Những bà vợ... độc thân

“Sống sao nổi khi ngày nào cũng... gặp chồng”, câu nói này của một bà vợ nghe rất phi lý, nhưng quả thực với người quen xa chồng như chị Hoa, việc anh về nhà hằng ngày là một cú sốc.

Những bà vợ... độc thân - 1


Chồng chị là tiếp viên hàng không. Mười mấy năm qua chị đã quá quen việc anh vắng nhà đều đặn với những chuyến bay quốc tế dài ngày. Sau một thời gian “vật vã” vì không có chồng bên cạnh, Hoa bắt đầu lấp khoảng trống bằng những thói quen của một người còn một thân một mình, từ đọc sách, xem phim đến tụ tập bạn bè, offline các câu lạc bộ sở thích…

 

Khi đã thích nghi tốt, những thói quen đó trở thành niềm vui, khiến chị lúc nào cũng vui vẻ tung tăng, đến mức chị có chút vui sướng với cái danh “bà vợ độc thân” mà bạn bè đồng nghiệp gọi. Ngoài 8 giờ làm việc, chăm sóc con cái nhà cửa, chị còn những khoảng thời gian cho riêng mình.

 

6 tháng trước, chồng chị thông báo một năm nữa sẽ chuyển xuống làm mặt đất. Lúc đầu nghe chồng bàn, chị thấy không có vấn đề gì, coi như chuyện đương nhiên phải thế. Rồi đến khi cái hạn chồng sẽ có mặt ở nhà thường xuyên tới gần, chị mới lờ mờ thấy được nguy cơ mọi chuyện đảo lộn, rối tung rối mù.

 

“Những thói quen được thiết lập cả chục năm trời không dễ gì bỏ được trong ngày một ngày hai. Tôi thích những buổi offline của nhóm chị em cùng đi xe hơi, nhóm những bà mẹ sinh con tháng 6, nhóm bạn ĐH… Giờ thì biết làm sao”, Hoa nói.

 

Tình huống của chị Hoa không phải là phóng đại, cũng chưa đến mức nguy kịch. Với một người đã biết cách thích nghi với hoàn cảnh như chị khi phải xa chồng, thì việc thay đổi thói quen lần nữa vì sự thường xuyên có mặt của chồng ở nhà không phải là bất khả thi.

 

Trường hợp thứ hai có mức độ trầm trọng hơn. Chị Thuý và chồng đang ly thân, mỗi người ai về nhà nấy. Con gái 6 tuổi ngày đi học thì ở với mẹ, cuối tuần về nhà bố đã gần ba tháng nay. Chuyện rạn nứt của họ bắt đầu nảy sinh từ ngày chồng Thuý thôi làm nhân viên trên các chuyến tàu Nam - Bắc, về phụ việc cho anh trai mở công ty dịch vụ quảng cáo.

 

Đằng đẵng gần 10 năm, Thuý quen với việc mỗi tuần vắng chồng vài ngày. Sự thiếu vắng này thậm chí còn khiến quan hệ vợ chồng chị lúc nào cũng mặn mà. Bởi không có nhiều thời gian gặp nhau nên mỗi lần chồng về, Thuý chăm sóc cơm nước chu đáo. Chồng thương vợ, những ngày ở nhà cũng hết mực chiều vợ, chăm con.

 

Chồng chuyển việc được một tháng, Thuý bắt đầu thấy có vấn đề. Nhờ chồng đón con từ trường về nhà lần thứ ba thì sinh chuyện. Chồng lỡ nhậu với bạn từ chiều, không đón con được, đẩy qua đẩy lại, vợ cự nự: “Em đưa đón con đi học mấy năm nay không sao, nhờ anh đón vài bữa không được”. Lần khác, chồng đi làm về nhà tới giờ cơm rồi, không thấy vợ con đâu. Gọi điện, vợ nói đang cho con đi ăn “tiệc đột xuất”, bạn văn phòng khao xe cuối giờ chiều mới báo, nên tiện thể đón con đi luôn, chị nhắn chồng ăn tạm đồ cũ trong tủ lạnh. Thế là anh không hài lòng.

 

Trường hợp thứ ba là một câu chuyện dài với kết thúc có khả năng đổ vỡ. Bình và Thành đều là người dân tộc thiểu số, thành đôi từ lúc còn rất trẻ. Sau lễ cưới, Thành đỗ ĐH Mỹ thuật, Bình đỗ ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn. Họ thuê một căn nhà ở thành phố vừa sống đời sinh viên vừa sống đời vợ chồng với 5 năm tràn ngập hạnh phúc. Tốt nghiệp, cả hai đều có công việc tốt. Chàng là hoạ sĩ thiết kế tại một xưởng phim. Nàng là cán bộ trẻ trong một cơ quan nghiên cứu văn hoá các dân tộc ít người. Sau đó, nàng được chọn đi học cao học theo học bổng một quỹ văn hoá tại Mỹ.

 

Trở về nước, hai vợ chồng lại như cá gặp nước. Nhưng được một hai đêm mặn nồng, ngày thứ ba, buổi tối chàng đi đâu đó vì “một cuộc họp không thể thiếu anh”, đến hơn 11h đêm mới về. Rồi hầu như tối nào chàng cũng có những “cuộc họp” như vậy khi thì với đám bạn nghệ sĩ, lúc thì với vài anh bạn nào đó từ thời đi học. Khi vợ mới đi, ở nhà một mình, Thành lấy việc gặp gỡ bạn bè làm nguồn an ủi. Song dần dần, ba năm đã biến giải pháp lấp chỗ trống đó trở thành một lối sống mới của anh. Thậm chí, việc vợ ngày nào cũng ở nhà đợi cửa và gọi điện còn khiến Thành phát điên vì gò bó.

 

Bình thì ngược hoàn toàn với chồng. Ba năm ở Mỹ, Bình chỉ học từ họ tính nhẫn nại, làm việc hết mình chứ không “hoà nhập” về kiểu cách, ngoại hình hay lối sống. Từ ngày về nước, mỗi ngày với Bình là một phát hiện chẳng lấy gì làm thú vị. Kiểu cách của chồng không còn bóng dáng một chàng trai ngây ngô, rụt rè ngày xưa.

 

Hôm lục tìm nơi chồng để những thứ quý báu, Bình không thấy cái vòng bạc cô để lại “để lúc nào anh cũng nhớ đến em”. Thay vào đó là một số tiền lớn, được gói bằng nửa lá thư bị xé đôi, lá thư rất dài mà cô đã viết trong một ngày tết cô đơn đầm đìa nước mắt vì nhớ anh đến điên cuồng.

 

Thì ra, những cách sống thời thơ ấu chưa nói được gì về tương lai một con người. Chỉ một quãng thời gian xa cách đã có thể khiến hai người bước đi trên hai con đường khác nhau, dù cả hai con đường đó có thể đều tốt đẹp. Ngồi dưới ngọn đèn, cô tân thạc sĩ về xã hội học cứ rối bời vì những câu hỏi do chính mình đặt ra và vô cùng lúng túng trước một vấn đề xã hội, chuyên ngành học của cô. Chỉ mới vài tuần chung sống trở lại, cô đã cảm thấy những rạn nứt không thể tránh khỏi. Cô rùng mình nghĩ đến những ngày sắp tới. Từ “ly hôn” đã thoáng hiện ra trong óc cô.

 

Những lời khuyên từ chuyên gia

 

- Hiểu những thay đổi và thách thức mà cả hai phải đối diện khi hoàn cảnh thay đổi.

 

- Suy nghĩ thoáng với những điều mới mẻ và học cách điều chỉnh để thích nghi.

 

- Giữ gìn sức khoẻ để sống hạnh phúc hơn.

 

- Bỏ qua những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.

 

- Biết tha thứ và “học quên”.

 

- Những người chồng hãy nhớ rằng vợ bạn đã biết cách tề gia suốt nhiều năm qua.

 

- Những người vợ hãy tạo thói quen sinh hoạt phù hợp với chồng như chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè, cũng như khuyến khích chồng tham gia vào các thú vui thường nhật của bạn.

 

Một trong những điều đầu tiên bạn cần học khi bước vào hôn nhân là không có điều gì hoàn toàn màu hồng, và không có gì là vĩnh viễn. Mỗi con người trong cuộc đời đều sẽ gặp những biến động. Đi qua biến động đó, họ thay đổi mình, nhiều khi là từ sâu thẳm bên trong. Nếu bạn đòi hỏi một cuộc hôn nhân diễn ra đúng theo kịch bản mà hai người đã xây dựng thì hầu như chắc chắn bạn sẽ đối mặt với thất bại. Điều quan trọng không phải là làm sao để “anh/em vẫn như ngày xưa”, mà là đủ yêu thương, đủ thấu hiểu để có thể đối diện, lý giải và hoà hợp với sự thay đổi của người kia.

 

Theo Sài Gòn Tiếp Thị