Những hành động này là dấu hiệu nhận biết chồng yêu thương vợ
Nhiều người vẫn thường nghĩ, chuyện tình yêu chỉ dành cho tuổi trẻ. Trên thực tế, những cặp vợ chồng thực sự yêu thương nhau thì tình yêu của họ còn tuyệt vời hơn rất nhiều tình yêu trai gái.
Theo các chuyên gia, chuyện tình yêu người ta không tính đến thời gian, có khi hàng chục năm, cũng có khi bắt đầu rồi kết thúc cũng chỉ một vài giây đã xong một cuộc tình. Tình yêu của tuổi trẻ càng dễ rơi vào tình trạng như vậy. Thế nhưng, với hôn nhân, tình yêu phải tính bằng cả một đời, qua bao thăng trầm, qua bao hỉ nộ ái ố và rồi họ chợt nhận ra người bạn đời của mình mới là người tuyệt vời nhất trong cuộc đời này.
Theo chuyên gia Tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài Tư vấn tâm lý 1088, trên thực tế đã từng có những cặp vợ chồng dù đã sống cạnh nhau 40 hay 50 năm họ vẫn yêu nhau, quấn quýt bên nhau không rời. Những cặp vợ chồng này thường có những hành động dành cho nhau sau đây:
Quan tâm sâu sắc đến nhau. Họ luôn ở bên nhau. Họ không cho phép người khác nói xấu hoặc hành động xấu đối với chồng hay vợ mình. Họ tôn trọng bạn đời ngay cả khi người kia không đòi hỏi hay yêu cầu.
Thể hiện sự quan tâm đến nhau. Không chỉ nơi riêng tư mà còn trước đông người, các cặp đôi này luôn thể hiện sự quan tâm đến nhau. Họ luôn nói tốt về nhau. Họ học cách chế ngự cơn giận và sự thất vọng của bản thân theo cách để không làm tổn thương nhau khi buồn bã.
Học cách bảo vệ nhau. Họ luôn nghĩ đến nhau, tìm hiểu xem người kia đang làm gì, có cần đến sự giúp đỡ của mình không, hoặc chỉ để nói rằng anh yêu em và anh biết em có thể vượt qua khó khăn đó. Họ không bao giờ cố ý làm hại nhau. Họ luôn để ý công việc mà chồng hoặc vợ mình đang làm để đảm bảo rằng người kia ổn. Họ đặt những câu hỏi như: Em có cần gì ở anh không? Hoặc em có cần anh giúp không? Điều này không được thực hiện một cách bừa bãi mà được thực hiện bởi vì họ muốn bảo vệ và làm bất cứ điều gì có thể để giảm tải những khó khăn cho nhau.
Học cách lắng nghe nhau. Họ sẵn sàng ngăn chặn những gì họ đang làm và thực sự chú ý đến những gì người kia đang nói. Lắng nghe không hề dễ dàng như hầu hết mọi người nghĩ. Có thể bạn đã từng nghĩ rằng, mình có thể vừa làm việc mà vẫn nghe người khác đang cố nói điều gì đó. Nhưng thực tế thì thật đáng buồn, chúng ta thường bỏ ngoài tai rất nhiều điều mà người bạn đời đang nói bởi vì bạn quá bận rộn với những suy nghĩ của riêng bạn.
Thế nhưng những cặp vợ chồng yêu nhau, họ đã học được rằng giao tiếp thực sự là dừng suy nghĩ lại và lắng nghe nhau. Họ lắng nghe những từ được sử dụng, những cảm xúc đằng sau những từ đó và hỏi liệu họ có thể làm gì để giúp đỡ vợ/chồng mình không.
Tìm ra giải pháp xung đột phù hợp với cả hai. Ngay cả những cặp đôi yêu nhau cũng có những lúc xung đột. Thế nhưng vì yêu thương nhau nên họ đã tìm ra cách giải quyết xung đột một cách lành mạnh. Thông thường, các cặp vợ chồng chọn cách im lặng hoặc tảng lờ khi xảy ra xung đột. Một người có thể đứng lên và bỏ đi trong khi người kia la hét và nói tất cả những điều không tốt. Sau khi xung đột kết thúc, họ bắt đầu nói chuyện với nhau và giả vờ như vấn đề đã xảy ra không hề tồn tại. Họ thường không trở nên bướng bỉnh và đào sâu lỗi lầm của bạn đời để khẳng định mình đúng. Họ cũng học cách mỗi người chịu trách nhiệm về những lời nói của mình trong cuộc xung đột và không chơi trò chơi đổ lỗi cho nhau.
Luôn khen ngợi và cảm ơn nhau mọi lúc. Các cặp vợ chồng thường quên nói lời cảm ơn vì những điều nhỏ nhặt thường ngày. Thế những các nghiên cứu cho rằng, một lời cảm ơn vì người bạn đời đã nấu bữa tối, hay cảm ơn vì chồng đã rất tuyệt vời trên giường ngủ... thường khiến cho tình cảm vợ chồng càng mặn nồng hơn. Họ cũng thường khen ngợi nhau nhiều hơn, khen chân thành chứ không phải khen đãi bôi, trách nhiệm.
Thành thật với nhau về suy nghĩ và cảm xúc của mình. Họ có thể bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình với người kia mà không lo sợ bị phản ứng.
Thông thường, mọi người cảm thấy cần phải tự bảo vệ mình và đưa ra tất cả các lý do tại sao người kia sai lầm khi nghĩ hoặc cảm nhận những gì họ đang nghĩ hoặc cảm thấy. Đôi khi trong chế độ phòng thủ đó, một người cũng trở nên hạ thấp người kia. Khi những điều này xảy ra, các cặp vợ chồng có xu hướng không chia sẻ nhiều về những gì họ đang nghĩ hoặc cảm thấy. Họ có thể bắt đầu che giấu mọi thứ và che giấu sự thật về một việc đã xảy ra. Họ có thể thuyết phục bản thân rằng không sao khi nói dối về vấn đề gì đó hoặc bỏ qua một số chi tiết để tránh phản ứng của bạn đời khi biết sự thật.
Tuy nhiên, đối với những cặp vợ chồng tuyệt vời, họ chăm chỉ học cách giao tiếp trung thực với nhau một cách đầy yêu thương và trân trọng. Họ học cách nói lên sự thật trong tình yêu không phải để làm tổn thương người khác mà là để xây dựng mối quan hệ ngày càng trở nên tin cậy hơn.
Theo Ngân Khánh
Gia đình và xã hội