Nhật ký bà đẻ

(Dân trí) - Có mỗi sự kiện mình sinh em bé thôi mà tạo “công ăn việc làm ổn định” cho bao nhiêu người. Ấy là vào giai đoạn ở cữ, nhà mình lúc nào cũng lao xao như có cỗ, toàn bà nội, bà ngoại hoặc các bà trẻ đến hỗ trợ.


Nhật ký bà đẻ



Không có những người thân yêu ấy hẳn mình khó lòng vượt qua quãng thời gian vừa chông chênh về tâm lý, vừa hụt hẫng về sức khỏe. Song bên cạnh đó những khác biệt về nếp sống cùng quan niệm nuôi con của các bà khiến đứa mới vào “nghề” như mình bị “khớp”, mông lung chẳng biết phải nghe ai và làm thế nào.

Nhớ lúc chồng vào đón bé, bác sỹ cẩn thận dặn cả hai vợ chồng: “Khi mẹ chưa có sữa, tuyệt đối không được cho bé ăn gì khác ngoài sữa bột, nhớ bón thìa, chứ đừng cho bú bình. Mật ong, cam thảo đừng có dại mà cho bé dùng sớm”.

Đến lúc về nhà các bà ào lên mắng cho cái tội sao không rơ lưỡi cho nó bằng mật ong, uống cam thảo cho sạch nhớt dãi, tốt cho đường ruột, sao không để nó bú bình cho nhàn… Khổ quá, thì vì bác sỹ đã chỉ định, dặn dò như thế từ trước nên cứ tuân theo.

Rồi đến các quan điểm về ăn uống, bà thì dặn: “Con đừng kiêng khem quá, cứ ăn thoải mái cho đủ chất, nhưng nên ăn từng món, ít một rồi nghe, nếu thấy trái dạ, hoặc bé bị xì xoẹt thì tạm không ăn món đó nữa. Sau một tháng mà bé tăng cân ít thì cần xem lại thực đơn để bồi dưỡng, bổ sung thêm các món lợi sữa”.

Có bà thì mười ngày ở cùng để làm bếp trưởng là đủ hai mươi bữa thịt nạc luộc ăn với cơm. Không có rau gì khác, rau ngót thì sợ thuốc, rau cải lợi tiểu phải kiêng, rau dền dễ bị sài đẹn, rau muống sợ có bùn tanh hại ruột, rau lang gây kém sữa. Bà trẻ nấu độc nhất canh chân giò hầm đu đủ. Sáng ăn ròng rã món cháo móng giò cho nhiều sữa. Bà luôn miệng “Muốn ăn ngon để chồng con cho láng giềng”. Hôm nào cám cảnh quá, có ý kiến thì bà hấp cho củ khoai lang ăn cho nhuận tràng.

Rồi đến việc kiêng cữ, bà thím thì dặn: “Nói ít thôi, ai gọi vọng con đừng có thưa, cũng đừng gọi với từ tầng trên tầng dưới hay từ trong nhà ngoài cửa kẻo sau bị nhịu”. Trong khi đó bà mợ do ngại leo cầu thang nên thường đứng từ dưới hỏi vọng lên làm mình sợ bé thức giấc, phải tấp tỏa đi xuống để trả lời...

Người thì dạy, để bé bú theo nhu cầu hoặc thấy khóc thì dỗ dành cho rồi bú. Người thì lại theo dõi đồng hồ, rồi cẩn thận đặt chuông, đang đêm cũng cứ hai tiếng lại chạy sang nhắc “Gọi bé dậy cho bú đi”.

Mẹ đẻ bảo tập thể dục nhẹ nhàng dần đi cho cơ thể khỏe mạnh và nhanh lấy lại vóc dáng. Mẹ chồng nhìn thấy tập thì lắc đầu “Cứ vận động sớm thế coi chừng hậu sản thì khổ”.

Đến việc tắm táp, hai tuần đầu có bà đã bắt đầu kiếm các loại lá thơm cho bà đẻ xông hơi, tắm qua, rồi dặn “Đừng kỳ cọ mạnh kẻo da dẻ, xương khớp còn đang yếu”.

Bà khác lại suýt xoa: “Nhớ phải kiêng cho đủ một tháng, kẻo sau già lẩy bẩy, người ta chưa rét mình đã rét run”.

Mình cứ thích bế con xuống nhà cho thoáng, nghe chuyện trên trời dưới biển trong lúc “đầu bếp” đang luôn tay luôn chân. Họ nói là chính, kể những chuyện vui vô thưởng vô phạt về ai đó, đôi khi là tự sự về cuộc đời, những chuyện chưa từng kể, rồi còn tranh thủ truyền những món ngon hay bí kíp từng tích lũy được. Trong khi có bà thím cứ thấy mình ôm con xuống là vừa xua vừa đuổi: “Đi lên đi, dưới này gió, vừa bụi vừa ồn xuống làm cái gì”. Vậy là có hôm cứ ru rú ở xó phòng, buồn bực và bí bách.

Nhớ hôm mình bị kém sữa, đang hoang mang thì nhận được bài thuốc từ các loại lá, quả thân thiện bồi dưỡng vào thực đơn. Trong khi bà mợ hiện đại thì thủng thẳng: “Mua các loại cốm lợi sữa ấy, không hay cho uống sữa ngoài cũng được”.

Mình như kẻ đẽo cày giữa đường, lúc gặp những lời khuyên khác nhau, thậm chí trái ngược hẳn, mà trăn trở chẳng biết phải theo “phe” nào. Bởi mình hiểu tất thảy lời nói và hành động của ai cũng đều xuất phát từ kinh nghiệm bản thân của họ cùng tình yêu thương, mong những điều bình an đến với con cháu.

K.M