Nhờ nhà nội trông cháu, tôi ngã ngửa với lời nói quá quắt của mẹ chồng

Tuệ Minh

(Dân trí) - Tôi không ngờ gia đình chồng coi trọng chuyện tiền bạc hơn cả tình thương dành cho con cháu.

Vợ chồng tôi cưới nhau cách đây 5 năm, vì vấn đề kinh tế nên kế hoạch một thời gian để ổn định cuộc sống. Sau 3 năm, gia đình hai bên giục giã nhiều nên vợ chồng tôi quyết định sinh con sớm hơn dự định.

Tuy nhiên, chúng tôi không thể có thai tự nhiên. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết, sức khỏe sinh sản của hai vợ chồng đều bình thường. Thế nhưng, không hiểu vì sao chuyện có con khó khăn như vậy.

Khi đối diện với áp lực sinh con, chúng tôi đã nhờ đến biện pháp can thiệp để mang thai. Chi phí sau hai lần thực hiện khá lớn, tôi và chồng không còn nhiều tiền tiết kiệm. Thời gian gần đây, công việc của chúng tôi không mấy thuận lợi, lương bị giảm do công ty khó khăn. Vì vậy, số tiền "dắt túi" để lo cho con cũng vơi dần.

Tôi chỉ còn hơn hai tháng nữa là sinh con. Với tình hình tài chính hiện tại, hai vợ chồng nhắc nhau tiết kiệm các khoản chi tiêu không cần thiết. Vì chúng tôi hiểu, sau khi sinh con sẽ có rất nhiều khoản phát sinh mà cha mẹ không thể lường trước được.

Điều khiến hai đứa lo lắng nhất là chuyện ai đảm nhận việc trông con sau khi tôi đi làm lại. Ông bà hai bên đều khỏe mạnh. Thế nhưng, mẹ chồng tôi còn bận buôn bán ở cửa hàng tạp hóa. Còn mẹ đẻ phải chăm sóc ruộng rau và việc buôn bán ở chợ, đây là kế sinh nhai của ông bà.

Nhờ nhà nội trông cháu, tôi ngã ngửa với lời nói quá quắt của mẹ chồng - 1

Mẹ chồng khiến tôi thất vọng và buồn rầu (Ảnh minh họa: IT).

Nhà chồng rất quý con dâu nhưng về chuyện tiền nong khá kỹ lưỡng và tính toán. Tôi cảm thấy trong suy nghĩ nhà chồng, bất cứ chuyện gì cũng có thể quy ra được bằng tiền.

Sau khi sinh con, mẹ đẻ chắc chắn sẽ lên thành phố chăm con gái và cháu khoảng 2-3 tháng. Tuy nhiên, bà không thể ở lâu dài vì còn rất nhiều việc. Trong khi đó, gia đình bên chồng cách nhà tôi chỉ 3km, đi lại sẽ tiện hơn. Tôi luôn quan niệm, con gái lấy chồng gắn bó với nhà nội. Vì vậy, trách nhiệm của nhà chồng nhiều hơn là điều dễ hiểu.

Tôi biết mẹ chồng bận rộn với cửa hàng tạp hóa nhưng khi con dâu sinh đẻ, bà nên có trách nhiệm. Tuy cửa hàng đông khách, vẫn có thể thuê nhân viên bán hàng.

Nếu như kinh tế dư dả có thể thuê được giúp việc, tôi không lo lắng và cậy nhờ ai. Trong hoàn cảnh hiện tại, vợ chồng tôi không còn cách nào khác là nhờ sự giúp đỡ của ông bà hai bên được ngày nào hay ngày đó.

Thời gian dự sinh đang đến gần, tôi nói với bố mẹ chồng về chuyện hỗ trợ bế cháu trong khoảng 6 tháng sau khi con dâu đi làm. Tôi mong muốn mẹ chồng có thể đến căn hộ của vợ chồng tôi một thời gian để trông cháu thuận tiện hơn. Mặc dù kinh tế của vợ chồng tôi không mấy dư dả, lo cho bà ăn 3 bữa đầy đủ không phải là quá sức.

Trái với mong đợi của tôi, mẹ chồng cho rằng, vợ chồng đã sinh con phải có trách nhiệm trông con. Nếu không thể trông con thì nên thuê giúp việc. Trong trường hợp muốn nhờ mẹ chồng trông hộ, mỗi tháng phải trả 6 triệu đồng. 

Mẹ chồng cho biết, khi tới trông cháu, việc kinh doanh hàng tạp hóa bị ảnh hưởng. Chưa kể hiện nay, các giúp việc trông trẻ sơ sinh đã nhận mức lương 7-8 triệu đồng, thậm chí cao hơn tùy theo tính chất công việc. Cho nên, mẹ chồng tôi lấy mức tiền công 6 triệu đồng/tháng là thấp hơn thị trường.

Bố chồng tôi đứng về phía mẹ chồng và khẳng định chuyện bế trẻ con không dễ dàng. Vì vậy, bố chồng nhận thấy mẹ yêu cầu như vậy không có gì là sai.

Tôi biết có cố gắng thuyết phục cũng không nhận được sự giúp đỡ từ bố mẹ chồng. Mẹ đẻ của tôi tức giận khi nghe con gái kể lại. Cả gia đình tôi đánh giá, thái độ bên nội như vậy là quá quắt, không thương con.

Có lẽ trên đời này, chỉ mẹ chồng tôi mang suy nghĩ đòi tiền lương khi trông cháu. Tôi không khỏi buồn rầu và thất vọng.

Nếu chấp nhận trả lương cho mẹ chồng, các khoản khác phải giảm triệt để. Thực lòng, tôi không muốn trả lương, vì làm như vậy không khác gì con cái trả phí để mua tình thương mà lẽ ra bố mẹ chồng phải dành cho con cháu trong nhà. 

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm