Nhà có nhiều bếp
Không phải lúc nào ăn riêng cũng giải quyết được những vấn đề quanh chuyện mâm cơm mà ngược lại, còn làm cho mâu thuẫn thêm trầm trọng.
Hình minh họa: PNO
Ba mẹ chồng chị Thúy An (P.An Khánh, Q.2, TPHCM) thì không thuộc típ người khó tính nhưng lại quá tiết kiệm. Vợ chồng chị đều đi làm nên việc bếp núc do mẹ chồng quán xuyến. Dù hàng tháng anh chị đều đưa tiền chợ cho bà nhưng bữa cơm nào cũng quá đạm bạc. Đi chợ, bà chỉ chọn mua “hàng dạt”, lại nêm nếm theo ý bà. Bố chồng chị mắc bệnh cao huyết áp nên món nào bà cũng nêm nhàn nhạt, thịt heo luộc thì cho thêm đường, canh chỉ có rau với nước lã... Chỉ vì cơm canh không vừa miệng mà lấy chồng chưa được một năm chị Thúy An đã sụt hơn năm ký. Nhiều hôm chị phải về nhà mẹ ruột ăn ké vì không nuốt nổi thức ăn ở nhà chồng. Chị góp ý thì mẹ chồng ca cẩm là do vợ chồng chị đưa tiền chợ không đủ. Chị nín nhịn đưa thêm thì mẹ chồng được nước, tháng nào cũng viện cớ này cớ nọ để vòi tiền con dâu. Dù vậy, chất lượng bữa ăn vẫn không được cải thiện. Cuối cùng, chị phải viện lý do muốn phải biết chăm lo việc nhà, không ỷ lại vào bố mẹ để được mẹ chồng cho vợ chồng chị ăn riêng.
Lắm nồi nhiều khoản
Từ ngày được ra ăn riêng, bữa cơm chị Ngọc Nhi cũng đã có thể cười đùa thoải mái với chồng, có thể nhờ vả chồng khi cái chén lúc đôi đũa mà không còn sợ mẹ chồng dòm ngó, bắt bẻ. Thế nhưng, chị cũng phải đối mặt với biết bao phiền toái. Căn bếp nhỏ bé vốn chỉ đặt được một chiếc bếp gas và một kệ chén bát nên toàn bộ đồ dùng và bếp núc vẫn phải xài chung với mẹ chồng. Góc bếp nhỏ hẹp càng trở nên chật chội khi hai bà nội trợ cùng vào bếp. Vì vậy, chị Ngọc Nhi ưu tiên cho mẹ chồng vào bếp trước. Thế nhưng, lấy lý do cơm canh nấu sớm để nguội mất ngon, mẹ chồng chị cứ nhằm lúc hai vợ chồng chị đi làm về mới lọ mọ xuống bếp, làm vợ chồng chị nhiều hôm phải ôm bụng đói ngồi chờ đến lượt nấu nướng, có khi hơn 10 giờ tối vẫn chưa có hạt cơm trong bụng.
Không chỉ vậy, từ ngày nhà có hai nồi cơm thì tháng nào chi phí điện, nước, gas cũng tăng, mẹ chồng chị lại được dịp càm ràm chị xài nhiều. Vợ chồng chị phải gánh luôn các khoản điện, nước, gas còn cao hơn cả tiền chị góp gạo với mẹ chồng trước đây. Tháng nào chị chưa kịp đưa tiền là bị mẹ chồng nhắc nhở hoặc bóng gió xa gần làm cho không khí gia đình luôn ngột ngạt.
Chưa có kinh nghiệm quản lý gia đình nên khi ra ăn riêng chị Thúy An gặp không ít rắc rối về tài chính và thời gian. Được tự do, thỏa thích ăn uống đâu chẳng thấy, chỉ biết mỗi ngày chị phải tranh thủ dậy thật sớm để đi chợ, chuẩn bị thức ăn rồi hối hả đi làm, trong khi việc đó trước đây đã có mẹ chồng lo liệu. Đầu tắt mặt tối ở công ty cả ngày, vừa về đến nhà là chị phải lao ngay vào bếp. Trước đây, còn có mẹ chồng đỡ đần, con nhặt rau mẹ nấu canh, con rửa chén mẹ lau bàn, nhưng bây giờ thì tất tật mọi thứ đều một mình chị lo. Chưa quen cách chi tiêu nên vợ chồng chị cứ thường xuyên lâm vào tình trạng ứng lương trước chỉ vì vung tay quá trán. Đã vậy, chồng chị còn lấy lý do tại chị đòi ra ăn riêng nên chẳng bao giờ động tay phụ vợ chuyện bếp núc. Nhiều hôm giận chồng, chị cố tình bỏ đói cho anh chừa nhưng anh lại lò dò sang bếp mẹ ruột ăn ké, chỉ có chị là phải méo mặt với mì gói trường kỳ.
Không phải lúc nào giải pháp ăn riêng cũng là thượng sách cho mẹ chồng và con dâu vì nếu cư xử không khéo léo, chuyện ăn riêng sẽ làm phát sinh nhiều tình huống khó xử, khiến các mối quan hệ trong gia đình thêm rối rắm. Để việc ăn riêng không làm ảnh hưởng đến tình cảm chung, cần phải có sự hòa thuận, cảm thông của cả gia đình. Người trong cuộc cũng không nên quá tính toán, so đo thiệt hơn. Một khi ấm ức vì một lý do nào đó liên quan đến mâm cơm phải tìm cách giải quyết ngay và phải sao cho vẫn giữ được hòa khí.
Theo Trần Linh Giang
PNO