Những điều vụn vặt
(Dân trí) - Có những cái biết là đã cũ, không cố tình nhắc lại, không cố tình nhớ, bất chợt lại hiện về rõ rệt. Kỷ niệm, tiếc rằng không phải là những thứ muốn vứt đi là vứt, muốn quên là quên được ngay. Có những điều dẫu không còn cần, vẫn không quen vứt bỏ, nên đành xếp lại trong mớ ký ức ngổn ngang.
Có một người bạn nói với tôi rằng: có những điều giấu kín trong lòng mới thú vị, cái thú vị ấy chính là sự không hiểu, không hiểu nên thấy thú vị. Có những thứ khi đã hiểu rõ ràng lại bớt hay. Tôi và người ấy cũng đã có những tháng ngày xinh tươi mơ mộng, nhưng cuối cùng lại không đủ can đảm bước chung đường, chỉ bởi đơn giản là hiểu quá nhiều về nhau. Như một cuốn sách chẳng có gì háo hức nếu ta đã sớm biết nội dung bên trong nó. Xa rồi mới nhận ra, có những thứ thuộc về người khác nếu không biết thì đừng cố tình lục lọi. Bởi khi biết rồi lại ước giá như đừng biết thì tốt hơn.
Tôi vốn là người hay nghĩ, một cái nhíu mày, một câu nói lấp lửng, một ánh nhìn là lạ cũng làm tôi mất ngủ. Tôi không và không bao giờ có thể là một người hoàn hảo. Thế nhưng lúc nào cũng lo lắng việc mình làm, điều mình nói có thể gây tổn thương, có thể làm người khác đau lòng. Cô bạn thân từng bảo tôi “Mày đừng lúc nào cũng như lão nhà giàu keo kiệt thế. Cái gì cần thì nghĩ, việc gì cần thì lo lắng. Đừng có cái gì cũng nhồi nhét hết vào tim. Những phiền muộn, những ưu tư, tiếc gì mà không cởi bỏ hết đi.” Có lẽ, điều quan trọng là đôi khi phải biết cởi bỏ đi những tâm sự và đừng nghiêm trọng quá về việc người khác đang nghĩ gì về ta. Làm thế nào để vui, chỉ có thể là quên đi những chuyện buồn, quên đi những dèm pha dị nghị.
Con gái tôi đã tròn ba tuổi, đã biết hốt hoảng khi nhìn thấy máu, đã biết vuốt ve vào những chỗ đau, biết biểu lộ cảm xúc kinh ngạc và ghê sợ. Con không bao giờ khóc nếu chạy bị ngã dù đầu gối có sợt da chảy máu. Chỉ tự lồm cồm bò dậy, dùng tay phủi phủi những bụi bẩn và bảo với mẹ: “Mẹ ơi, con bẩn rồi”. Hỏi: “con có đau không?- “có ạ!” .Đau sao con không khóc? Con gái, tuy rất nhỏ nhưng đã hiểu được việc mình làm thì mình chịu. Khi con lớn hơn chút nữa, khi con hiểu hơn chút nữa, tôi nhất định sẽ nói với con rằng: Có những khi con đau, con có thể khóc, con có quyền được khóc, nhất là với những nỗi đau người khác không thể nhìn thấy được. Và đừng ngại ngùng, hãy dựa vào một bờ vai mà khóc.
Tết rồi, về với mẹ. Khi chuẩn bị hành lý để ra đi, mẹ khóc. Mẹ bảo tôi: “con có con gái, sau này đừng cho nó lấy chồng xa con nhé.” Ngày xưa tôi yêu xa, lấy chồng xa, bố mẹ không một lời phản đối. Bố mẹ tôi nói rằng, cha mẹ chẳng thể ở đời với con được. Chỉ cần con tìm được một người chồng tử tế, xa hay gần không quan trọng.
Ấy vậy mà, mỗi lần tôi về rồi đi, lần nào mẹ cũng khóc, dù giờ tôi cũng đã làm mẹ. Mẹ nói thương tôi xa xôi một mình, khi buồn đau mẹ không thể cận kề chia sẻ. Khi cháu sốt, mẹ không thể thức đêm bế con hộ một giờ. Khi đi làm tắc đường về muộn, không dám nhờ ai ra nhà trẻ đón con. Những nỗi lo của mẹ, nhỏ thôi, mà làm tôi trào nước mắt. Cha mẹ suốt đời cứ hết lòng lo cho con như ngày nhỏ dại. Thế mà tôi lại vô tâm, có khi nửa tháng mới gọi điện về nhà. Có khi mẹ gọi điện ra trách sao lâu không thấy con gọi. Tôi bảo “tại dạo này con bận quá!”. Cúp điện thoại rồi mới chợt ngẩn ngơ tự hỏi: có thật mình bận đến nỗi một tuần không thể dành khoảng mười phút gọi điện về cho mẹ không?
Cuộc sống, vốn là một vòng tuần hoàn như thế. Có người lo lắng cho mình, mình lại lo lắng cho người khác. Có người làm tổn thương mình, mình lại làm tổn thương người khác. Có những người trở nên gắn bó hơn, cũng có những người ngày càng phai mờ hình bóng. Buồn và vui, nhớ và quên, khổ đau và hạnh phúc, suy cho cùng cũng chẳng có gì đáng sợ. Bởi cuối cùng điều quan trọng nhất mình nhận ra: Dù mình là ai, dù mình thế nào đi chăng nữa, vẫn có ai đó yêu thương mình. Và mình, vẫn cần cho ai đó.
Lê Giang