn giản bởi đó chính là ngôi nhà chung mà tất cả chúng ta đang sống. Tôi hoàn toàn có thể hy vọng vào một thế hệ tương lai có tác động tích cực hơn lên môi trường, phải không?