Nhạc sĩ Tô Vũ và chuyện tình sau bài hát

(Dân Trí) - Hỏi nhạc sĩ Tô Vũ: “Trong dòng nhạc tình cảm tiền chiến, anh có được đến 3 bài: “Tạ từ”, “Tiếng chuông chiều thu” và “Em đến thăm anh một chiều mưa”. Hình như mỗi bài như gắn với một chuyện tình thật của anh?”

Nhạc sĩ tâm sự: “Tình đâu mà dàn nhiều thế, nhất là trong kháng chiến hồi bấy giờ. Nhưng riêng “Em đến thăm anh một chiều mưa” thì là thật.”

 

Ông kể: Kháng chiến bùng nổ, nhà ở Hải Phòng, Tô Vũ gia nhập Ban văn nghệ tuyên truyền Kiến An. Cùng hai chàng trai khác, nhóm được tách ra về công tác tại một huyện và đóng ở một ngôi đình. Trời xe duyên hay sao vì có ba thiếu nữ trong đội cứu thương cũng về đóng tại đình đó. Trong lúc đợi công tác, thấy đội Văn nghệ tập, lúc đầu các cô nghe sau đó được mời tập cùng.

 

Trong ba cô có một cô đẹp gái nhất lại hát hay, vững nên thường hay song ca với Tô Vũ. Những lần đi biểu diễn tuyên truyền cô và nhạc sĩ thường hay song ca và được hoan hô. Mối tình nẩy nở giữa hai người. Những đêm biểu diễn về hai người song bước trò chuyện. Đêm đông trăng sáng, ngồi bên nhau tâm sự trời như cũng không còn gió, không lạnh giá.

 

Duyên đang bén, bỗng nhiên ba cô cứu thương chuyển công tác sang huyện cạnh đó. Nơi ấy không xa nơi cũ nhưng cách một con sông rộng. Sóng to gió cả đã đành lại còn nỗi sợ máy bay Pháp oanh tạc.

 

Mãi đến một hôm, trời “mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều”, (lời của bài “Em đến thăm anh một chiều mưa”) Tô Vũ ốm, một mình ở lại đình. Chợt không phải là mơ, cô cứu thương vượt “đường xa lạnh lùng”, vượt sông sâu sóng cả, đến thăm nhạc sĩ. Hai người “mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng  không nói một câu. Lời nghẹn ngào hồn anh như say như ngây vì đâu”.

 

Sau những phút bàng hoàng, “khăng khít đôi lòng”, Tô Vũ đi lấy củi, đốt lên để sưởi cho người yêu và để được cảm nhận “Tà áo hương nồng, mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh”.

 

Thời gian qua mau, chiều đổ muộn, người đẹp đành phải dứt áo tạm biệt về. Hai người đều cảm thấy: đó đây cách xa vời, gió đưa cánh chim trời, chiều mưa ướt cánh. Con đò rời bến, Tô Vũ cảm thấy “thương kiếp bềnh bồng, dẫu khăng khít đôi lòng, chiều nào em xa anh”.

 

Màn đêm buông, không còn thấy tăm hút cô cứu thương, ngồi ở đình, ý nhạc trào dâng, Tô Vũ viết một mạch “Em đến thăm anh một chiều mưa”. Nhạc lên cao trào: “Có hay lúc em về. Gót chân bước reo âm thầm trên đường một mình ngoài mưa mưa như mưa trong lòng anh”.

Rồi cuộc kháng chiến ác liệt đã đẩy “đôi lòng” càng xa cách và bặt tin nhau. Dù là chuyện tình riêng, mơ ước riêng nhưng như trùng cho tất cả đôi lứa yêu nhau nên bài ca hóa thành của chung và không bị lãng quên với thời gian. Ngày nay khi đến thăm nhau mưa ướt khi xa cách thì vẫn “ta ước mơ một chiều thêu nắng. Em đến chơi quên niềm cay đắng và quên... đường về”.

                                                                                

Giang Lâm Linh