Những đứa trẻ yêu quá sớm

(Dân trí) - Một ngày, chị Vũ Phong Lan, 21/5 đường Trường Sơn, Q. Tân Bình, TPHCM bỗng nhận được tin như sét đánh ngang tai: Con gái 14 tuổi của chị đang yêu một anh chàng hơn 4 tuổi.

“Nổi loạn”?

 

Suốt 6 tháng trời chị làm đủ mọi cách để ngăn cuộc tình kia tiếp diễn mà không được. Chị khóc: “Tôi chết mất khi nghĩ đến điều này. Không biết làm cách nào để ngăn chặn được cái chuyện vô lý kia”. Với chị Lan thì đúng là quá vô lý, nhưng phân tích dưới góc độ của các nhà tâm lý thì không vô lý chút nào.

 

Chuyên viên tư vấn tâm lý Lê Thị Sương (TPHCM), cho biết: “Thường một bé gái 12,13 tuổi đã biết mắc cỡ, làm dáng và cơ thể của các cháu cũng đã có những biểu hiện dậy thì. Mà dưới góc độ tâm sinh lý thì ở tuổi này tình cảm giống như tình yêu có thể đã đến với các cháu”. 

 

Có nghĩa chúng ta buộc phải đối diện với việc một lúc nào đó nhận ra đứa con bé bỏng của bạn đang yêu, có nghĩa nó đang làm một việc rất tày đình ở cái tuổi chưa được phép nghĩ đến.

 

Phương Xuân, con gái chị Phương Lan khi được hỏi vì sao lại yêu sớm như vậy, cháu trả lời rất thẳng thắn: “Cháu cảm thấy yêu anh ấy thì cháu yêu và cháu đâu có lỗi trong chuyện ấy”. Một bạn gái nữa mà chúng tôi trò chuyện cũng nói: “Bố mẹ thường nghĩ chúng cháu là trẻ con. Chúng cháu không còn trẻ con và bố mẹ đừng áp đặt những điều rất máy móc cho tuổi trẻ của bọn cháu”.

 

Hãy là bạn của chính con mình

 

Thường khi phát hiện ra những đứa trẻ bỗng nhiên yêu một người khác giới, phản ứng của bố mẹ là dùng ngay các biện pháp mạnh như cấm không cho đi chơi, đánh, mắng, thậm chí chuyển hẳn đứa trẻ đi một nơi khác. Những cách như vậy dù có thành công cũng khiến con bạn bị tổn thương rất nhiều. Bạn cũng có thể tìm những phương pháp khác để giải quyết vấn đề.

 

Điều quan trọng nhất mà các chuyên gia tâm lý luôn đề cập đến là sự quan tâm của cha mẹ, người thân đến đứa trẻ ở vào lứa tuổi dễ nhạy cảm nhất sẽ ngăn được đứa trẻ đến với tình yêu quá sớm. Khi bố mẹ mải mê làm ăn, thường xuyên vắng nhà, đứa trẻ cảm thấy mất đi chỗ dựa vững chắc và không tìm được sự đồng cảm chia sẻ.

 

Có khá nhiều ông bố bà mẹ lại quan tâm theo kiểu canh chừng nhất cử nhất động của đứa trẻ. Đó không phải là một cách làm tốt. Làm sao để vào giai đoạn đứa trẻ bắt đầu chuẩn bị làm người lớn bạn phải trở thành người bạn của trẻ. Bạn sẽ nhận ra ngay những manh mún tình cảm của đứa trẻ và bằng sự khéo léo trong tâm lý bạn sẽ khiến đứa trẻ hiểu ra.

 

Thực ra những tình cảm kiểu như tình yêu ở trẻ không kéo dài được lâu, nhưng điều tệ hại là trẻ dễ bị tổn thương, thậm chí là những tổn hại rất nghiêm trọng về sức khoẻ.

 

Khi một con gái bạn bước vào tuổi 13-14, hãy bớt đi công việc làm ăn, tránh được càng nhiều càng tốt các vụ đi xa và dài ngày để dành thời gian quan tâm, chăm sóc đến đứa trẻ. Tiền bạc, chức tước có thể quan trọng nhưng không bao giờ có thể đánh đổi được hạnh phúc trong gia đình bạn.

 

Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai cho tôi xem một cuốn nhật ký của bé Thùy Trinh, 14 tuổi trong đó có đoạn viết: “Mình buồn quá. Ba mẹ thì cứ đi riết, chẳng biết tâm sự với ai. Hôm nay mình làm gì bây giờ. Học cũng chán. Mấy hôm trước Hùng cứ nhìn mình khiến mình đỏ cả mặt và thấy mắc cỡ...”.

 

Những tình cảm và tâm sự rất thật của bé Thuỳ Trinh. Và nếu cháu không tìm thấy sự chia sẻ, phân tích và khuyên nhủ, chuyện gì sẽ xảy ra?

 

Tỉ lệ những đứa trẻ dưới 18 tuổi đã vướng vào chuyện yêu và phải đến bệnh viện để nạo phá thai chiếm tới 15% số ca đến nạo phá thai (trong hàng chục ngàn ca mỗi năm) ở TPHCM.

 

 

 

 

 

Đức Trung