Nhà có hai người phụ nữ

Chồng tôi mất khi thằng Quân còn nằm trong bụng mẹ. Tôi sinh con một mình giữa bộn bề khó khăn. Thằng Quân là cuộc sống của tôi.

Nhìn nó, tôi như thấy người chồng yêu thương của mình. Kể từ đó, không có người đàn ông nào bước qua cửa nhà chúng tôi. Và tôi chưa bao giờ ân hận vì điều này.
 
Nhà có hai người phụ nữ - 1


Một mẹ một con, tôi mong đến cháy lòng một đứa con dâu và những đứa cháu nội. Nhưng mãi đến năm 30 tuổi thằng Quân mới chịu cưới vợ. Linh là con gái út trong một gia đình rất giàu. Tôi không vui lắm khi nhận ra sự chênh lệch giữa hai gia đình nhưng thương con đành phải chấp nhận. “Nếu má không thích Linh, tụi con sẽ dọn ra ở riêng”, có lần Quân nói với mẹ như vậy. Tôi thấy lòng nhói đau. “Không phải má không thích nhưng má chỉ có một mình con, má muốn có một đứa con dâu ngoan hiền. Nhà nó nghèo cũng được nhưng mình nói nó nghe, nó nói mình nghe...”.

 

Tôi nói vậy là vì có lần đã nghe cô con dâu tương lai mắng con trai mình: “Sao mà ngu dữ vậy?”. Không người mẹ nào có thể không thấy tổn thương khi nghe những lời ấy.

 

Tôi đã từng nhịn ăn, nhịn mặc để con đủ sữa, đủ thịt cá trong những ngày khó khăn nhất; tôi đã tiết giảm mọi nhu cầu cá nhân để có tiền cho con vào những ngôi trường tốt nhất, tôi cũng chưa bao giờ nói nặng con nửa lời...

 

Thế mà, giờ đây lại có một người phụ nữ khác suốt ngày la mắng, chê bai như thể nó là một đứa tệ hại. Trái tim người mẹ, trái tim một người phụ nữ trong tôi bị tổn thương. Thế nhưng, con tôi lại sung sướng, hạnh phúc vì những lời mắng mỏ ấy.

 

Tôi nhượng bộ. Một đám cưới linh đình được tổ chức. Điều lạ là, thay vì cưới dâu, nhà thêm người, thì tôi lại có cảm giác mất mát, hụt hẫng.

 

Vợ chồng Quân đi suốt ngày, tối về lại rúc lên phòng, đóng chặt cửa. Tôi thèm nói chuyện với con, thèm cảnh hai mẹ con ăn cơm với nhau để tôi có thể gắp cho nó những miếng ngon nhất. Thế nhưng, những thứ ấy giờ đây cũng không còn. Chúng đi ăn cơm tiệm, đi nhà hàng và mua về cho tôi những món mà chúng cho là ngon nhất, đắt tiền nhất. Nhưng tôi nuốt không trôi. Khi tôi than phiền thì con dâu bảo: “Má khó tánh quá. Lần sau con nói anh Quân không mua nữa”.

 

Con trai tôi không bênh mẹ mà lại phụ họa: “Linh nói đúng. Con thấy má càng già, càng khó chịu. Bảo làm cái gì má cũng không ưng. Mà con đã nói rồi, từ mai, chuyện dọn dẹp nhà cửa, má đừng có mó tay vào. Để con mướn người ta làm. Cơm nước thì má ăn bao nhiêu, nấu bấy nhiêu, Linh không quen khẩu vị nhà mình nên tụi con đi ăn ngoài. Mà má cũng đừng có nghe tụng kinh, niệm phật nữa, nhức đầu lắm”.

 

Nhưng tất cả những điều đó cũng chưa làm tôi đau bằng lúc tôi có đứa cháu đầu lòng. Cả Quân và Linh đều kỹ tính nên mỗi lần tôi muốn bồng ẵm cháu, chúng bắt phải tắm rửa, thay quần áo. Khách khứa đến chơi, thấy thằng bé bụ bẫm, dễ thương muốn nựng nịu cũng không được vì Linh sợ người ta làm bẩn con mình...

 

Tôi thấy kỳ quá nên bảo con: “Tụi bây nuôi con theo kiểu gì vậy? Con người ta không kỹ như vậy thì chết hết sao?”. Linh xụ mặt: “Người ta có nhiều con, còn tụi con chỉ có một đứa, má biểu làm sao không nuôi kỹ? Nếu má không muốn chăm cháu thì để tụi con mướn người khác”. Tôi giận con dâu nên nói lẫy: “Ừ, bây mướn ai đó thì mướn, đem đi đâu thì đem”.

 

Ngay hôm sau, chúng đã tìm được một nhà trẻ tư nhân loại xịn với giá giữ trẻ mỗi tháng được tính bằng USD. Thấy tôi buồn, chừng như Quân cũng động lòng: “Má cực nhiều rồi, giờ má nghỉ ngơi cho khỏe. Con gởi cháu ở chỗ này tốt lắm, má đừng lo”.

 

Nó bảo tôi đừng buồn nhưng nó có hiểu cho tôi đâu. Cuộc sống của tôi sẽ còn lại gì nếu không có con, có cháu bên cạnh? Tôi đã trở thành người thừa đối với chúng, vậy thì thà tôi vô chùa để sớm tối tụng kinh, gõ mõ còn hơn.

 

Nhưng tôi chưa kịp làm điều đó thì một buổi trưa nọ, tôi đang ở nhà một mình thì có điện thoại của Quân. Tôi nghe tiếng con khóc: “Má ơi, cu Bin bị sặc sữa... đã đưa vô bệnh viện...”. Tôi tức tốc chạy vào bệnh viện. Nhưng không còn kịp nữa. Bác sĩ bảo thằng bé đã ngưng tim, ngưng thở từ trước khi được đưa đến đây...

 

Tôi có cảm giác cuộc sống đã chấm hết. Tôi thấy tình yêu thương, sự hi sinh của mình bao nhiêu năm qua bỗng trở nên vô nghĩa. Con dâu tôi cho rằng chính tôi đã có lỗi trong cái chết của cháu nội vì tôi “chỉ có mỗi chuyện giữ cháu mà không xong”. Thế thì tôi còn hiện diện bên cạnh chúng làm gì?

 

Tôi đã chọn con đường cho phần đời còn lại của mình. Một người bà con xa đang trụ trì một ngôi chùa lớn ở Bà Rịa. Tôi đến đó bày tỏ tâm nguyện của mình. Họ đã cho tôi tá túc nhưng nói rằng, nợ trần tôi chưa dứt nên chưa thể xuống tóc quy y…

 

Thằng Quân đến tìm, hết nài nỉ lại dọa nạt. Lần nào nó cũng khóc. “Vợ con đã bỏ về bên kia, giờ má cũng bỏ con thì con chết cho rồi”. Có lần nó khóc ngất khiến những người chung quanh cũng mủi lòng.

 

Tuần trước nó lại đến. Mỗi lần nhìn con lủi thủi ra về, tôi lại thấy nhói lòng. Nhưng tôi sợ khi phải quay trở lại cuộc sống như những ngày trước đây. Liệu tôi có thể sống yên vui khi con dâu tôi cứ nghĩ rằng, chính tôi là nguyên nhân gây ra cái chết cho con chúng nó…

 

Theo Chi Mai

NLĐ