Những chiêu lạ ràng chồng buộc vợ

Sau nhiều lần hội ý với các chị em trong cơ quan, cùng xóm và vài nhà tư vấn không chuyên, chị Lan, nhân viên ngành bưu điện, đúc ra một chân lý: Chồng mãi là của vợ nếu trong túi anh ta không bao giờ có nhiều tiền.

Chị nghĩ, mấy cô xinh xắn chắc chẳng ai chịu đong đưa với một gã bị viêm màng túi kinh niên dù cái mã của anh ta có đẹp trai đến mấy.

 

Vì thế, mỗi sáng, chị phát cho chồng một số tiền vừa đủ ăn tô phở, uống ly cà phê, mua một tờ báo. Buổi trưa, anh dùng cơm ở cơ quan, đến cuối tháng mới trả tiền, chị chi ngay không tính toán vì số tiền rất rõ ràng, lại không bao nhiêu. Còn buổi tối, anh phải về nhà ăn cơm.

 

Và chiến lược siết chặt "hầu bao" chồng của chị tỏ ra hữu hiệu. Anh chồng ngoan ngoãn về nhà đúng giờ, trừ những lúc đi nhậu với bạn bè. Song, vì không có tiền để bao lại bạn bè nên anh cũng không có hứng thú nhậu ké hoài. Chị Lan yên tâm vô cùng.

 

Rồi bỗng một hôm chị nghe được hung tin: "Anh xã đang cặp kè với cô gái cùng phòng làm việc". Hai kẻ liều lĩnh ấy đã bất chấp dư luận ăn chung một ly chè, cắn chung một quả táo, thậm chí cùng gặm cái đùi gà...

 

Hóa ra, buổi sáng, chỉ lót dạ một ổ bánh mì hay tô hủ tiếu nhỏ nên chưa đến giờ cơm trưa, anh chồng chị đã đói rã ruột. Thấy anh ngáp dài, ngáp ngắn, cô bạn đồng nghiệp chia sẻ cho đồ ăn, thức uống. Phụ nữ hay ăn vặt nên lúc nào cũng có sẵn lương thực. Dần dần, họ thân thiết với nhau như bóng hình.

 

Có nhiều bà vợ trói chồng bằng cách lúc nào cũng có thể bất ngờ xuất hiện hoặc điện thoại thăm dò hay đặt ra một đống câu hỏi như bảng trắc nghiệm tình yêu của ông xã. Đối với chị Thái Hòa, một thủ quỹ, đó là "hạ sách" vì ràng buộc quá lộ liễu, làm xuống giá phụ nữ. Chị có một "chiêu" cao hơn, tinh vi hơn: "Chồng sẽ không bao giờ dám lìa xa vợ nếu như luôn luôn cần có vợ bên cạnh".

 

Chị rút kinh nghiệm này từ khi có con: Con làm sao có thể sống thiếu mẹ vì cái gì mẹ cũng làm cho nó. Chị áp dụng ngay "công thức" này vào việc "cột chặt" chồng.

 

Đúng như mong đợi, những lúc chị về muộn, hai cha con ngồi chờ chị về nấu cơm hoặc mang đồ ăn về. Càng ngày, anh xã càng phải phụ thuộc vào vợ. Không có vợ, anh không biết tắm xong mặc cái gì, ăn xong uống cái gì hay không thể đi ngủ nếu vợ chưa dọn giường, chưa đánh răng nếu chị không nhắc…

 

Nói tóm lại, có vợ như một bảo mẫu, anh khỏe ra, mập mạp, phong độ còn chị thì ngày càng kiệt sức, nhăn nhúm.

 

Đàn ông buộc vợ không như đàn bà ràng chồng. Số đông phấn đấu trở thành trụ cột, không phải chỉ để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông, mà để bà vợ không dựa vào cột thì biết dựa vào đâu.

 

Sau khi cưới vợ lần hai, anh Thái Ngọc, một giảng viên đại học, đã tích lũy nhiều kinh nghiệm. Cô vợ trước của anh mạnh dạn đứng đơn ly hôn vì có nghề nghiệp ổn định, thu nhập dư nuôi con. Cô không muốn sống với một người đàn ông luôn khó chịu khi vợ đi công tác.

 

Cô vợ mới của anh cũng thuộc loại học nhiều, biết rộng, đang làm việc tại một công ty sản xuất thực phẩm gia súc. Anh dỗ ngon dỗ ngọt để cô ta chịu ở nhà: "Em cũng đã lớn tuổi, đi làm căng thẳng đầu óc, khó mà bầu, anh đi làm là đủ rồi".

 

Quá cảm động, cô vợ từ bỏ công danh sự nghiệp ở nhà chăm chồng. Ba năm sau, cô đã có hai con, đầu tắt mặt tối, lằng nhằng hỏi tiền chồng mua sữa cho con. Anh chồng quạu quọ: "Tôi đâu có in ra tiền". Bao nhiêu thói tật của chồng, cô vợ phải cố chịu chứ làm sao dám bứt ra như người vợ trước.

 

Ràng vợ, buộc chồng phải như người chơi thả diều. Con diều và sợi dây không thể thiếu nhau. Sợi dây mỏng manh nhưng rất dai, căng quá sẽ đứt dây còn chùng quá sẽ làm cho con diều loạng choạng, đâm đầu xuống đất. Trò chơi này cần có gió và khoảng trống. Đó mới là tình yêu vợ chồng.

 

Theo Tuổi Trẻ