Người hùng bé nhỏ

“Suốt đời anh cũng chỉ là một đứa trẻ to xác, ham ăn nhậu, ham chơi bời!” - Không biết khi nói câu đó, Nguyệt có thấy lỡ lời không, nhưng Khang - chồng cô - thì đắng lòng. Anh không nói không rằng, lặng lẽ dắt xe ra khỏi nhà. Nguyệt còn với theo: “Anh đi đâu đó? Lại long nhong nữa chứ gì!”.

Khang loanh quanh mấy vòng trên những con đường quen thuộc rồi lại tìm đến anh bạn lai rai tâm sự. Khang bày tỏ: “Mình đâu đến nỗi nào, ở cơ quan thì thuộc top nhân viên xuất sắc, là nhân tố nổi bật trong phong trào. Về nhà, vợ biểu gì làm nấy. Chẳng biết cô ấy còn muốn gì nữa mà chẳng bao giờ thấy hài lòng về chồng. Một tuần, mình cũng chỉ nhậu vài lần, nhậu chừng mực, không say xỉn, vậy mà đi nhậu về là bị vợ dùng lời nặng nề để phang”. Anh bạn của Khang đồng cảm: “Phải chịu thôi ông ạ! Vợ mình đó, chỉ ở nhà lo nội trợ, chồng đi làm nuôi cả nhà, còn mua được nhà, mua được xe máy đẹp cho vợ, vậy mà lúc điên lên, vợ lại bảo: “Anh là người đàn ông không có chí tiến thủ. Người ta đồng trang lứa nay đã chức này chức nọ, anh cứ mãi là nhân viên quèn”. Là đàn ông, bị kết luận “không có chí tiến thủ” thì đau lòng biết bao, riết rồi muốn nản luôn”.

Người hùng bé nhỏ



Bạn của Khang tên Minh - nhân viên một công ty địa ốc lớn. Lương của anh không cao, nhưng anh năng động, lanh lẹ, nên luôn dẫn đầu công ty về doanh số bán hàng, được hưởng bộn tiền huê hồng. Minh khá hài lòng về công việc của mình nhưng vợ anh thì không. Mỗi lần hơi bị động về tiền bạc, vợ Minh lại ca bài “anh đi làm hơn mười năm mà cũng chỉ là nhân viên quèn, ham ăn nhậu, không biết phấn đấu gì cả”. Kết luận đau đớn ấy khiến Minh rất bực tức. Trong sâu xa, nhất là mỗi khi công việc không thuận lợi, anh không tìm được chỗ dựa tinh thần từ vợ. Vợ không ghi nhận thành quả của chồng, nói gì đến việc khích lệ chồng?

Minh bảo Khang: “Cái khổ của cánh đàn ông chúng mình là phấn đấu để trở thành người hùng trong mắt vợ. Thế nhưng, có vẻ mong muốn của vợ thường cao hơn khả năng đáp ứng của chồng nhiều bậc, nên người chồng cứ hụt hơi chạy theo. Bi kịch ở chỗ, họ hụt hơi trong chán chường, nên khó thay đổi “hoàn cảnh”. Giá mà người vợ biết tạo ra cảm hứng để người chồng phấn đấu trong sự phơi phới. Khi ấy, người chồng mới thể hiện được 100% sức lực của mình”.

Có thể, đã từ lâu, gánh nặng gia đình khiến nhiều người vợ chỉ biết than lúc mệt chứ hiếm khi biết khen ngợi chồng. Như vợ của Minh luôn cho rằng chồng mình là “nhân viên quèn”, mà không thấy được Minh là nhân viên xuất sắc nhất trong những “nhân viên quèn” ấy, là một nhân viên quan trọng vì thường xuyên đưa về được những hợp đồng lớn cho công ty. Cô ấy không chịu nhìn nhận, dù chỉ là nhân viên nhưng thu nhập của chồng mình còn cao hơn cả trưởng phòng. Và cô ấy, cũng như không ít cô vợ khác, không thấy rằng, trong xã hội, nếu ai cũng làm sếp thì lấy ai làm lính?

Với nhiều người đàn ông, nếu đi làm để trang trải cuộc sống, họ cũng chỉ muốn làm “lền lền”, nhưng khi ở vào thế “phấn đấu vì người phụ nữ tôi yêu”, thì chàng sẽ nỗ lực rất nhiều. Khang than thở với Minh: “Dường như phụ nữ chỉ biết quan tâm đến những bước “đại nhảy vọt”, mà không ghi nhận những tiến bộ nhỏ của chồng. Mình đúng là có ham chơi, nhưng so với trước khi lấy vợ, mình cũng đã tiến bộ nhiều, làm gì tệ đến mức “như một đứa trẻ to xác” như vợ mình kết luận? Mà nói thật, vợ cũng có hoàn hảo đâu, sao đòi hỏi chồng cao thế?”.

Trong thâm tâm, mỗi người đàn ông luôn nuôi mong muốn trở thành “thần tượng” của vợ. Nhưng, chẳng phải ai cũng được trời cho làm thiên tài. Thế nên, nếu người chồng phấn đấu hết mức trong khả năng của mình, dù chưa được “làm vương làm tướng”, thì cũng rất cần được vợ ghi nhận và khích lệ. Người đàn ông ấy sẽ tự tin hơn, cố gắng phấn đấu nhiều hơn, chỉ cần vợ dành cho chồng cái nhìn như nhìn “người hùng bé nhỏ”.

Theo Trần Triều
PNO