"Nhũ hoa" và những suy tư
Với một cô gái tuổi dậy thì, trong số những “đột biến” tâm sinh lý và hình thể thì sự hiện diện đôi nhũ hoa mới chắc chắn có một ý nghĩa đặc biệt.
Không như những biến động khác, diện mạo khác hôm qua của đôi nhũ hoa rất khó giấu dưới mắt mọi người, do vậy ngoài vấn đề sinh lý còn có cái nhìn “phi sinh lý” can dự vào và chính cái nhìn “soi mói” này mới gây ra lắm “hỉ nộ ái ố”, vượt xa tầm của một hiện tượng bình thường.
Nói cách khác nếu chỉ chú ý đến “vòng 1 sinh lý” mà kém quan tâm đến “vòng 1 xã hội” sẽ là một thiếu sót lớn.
Đầu tiên là chuyện kích cỡ. Không lạ trên các mục tư vấn sức khỏe, bao giờ cũng dày đặc những lời than thở “màn hình phẳng” hay “trước sau như một” của các cô gái mới lớn. Đặc biệt, với chuyện số đo vòng này vòng nọ của các cô, nghèo thì than đã đành mà người giàu có khi cũng khóc như thường. Thay vì ủ ê chuyện phẳng phiu, nhiều cô gái lại phải khá vất vả giấu nhẹm bớt sự “quá khích” của mình. Thậm chí vì cái hơn người này mà có nữ sinh đòi… nghỉ học, do không kham nổi những cái nhìn bàn ra tán vào của đám con trai.
Tất nhiên không thể buộc những thiếu nữ dậy thì nghĩ xa hơn đến một thiên chức của bộ ngực ở thì tương lai, đó là khi làm mẹ. Theo “thiết kế” của tạo hóa thì chính sự giàu có của nhũ hoa lúc này mới là mục tiêu tối thượng. Trong khi thực tế hầu hết bộ ngực bị cho là thua chị kém em lại hoàn toàn có thể đảm đương tốt vai trò đảm bảo “an ninh lương thực” cho thiên thần nhỏ sau này (chưa nói lúc này kích cỡ nhũ hoa mới đạt hết độ viên mãn).
Thật ra cái chuẩn “nam tu nữ nhũ” đã có từ lâu nhưng ngày xưa mấy bà mẹ chồng chọn vợ cho con sát hạch vòng này vòng nọ chủ yếu là lo xa khả năng có cháu đích tôn. Ngày nay, khó trách các cô gái mới lớn toàn nghĩ chuyện “sắc bất ba đào” bởi nhan nhản khắp nơi là những lời tung hô vẻ đẹp hình thể bên ngoài, trong đó có bộ ngực ngoại cỡ. Cái tiêu chí “mạnh vì gạo bạo vì tiền” này dễ hiểu ngày càng đẩy những cô gái không may trời bắt xấu xuống cuối hàng.
Chưa hết, cái án treo “nữ nhũ” còn dẫn đến lắm hệ lụy mà không ít dở khóc dở cười. Kinh điển là việc không ít cô gái mới lớn đến nay vẫn tin rằng cho tay con trai chạm vào sẽ giúp bộ ngực “vượt lên chính mình”. Có cô cả lo, mới mười lăm mười sáu đã dặn lòng ở vậy, không dám yêu ai vì sợ ngưòi ta vừa nhìn thấy “màn hình phẳng” là đã cao chạy xa bay.
Một “biến chứng” khác đáng ngại không kém xuất phát từ hiệu ứng “có bệnh vái tứ phương”. Ngày nay, với tay nghề của ngành phẫu thuật thẩm mỹ, việc tôn tạo vòng trên vòng dưới với kết quả ngoạn mục là việc như trở bàn tay. Cái lợi tích cực của nó là dành cho các cô một cơ hội sửa lại phép tính sai của ông trời, nghĩa là sẽ giúp nhiều cô trong số họ quẳng gánh lo đi mà sống. Ngược lại chính cái phao đắt tiền này lại đẩy nhiều cô gái để tâm trí tơ tưởng quá nhiều vào cơ may biến lọ lem thành… công chúa.
Sự “bảo đảm” này vô tình khuyến khích các cô bỏ ngoài tai những lời khuyên “trời cho sao để vậy” hay thay vì lao tâm khổ tứ cho cái bề ngoài nên chuyển việc đầu tư cho “công dung ngôn hạnh” cũng không được nhiều. Ngày nay, không mấy ai ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều cô gái búng ra sữa đã “rành 6 câu” về silicon, kem nở ngực hoặc chăm chú vào những trang quảng cáo thẩm mỹ viện trên các tạp chí.
Không ai trách một cô gái mới lớn dành ưu tư cho sắc diện của mình, nhất là với một “trọng điểm” của phái đẹp như thế. Vấn đề là làm cách nào gạt bớt những trầm trọng hóa nỗi lo thua thiệt của các cô gái trẻ. Hiện nay, kinh tế khấm khá, dinh dưỡng đầy đủ, khiến các thiếu nữ ngày càng có da có thịt hơn so với những thế hệ cùng lứa trước, nhưng vẫn chưa phải tất cả.
Vẫn còn không ít cô gái mới lớn chịu lép ngực trong đà thiếu thốn cái ăn cái mặc chung (ngoài gen). Có lẽ phải đợi thêm một thời gian thì “chỉ số” này mới được cải thiện trên diện rộng. Trong thời gian đó, một lần nữa việc giáo dục tâm sinh lý giới tính cùng sự quan tâm của phụ huynh, hoàn toàn có thể làm được việc điều chỉnh lại âu lo không cần thiết của các cô gái “8, 9X” về đôi nhũ hoa.
BS. Đỗ Minh Tuấn
Theo Sức khoẻ & Đời sống