Nhận "con rơi" cho chồng
Nhiều gia đình tan vỡ vì chồng thích "ngoài luồng", lỡ có con với người khác. Nhiều đứa trẻ sinh ra đã mang tiếng "con hoang" do người lớn vì sĩ diện, ích kỷ mà không chịu trách nhiệm về sai lầm của mình.
Do có vấn đề về sức khỏe, bà Tâm, chủ một nhà hàng ở quận 1, TPHCM lấy chồng 15 năm vẫn chưa có con.
Bà luôn cười gượng khi có người ghẹo chồng bà là "ra đường gặp trẻ con không dám đánh vì biết đâu trong đó có con mình". Bà bàn việc xin con nuôi thì ông lần lữa, viện cớ bàn ra.
Tuy không ghen bóng ghen gió nhưng dấu hiệu lơ là với vợ cộng thêm các chuyến công tác qua đêm ở Vũng Tàu, Nha Trang thường xuyên của ông khiến bà đâm nghi ngờ.
Chuẩn bị hành lý cho chồng, bà không quên dằn mặt: "Em chỉ có mỗi mình anh là điểm tựa. Em lo lắng, chiều chuộng anh đầy đủ hết, đừng mê của lạ mà bỏ vợ nghen. Lỡ có chuyện gì, em tử tự chết chứ không chịu nổi cảm giác bị chia sẻ tình yêu đâu".
Sự thực thì, ông Lê, chồng bà, phó đại diện một công ty nước ngoài tại TPHCM cũng có mối quan hệ sâu đậm với cô Thu Ngọc, quản lý nhân sự của một công ty đối tác ở Biên Hòa.
Ngọc mang bầu 2 tháng mới biết ông Lê đã có vợ. Tất cả nhu cầu của người tình là mua đất, xây nhà, chu cấp tiền nuôi con hằng tháng ông đều thi hành răm rắp, chỉ trừ việc đứng tên nhận con. Thu Ngọc cho ông là tên Sở Khanh nên liên tiếp gọi điện, nhắn tin sẽ gặp vợ ông nói hết mọi chuyện cho "đẹp mặt" cả làng.
Con người ai cũng cần có cội nguồn. Đứa con chào đời nào có tội tình chi. Với thân phận "con hoang", đứa trẻ khó có thể tự tin đi vào cuộc sống.
Người lớn nên gác lại sĩ diện, sự ích kỷ của bản thân để dũng cảm thừa nhận giọt máu rơi, cho con mình có được danh phận đẹp đẽ. Quan hệ không chính thức đã sai, chối bỏ huyết thống còn sai hơn.
Chị Hạnh Loan, nhân viên một công ty kinh doanh nhà đất ở quận 7, TPHCM, có chồng từng đi lại với một người phụ nữ tới mức có một mặt con tên Hoàng Thy.
Từ lâu, anh cũng đã chấm dứt mối quan hệ ngoài luồng này nhưng còn thương đứa trẻ không có cha nên bàn với vợ sẽ nhìn nhận, cho cô bé có danh phận đàng hoàng. Nghe điều này, chị Loan tuyên bố thẳng thừng: "Anh ký vào đơn ly dị trước rồi muốn nhìn ai thì nhìn".
Thấy chồng đau khổ, cậu con trai lại cứ vô tư hỏi bố Cường ngày sinh nhật của em Thy để tặng áo đầm từ tiền tiết kiệm, ý nghĩ "con yêu nghiệt" sẽ cướp hết tình thương, tranh giành tài sản trong chị đã phần nào dịu lại.
Câu hỏi lớn nhất chị đặt ra là: "Đồng ý cho chồng nhìn con mình sẽ được gì và mất gì?". Cái được là: thêm một đứa con gái, các con trai mình lại có em. Nếu thương nó, chắc nó sẽ không quay lưng lại với mình. Mình lại giúp nó có thể ngẩng mặt lên được với đời vì từ đây có cha. Mình cũng sẽ được chồng thêm yêu, thêm nể.
Sau đó, chị chủ động bàn bạc với chồng về việc nhận con cho anh. Kiểm định ADN, làm giấy xác nhận anh Cường là cha xong, vợ chồng chị thuyết phục mẹ con Thy về quê Vĩnh Long sống.
Hằng tháng, chị gửi tiền để mẹ mở tiệm uốn tóc, con tiếp tục đi học cho đến nơi đến chốn. "Mẹ cả" cho hẳn con gái một sổ tiết kiệm, sẽ giải ngân khi tốt nghiệp đại học.
Hai người phụ nữ làm một bản thỏa thuận gồm các điều khoản cần thiết: Mẹ Thy tuyệt đối không dan díu tình cảm với anh Cường nữa, vợ chồng Loan sẽ giúp Thy có danh phận với đời và hỗ trợ tiền bạc trong lúc khó khăn, mẹ con Thy hoàn toàn không được đòi hỏi, can thiệp việc phân chia tài sản về sau.
Vui sướng vì sự dàn xếp ổn thỏa của vợ, anh Cường chỉ còn biết ký tên vào tờ thỏa thuận. Anh còn chuyển công ty cho con trai cả đứng tên để lập công chuộc tội, tạo niềm tin nơi vợ.
Khi có dịp lên TPHCM, Hoàng Thy làm theo lời mẹ dạy, luôn quan tâm đến gia đình của cha. Bà Loan vui vẻ khoe với những người trước đây luôn ái ngại chuyện con chung, con riêng: "Tôi lãi to, đẻ hai lần mà được cả 3 đứa con, đủ nếp, đủ tẻ".
Theo Phụ Nữ