Nhiều cha mẹ Việt thiếu hiểu biết về xâm hại tình dục trẻ em
(Dân trí) - Có một thực tế đáng lo: Cha mẹ là nhóm có hiểu biết ở mức thấp nhất về vấn đề xâm hại tình dục trẻ. Các bậc cha mẹ người Việt Nam thậm chí không thể định nghĩa đầy đủ hay đưa ra ví dụ thế nào là xâm hại tình dục trẻ em.
Không chỉ trẻ em mà kể cả người trưởng thành tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan có hiểu biết rất hạn chế về xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là các hình thức xâm hại mới phát sinh. Kết luận này được công bố trong báo cáo mới nhất mang tên “Tình dục, Xâm hại và Trẻ em: Nghiên cứu về kiến thức, thái độ và hành vi liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là trong du lịch, tại bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.”
Báo cáo ra đời trong bối cảnh lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam trong năm 2013 tăng đáng kể so với 5 năm trở lại đây (7,5 triệu), trong khi số lượng các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em cũng tăng gần gấp đôi: 1.800 ca so với hơn 1,000 ca trong những năm trước, theo số liệu thống kê năm 2013 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây chỉ là số vụ việc được báo cáo và được cơ quan chức năng xử lý. Con số thực tế trẻ bị xâm hại tình dục có thể còn cao hơn rất nhiều.
Báo cáo này là một cái nhìn tổng quát dựa trên kết quả của bốn nghiên cứu độc lập do Dự án Tuổi thơ của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới thực hiện tại bốn nước nói trên từ năm 2011 – 2012. Sau hơn một năm tổng hợp, phân tích và hoàn thiện, báo cáo được công bố chính thức ngày 4/6/2014 tại Thái Lan.
Trong các nhóm được phỏng vấn, cha mẹ là nhóm có hiểu biết ở mức thấp nhất về vấn đề xâm hại tình dục trẻ. Các bậc cha mẹ người Việt Nam thậm chí không thể định nghĩa đầy đủ hay đưa ra ví dụ thế nào là xâm hại tình dục trẻ em.
Trong nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam, các học sinh THPT được phỏng vấn cho biết hàng ngày các em gửi từ 20 – 50 tin nhắn, dành 2 – 7 tiếng để nói chuyện điện thoại và 1 – 4 tiếng để chơi game. Một nữ học sinh trung học (16 tuổi) cho biết, 20 trong tổng số 200 ký danh yahoo (yahoo ID) trên danh sách liên lạc của em là của những người lạ mà hiện tại em coi là bạn bè. Em đã cho 5 trong số 20 người lạ số điện thoại di động, trong đó có bốn người là nam giới. Sau khi trao đổi số điện thoại, việc trò chuyện trực tuyến tiến tới trở thành nhắn tin và gọi điện thoại.
Thiếu hụt về kiến thức, thông tin và kỹ năng tự bảo vệ
“Nhiều trẻ em không lường hết được nguy cơ từ việc sử dụng internet và không biết rằng nhiều tội phạm tình dục trẻ em người nước ngoài thường dụ dỗ trẻ qua các trang chat trực tuyến. Nhìn chung, trẻ em không nên trò truyện trực tuyến với người lạ”, ông Nguyễn Khánh Hội, Điều phối viên Quốc gia Dự án Trẻ thơ của Tầm nhìn Thế giới Việt Nam cho biết.
Báo cáo chỉ ra rằng, những tội phạm xâm hại tình dục trẻ em sử dụng internet và công nghệ thông tin ngày một nhiều hơn như một công cụ để dụ dỗ, mê hoặc, lôi kéo các em tới những hành vi xâm hại.
“Trong bối cảnh xã hội mới với sự phát triển của công nghệ, đã nảy sinh nhiều hình thức xâm hại mới vượt ra ngoài những quan điểm cũ. Những dạng không đụng chạm như đưa hình ảnh trẻ em trên các mạng khiêu dâm, chat sex với trẻ, ép trẻ phô bày các bộ phận cơ thể qua webcam, …v.v lại thường không được coi là xâm hại tình dục. Chính các em cũng không ý thức được về những nguy cơ từ các mối quan hệ lạ trên mạng”, ông Hội cho biết thêm.
Hơn 600 người tham gia phỏng vấn tại bốn nước, trong đó, 257 người bao gồm 156 trẻ em và 101 người lớn được phỏng vấn tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã tiếp cận nhiều đối tượng khác nhau như học sinh, trẻ học tại các trường dạy nghề, trẻ đường phố, trẻ bán hàng rong, chủ khách sạn, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, hàng xóm của trẻ. Tại Việt Nam, nghiên cứu được thực hiện ở quận 4 và 8 tại TP Hồ Chí Minh, ở quận Đồ Sơn và huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng.
Báo cáo còn chỉ ra các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt và các khu vực đặc thù như nông thôn, miền núi, các trại trẻ mồ côi cũng có thể trở thành mục tiêu để tội phạm xâm hại tình dục trẻ em lợi dụng.
Bà Aarti Kapoor, Quản lý Chương trình - Dự án Tuổi Thơ của Tầm nhìn Thế giới tại khu vực, cho biết: “Sự thiếu kiến thức về xâm hại tình dục trẻ em có thể làm cho nhiều vụ việc liên quan sẽ không bị phát hiện”.
“Từ các bài học quốc tế, chúng tôi khẳng định giáo dục, nâng cao nhận thức là một cơ chế hiệu quả, giúp những cộng đồng dễ bị tổn thương nâng cao năng lực trong đấu tranh ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em. Cả trẻ em và người lớn cần được trang bị thông tin, kỹ năng và chiến lược để bảo vệ các em khỏi các dạng xâm hại khác nhau, bất kể từ người lạ, người nước ngoài, người dân địa phương, bạn bè hay thành viên trong gia đình,” bà Aarti Kapoor nói.
Nguyên An