Nhìn lại cách giáo dục trẻ em từ một khảo sát xã hội

(Dân trí) - Nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý và nhân cách của trẻ em nếu lạm dụng hoặc nghiện thiết bị số (điện thoại, máy tính bảng...) đã được nói đến khá nhiều. Nhưng lâu nay, chỉ là những phản ánh và cảnh báo chung với thông tin được lấy từ báo chí nước ngoài. Mới đây, cuộc khảo sát xã hội đầu tiên trong lĩnh vực này tại Việt Nam đã được Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa - Giáo dục và Đời sống xã hội và Công ty Nghiên cứu Thị trường Epinion thực hiện.

Kết quả của cuộc khảo sát "Thực trạng sử dụng thiết bị số của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh" này thực sự báo động về nguy cơ nghiện công nghệ, phát triển thiếu cân bằng của thế hệ trẻ nước ta. Đặc biệt hơn là báo động về nhận thức của người lớn trong việc cho con em sử dụng thiết bị này.

Những con số đáng để suy nghĩ

Những con số đáng để suy nghĩ
Các đơn vị nghiên cứu cho biết đã mời 1.051 đáp viên (chọn ngẫu nhiên từ 4.308 người đăng ký) là cha mẹ của 1.802 trẻ em từ 3 đến 12 tuổi, trong gia đình có sử dụng thiết bị thông minh, để khảo sát. Các đáp viên này đang sinh sống tại 4 thành phố lớn nhất cả nước là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ. Đây là lượng mẫu đủ lớn để phản ánh chung một thực trạng xã hội.

Những con số đáng để suy nghĩ

Kết quả cho biết trẻ em trong nhóm đối tượng khảo sát được tiếp cận thiết bị số từ rất sớm: 19% bé được dùng từ khi dưới 3 tuổi. 50% bé từ 3 đến dưới 6 tuổi. Đến 6 - 9 tuổi, tuyệt đại đa số đã sử dụng thiết bị số như nhu cầu quen thuộc. Ngày thường, trẻ được sử dụng trung bình từ 30 phút đến 2 tiếng đồng hồ. Số trẻ được dùng 3 đến hơn 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày khá cao và có xu hướng tăng nhanh. Ngày cuối tuần và lễ, tết, trẻ còn được dùng nhiều hơn nữa.

Trên thiết bị số, những nhu cầu phổ biến nhất của trẻ là trò chơi giải trí thông thường, trò chơi trí tuệ, ứng dụng vẽ tranh sáng tạo (74%), các ứng dụng liên quan đến âm nhạc, đàn hát (48%), học ngoại ngữ (74%) , học toán (48%), đánh vần (59%)., nghe nhạc thiếu nhi, xem phim hoạt hình... Đây là những ứng dụng tích cực, giúp trẻ có có vốn kiến thức rộng hơn, học tập và vui chơi thuận tiện, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, các phụ huynh cũng cho biết khi sử dụng thiết bị số với thời lượng dài và thường xuyên, các nguy cơ đáng lo ngại ở trẻ là suy giảm thị lực, sức khỏe, xao nhãng việc học tập, dễ bị ảnh hưởng bởi những xu hướng không lành mạnh, có khuynh hướng ít giao tiếp với cha mẹ, người thân, dễ rơi vào trạng thái phụ thuộc và nghiện, suy giảm khả năng tưởng tượng...

Cần thái độ và nhận thức đúng của phụ huynh

Cần thái độ và nhận thức đúng của phụ huynh

Qua phần trả lời mở, khảo sát này nhận định về hiểu biết của phụ huynh Việt Nam đối với thiết bị số dành cho trẻ như sau: Đa phần phụ huynh không thực sự có thông tin và kiến thức cụ thể trong việc cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh. Cho nên, họ không biết thời lượng mà trẻ được phép sử dụng bao nhiêu mỗi ngày, mỗi tuần là hợp lý. Đồng thời, không thực sự rõ tác hại, tác dụng mà chỉ có được những thông tin mơ hồ từ báo chí. Điều này khiến họ luôn trong trạng thái hoang mang, băn khoăn giữa việc cho trẻ sử dụng hay không.

Mặt khác, đa phần phụ huynh mong đợi về chức năng hỗ trợ học tập của thiết bị số. Họ tải về, trang bị những nội dung, chương trình học tập, giáo dục cho trẻ. Tuy nhiên, định hướng nội dung lại không liên quan, không xuyên suốt với những gì trẻ được học ở trường. Do vậy, trẻ không tìm thấy sự hứng thú từ những nội dung, chương trình mà bố mẹ cài đặt sẵn cho mình. Mặt khác, khi tiếp cận với thiết bị số, trẻ thích dùng để chơi trò chơi và giải trí hơn.Khi trẻ đã trở nên quen thuộc và có xu hướng dùng quá mức cho phép, đa phần phụ huynh chưa biết đến, chưa áp dụng những giải pháp quản lý trẻ hữu hiệu. Hiện nay, hầu hết chỉ quản lý trẻ bằng cảm tính.

Cần thái độ và nhận thức đúng của phụ huynh

Một thực trạng thường thấy là nhiều bậc cha mẹ, ông bà dùng các thiết bị số để dỗ dành, giữ cho trẻ ngoan ngoãn, không chạy nhạy lung tung hoặc quấy phá. Lạm dụng theo xu hướng đó, đến một mức độ nhất định, trẻ chỉ còn thú vui và mong đợi được chơi cùng thiết bị này. Thế nên, khi trẻ nghịch ngợm, quấy khóc, không nghe lời, cha mẹ - ông bà không thể dỗ dành, khiển trách nổi mà phải dùng đến "quyền năng" của thiết bị số...

Cần thái độ và nhận thức đúng của phụ huynh

Trước hai mặt, lợi ích - nguy cơ, của việc sử dụng thiết bị số và cả sự lạc quan, hy vọng lẫn sự lúng túng, hoang mang của phụ huynh trong việc cho con em sử dụng, các nhà chuyên môn, tư vấn cho cuộc khảo sát trên có thông điệp chung rằng:

Thiết bị thông minh là một kênh giáo dục, giải trí quan trọng không chỉ cho người lớn mà cho cả trẻ em. Lợi ích của thiết bị này đổi với con người là không thể bàn cãi. Do vậy, phụ huynh cần phải tìm hiểu nghiêm túc về việc sử dụng thiết bị thông minh đối với trẻ em sao cho hợp lý về thời gian, thời lượng, nội dung. Đồng thời, không nên bị động như cách dùng thiết bị số để giữ trẻ, dỗ dành trẻ thay mình. Tình trạng những ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần hay những lúc không đến trường, trẻ được sử dụng thiết bị này nhiều hơn hẳn chứng tỏ phụ huynh đã không có một kế hoạch giúp trẻ có sinh hoạt lành mạnh, mà có xu hướng giữ chân trẻ bằng thiết bị này khi mình không có thời gian. Thiết lập một thói quan và lối sống cân bằng, lành mạnh cho trẻ trước hết xuất phát từ nhận thức và hành động của những người làm cha mẹ.
Ngọc Huyền