Nhà có vợ gia trưởng

Những năm gần đây, vị trí người vợ được nâng cao hơn và có nhiều cơ hội để thể hiện vai trò làm chủ gia đình. Song cũng vì thế, những người vợ ấy lại trở thành những người có thói gia trưởng. Đó là một nguy cơ rạn nứt tổ ấm của một số gia đình trẻ hiện nay…

“Tôi đã quyết, cả nhà phải nghe”

Trong mắt các đồng nghiệp, chị T.K là một người năng động, giỏi giang và rất có năng lực quản lý. Chẳng thế mà, con đường thăng tiến của chị được bạn bè ví “lên như diều gặp gió”. Chị được đề bạt làm phó giám đốc ở một công ty lớn và luôn được “uy” với cấp dưới. Ở cơ quan, chị quyết định chuyện gì, cấp dưới nhất nhất thi hành.

Khi về nhà chị cũng thể hiện “năng lực quản lý” ấy với chồng con. Phải thừa nhận chị T.K là một người đảm đang, bận bịu với công việc cơ quan nhưng chị vẫn lo quán xuyến mọi chuyện trong nhà. Sau giờ làm việc, về nhà chị xắn tay vào làm việc bếp núc, lo lắng chuyện học hành cho con, giờ giấc đi lại cũng như công việc của chồng.

Trong nhà, ai có việc riêng tư gì chị cũng tham gia giải quyết góp ý và yêu cầu người đó thực hiện những gì mình đã chỉ bảo. Con trai chị đi sinh nhật bạn gái, chị dắt đi mua quà vì cho rằng: Phải tặng quà để làm sao người nhận không đánh giá thấp người nhà chị. Chồng chị có xích mích với đồng nghiệp, chị yêu cầu anh giải quyết theo hướng của chị, mặc cho anh phân tích những cái sai trong phương án của chị… Chị tự ý đi gặp đồng nghiệp của chồng để dàn xếp khiến anh bị một phen mất mặt.

Tâm sự với mọi người, chị T.K bảo không yên tâm khi để chồng con quyết định bất cứ việc gì, chị chỉ tin cách giải quyết của chị và đó mới là hiệu quả nhất. Đặc biệt, khi trong nhà có những chuyện cần đưa ra bàn bạc, chị T.K không cho ai tham gia, câu nói thường ngày của chị là: “Tôi đã quyết, mọi người phải nghe”…

Khi bị chồng con phản đối, chị lý sự rằng: “Tôi làm mọi việc vì muốn mang lại điều tốt cho mọi người”… Các con chị vì sợ mẹ nên không dám cãi lời nhưng chồng chị thì ngày một “chán vợ” hơn. Anh không muốn trò chuyện, càng không muốn tranh luận hay tham gia bất cứ việc gì trong nhà nữa. Anh phó mặc mọi chuyện cho vợ, chị nói gì anh cũng ậm ừ cho qua…

Mọi người luôn sai

Khác với chị T.K, ngay cả ở cơ quan chị P.L cũng làm khổ đồng nghiệp bởi cái tính bảo thủ, cố chấp. Về nhà, chị cũng thể hiện thói gia trưởng với chồng con. Trong mọi cuộc thảo luận với chồng, chị luôn khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình và đổ lỗi sai cho chồng. Chồng chị dạy con kiểu gì, chị cũng cho rằng: cách dạy đó không đúng và chị bắt dạy con theo ý chị.

Mọi sinh hoạt cũng như nề nếp hàng ngày trong nhà, chị cũng đặt ra bắt mọi người tuân thủ. Chị yêu cầu chồng: sau giờ làm việc không được đi uống bia với bạn, không tham gia các trò thể thao vì chị khẳng định: Trong tất cả những chỗ đó đều có những tệ nạn xã hội như: Gái gọi, cờ bạc. Nhà chị mắc Internet, nhưng chị luôn cấm anh truy cập mạng khi không có chị ở nhà, sợ anh vào các trang web đen.

Mỗi sáng thức dậy chị dặn chồng làm việc này, việc kia, buổi tối về tổng kết xem anh đã thực hiện như thế nào, việc gì không làm được là chị lên mặt “dạy chồng”. Chồng con chị thực sự cảm thấy ngột ngạt khi mỗi lần chị chuẩn bị ca những bài “triết lý đạo đức”, phải thế này, phải thế kia.

Chị có quá nhiều yêu cầu với chồng con song bản thân chị lại tự cho mình quyền được làm “mọi chuyện mình thích”. Sau giờ làm việc, chị đi mua sắm với bạn bè, chồng chị có nhắc nhở, thì chị bảo chị đi mua đồ dùng cho gia đình, chứ không đàn đúm hư hỏng. Trong khi chị yêu cầu mọi người trong nhà không ai được thức quá 12 giờ đêm nhưng chị lại thường xuyên chat với bạn bè trên Internet đến tận 2 - 3 giờ sáng. Bị chồng nhắc nhở thì kiểu gì chị cũng tìm ra lý do biện minh cho mình đúng. Với chị, mọi người làm gì cũng sai, cái đúng luôn thuộc về chị …

Đừng quá lạm dụng sự bình quyền

Một nhận định mới đây nhất của một số nhà nghiên cứu xã hội học: Nhiều ông chồng đang có xu hướng “thuần” hơn vợ. Có nghĩa là trong gia đình, người chồng nhường thế làm chủ cho vợ và coi việc kiếm tiền là mục tiêu hàng đầu, không mấy để tâm đến vị thế trụ cột trong nhà. Chính vì thế, nhiều người vợ đã dễ dàng được thực hiện thiên chức của mình và có phần lấn lướt vị trí của người đàn ông trong nhà.

Trong trường hợp đó, nhiều người vợ đã biết tạo lập một tổ ấm hạnh phúc, hoà hợp dưới sự khôn khéo, đảm đang của tài làm vợ. Họ coi việc được “quyền làm chủ” gia đình như một sự thuận lợi để quán xuyến, chăm sóc chồng con và làm một người vợ tuyệt vời hơn. Đáng tiếc, đã có nhiều người vợ lạm dụng sự bình quyền nam nữ tìm cách lấn lướt chồng con bằng thói gia trưởng vừa kỳ quặc vừa thiếu tôn trọng “cái tôi” của người khác, dẫn đến những rạn nứt trong tổ ấm gia đình.

Lời khuyên cho họ ở đây là: Hãy luôn ở đúng vị trí “làm vợ” của mình. Một người vợ đảm đang phải là người bước “song hành” cùng chồng con, chứ không phải là người tìm cách đứng ở vị trí cao hơn để chỉ huy mọi thành viên trong tổ ấm. Và ở trong bất kỳ thời đại nào, đối với giới nào thì thói gia trưởng luôn cần bị loại bỏ và coi đó là kẻ thù của hôn nhân…

Theo Phụ nữ Việt Nam