Nhìn mỗi ngày qua đi

(Dân trí) - Trên trang cá nhân của cô cháu gái, avatar đã đổi thành màu đen. Cháu nhắn: “Nội cháu mất rồi O ơi”. Vậy là lại một chiếc lá nữa đã rơi. Lá già phải rụng về cội âu cũng là lẽ tự nhiên ở đời. Chỉ có điều nỗi mất mát nhất thời vẫn để lại những ưu tư trống vắng.

Nhìn mỗi ngày qua đi - 1

Tôi gọi người vừa mất ấy là bác. Bác không ruột rà máu mủ gì. Bác lấy chồng là người trong họ nhà tôi, về làm dâu họ nhà tôi. Thưở nhỏ tôi rất thích đến nhà bác chơi bởi trong vườn nhà bác đủ đầy các loại cây ăn quả. Mỗi lần đến bác thường hái cho tôi vài trái ổi, dăm quả hồng xiêm hay chọc cho quả dừa. Mỗi bận mùa gặt đến, mẹ con tôi hay đi gặt giúp cho nhà bác. Những bữa cơm nhà bác cũng ngon vì có trứng, có thịt.

Bác hiền lành, nhưng chồng bác thì khó tính và gia trưởng nên cuộc sống cũng lắm hờn tủi đắng cay. Phụ nữ thời nay xem chuyện kết hôn rồi ly hôn nhẹ như trở bàn tay. Nhưng ở thời bác, làm thân đàn bà, trong nhờ đục chịu. Rồi chồng bác qua đời, con cái ở xa, bác ở một mình trong căn nhà rộng lớn.

Những dịp về quê tôi vẫn thường hay đi qua ngõ nhà bác. Đi qua, nhìn vào vẫn thấy mảnh vườn mênh mông hoa trái. Lúc thì không thấy ai, lúc thì thấy bác lom khom ngoài vườn với mái tóc bạc phất phơ lấp lánh. Người quê vốn tình cảm, thấy con cháu ở xa về lúc nào cũng muồn níu tay hỏi han trò chuyện. Chỉ là mình còn trẻ, nhiều khi ngại ngồi lâu, nên lúc nào cũng vội vàng qua quýt hẹn ngày mai nhất định sẽ ghé chơi. Hôm nay nghe tin bác mất, lòng tự nhiên chùng lại. Có lẽ đã đến lúc bác phải đi rồi, sinh-lão-bệnh-tử, đời người trải qua bốn giai đoạn ấy rồi đi âu cũng đã trọn một kiếp người.

Thỉnh thoảng ngồi vẩn vơ tôi lại nghĩ đến những ước mơ của đời mình. Thời bé con thì lúc nào cũng mong có chiếc áo hoa thật đẹp. Đi học rồi thì ước mơ được làm cô giáo. Lớn rồi lại ước mơ được viết lách và chu du khắp thế gian. Khi thiếu thốn thì chỉ ước sao được bận bịu để tiền luôn đầy trong ví. Chỉ đến khi mệt mỏi bởi những xô bồ mới muốn trở về nhà với mẹ, uống nước chè mẹ đun, ăn bát cơm mẹ nấu.

Ta cứ thế, mải miết chạy theo những dự định, những ước mơ. Để rồi khi nghe tin có một ai đó vừa xuôi tay, bao kỉ niệm, bao kí ức nhớ thương mới dội về trong trí nhớ. Rồi thảng thốt nhận ra trên đầu mình tóc cũng đã có vài sợi trắng. Cái cảm giác sợ hãi ập đến, lúc đó chỉ duy nhất một ước mơ, giá như thời gian có thể quay trở lại. Để ta vẫn có thể là cô bé, vui thì cười, buồn thì khóc, được quấn quýt bên mẹ cha, sum vầy bên chị bên em vào mỗi chiều, mỗi sáng.

Điều ước ấy hóa ra lại là viển vông nhất, thời gian vẫn cứ trôi theo vòng tuần hoàn của nó. Kim giờ, kim phút, kim giây cứ đều đặn xoay vòng và cuốn mỗi chúng ta theo. Cố ngoái đầu nhìn lại cuối cùng chỉ thấy những nuối tiếc, khát khao, lại tự hỏi một câu ngu ngơ “bao giờ cho ngày xưa trở lại?” .

Hôm trước mẹ gọi điện, hỏi nghỉ lễ 30/4 có về nhà không? Nghe mẹ hỏi xong tôi cứ ngắc ngứ trả lời: Đường thì xa, người thì đông, mà có khi con cũng bận. Mẹ bảo: ừ, thôi xa không về cũng được, về vài ngày rồi lại đi tội cháu tội con vất vả. Tiếng mẹ thở dài trong điện thoại nghe nôn nao như gió bay xao xác bờ tre trước ngõ. Nghĩ cũng thấy thật lạ, về nhà thì lúc nào cũng có lý do để chần chừ, nhưng lại sẵn sàng đi chơi cả những vùng xa xôi nhất mà không hề do dự.

Là tôi cứ tưởng bố mẹ mình luôn ở đó, nơi căn nhà cũ, khu vườn cũ. Để bất cứ khi nào tôi rảnh rỗi hay muốn về là có thể về. Là tôi tưởng bố tôi vẫn còn khỏe, vẫn còn đủ sức cõng tôi băng băng khắp cánh đồng theo cánh diều vào những chiều gió lộng. Là tôi tưởng tóc mẹ tôi vẫn còn dài và xanh lắm, có thể búi thành một búi to gọn ở trên đầu. Là tôi quên tóc mẹ đã bạc rồi, lưng cha đã còng rồi, giờ như chiếc lá đang chuyển màu, một cơn gió mạnh cũng có thể làm rụng rơi. Thời gian của ta còn nhiều nhưng mẹ cha càng ngày càng hạn hẹp.

Mỗi sáng mai thức dậy là một ngày lại sắp sửa qua đi. Ngày nào có việc của ngày đó. Chỉ là có những việc ta có thể làm ngày hôm nay, cớ sao cứ phải đợi đến ngày mai, trong khi ngày mai chẳng bao giờ đến.

Lê Giang