Người đi gom góp âu lo
(Dân trí) - Ở một khu làng sầm uất, vào lúc nào đó trong ngày những người thu nhặt phế liệu thường chọn khu bãi bất kỳ có cây cối bao quanh làm nơi tụ tập...
Những người này sống nhờ vào việc thu gom rác thải, họ phát hiện ra rằng, khi người ta đã chán ngấy đủ loại đồ phế liệu thì những thứ ấy lại có thể bán được ra tiền.
Còn những người trong làng thì lại cho rằng, nếu cái gì có thể bán được thì cũng có nghĩa là đáng bỏ tiền ra mua. Và mặc dù suy nghĩ đó dường như hơi kỳ cục nhưng rõ ràng lại rất phù hợp với công việc của người những thu lượm rác thải.
Anh đồng nát kia thì có khá nhiều chai thuỷ tinh. Ai cũng phải chú ý tới anh chàng này khi anh ta treo một số chai lên cây và lấy đũa gõ vào chúng theo một giai điệu nào đó.
Chị đồng nát nọ lại có một đống tướng những đôi giày ngoại cỡ. Chị ta thường bình phẩm về cỡ giày cũng như các kiểu dáng chân kỳ cục đã từng đi chúng và bảo, sớm muộn gì cũng sẽ có người đi vừa những đôi giày của chị.
Ngoài hai anh chị đồng nát, còn có những người thu mua nồi niêu xoong chảo, mua tem, sách cũ, gậy đánh gôn, mũ nón, truyện tranh và các tấm thiệp thể thao. Nói tóm lại là có đủ loại các nhà thu mua phế liệu tại đây.
Ngày nọ có một người đàn ông lớn tuổi cuốc bộ vào làng, ông hỏi thăm tới chỗ những người mua đồng nát thường hay tụ tập. Ông vác một túi lớn nhưng hình như không nặng lắm. Sau cùng, khi đã tìm được chỗ của bọn họ, ông tự kiếm một góc riêng.
Đương nhiên là những người đồng nát cũ đều nhận thấy sự có mặt của nhân vật mới này trong thị trấn. Họ tò mò muốn biết ông ta mang gì trong cái bao xách theo đó. Ông bảo họ trong đó chẳng có gì ngoài bữa trưa và một cái áo tơi phòng khi mưa gió. Họ liền thắc mắc: “Ý ông là ông không thu mua gì sao? Chẳng phải ông là người đi thu mua phế liệu đó sao?”
“Ồ, vâng đúng thế”, người đàn ông đáp lời, “tôi đích thị là người thu mua phế phẩm. Nhưng cái mà tôi thu nhặt lại chẳng thể đựng vừa trong bao hay trong hộp. Tôi đi lượm lặt những âu lo, sầu muộn của con người”.
Đây quả là một ý tưởng lạ lùng với với những người thu mua đồng nát, họ yêu cầu ông giải thích rõ hơn. Người đàn ông tiếp lời: “Thế này nhé, từ lâu rồi tôi nhận thấy, một trong những thứ mà người ta có quá nhiều và thường xuyên phải cố gắng loại bỏ chính là những âu lo, phiền muộn, những thách thức, khổ đau, những thời khắc hoạn nạn, đó là những điều khiến cuộc sống con người thêm trĩu nặng và buồn tủi. Vì thế tôi muốn thu nhặt những phiền muộn này giúp mọi người để họ cảm thấy dễ chịu hơn. Điều đó không khó hiểu lắm phải không?”
Vài người trong số đồng nát khi đó cho rằng, ý tưởng này của người đàn ông quả là ngu ngốc và biết đâu lại tiềm ẩn nguy cơ chẳng mấy tốt lành cho kế sinh nhai của họ. Thậm chí có người đã tố cáo ông với thanh tra cảnh sát chuyên kiểm soát hoạt động của giới thu mua phế liệu.
Dầu vậy, vì người đàn ông lớn tuổi dường như chẳng làm hại đến ai nên cuối cùng họ lại để ông được yên thân một mình. Tiếp đó, có người lại hỏi ông về cách ông đi lượm lặt những âu lo của người khác. Ông trả lời: “Thế này nhé, nếu ngay lúc này anh có điều gì đó buồn phiền hay lo lắng, anh hãy kể cho tôi nghe đi, tôi sẽ thu lượm nó và cho nó vào kho chứa đồ thu gom của tôi”.
“Nhưng làm thế nào mà ông giúp tôi được?” người này tiếp tục hỏi. “Làm sao ông có thể giải quyết những rắc rối của tôi chỉ nhờ vào việc tôi kể nó cho ông cơ chứ?”
“Tất nhiên là không thể rồi,” người đàn ông trả lời, “nhưng làm thế anh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Hãy thử đi”.
Thế là người đó kể cho ông già nghe rắc rối của mình. Nghe xong câu chuyện, người đàn ông gật đầu vài lần tỏ vẻ thông cảm sâu sắc, sau đó ông chụm hai tay lại như thể đang xúc đi một thứ gì đó rất nặng. Ông làm ra vẻ như cho thứ vừa xúc được đó vào cái bao vẫn đem theo và hỏi người kia: “Thế đó, tôi đã đem những âu lo của anh đi rồi. Bây giờ anh đã cảm thấy khá hơn chưa?”
Người này trả lời: “Sao thế nhỉ, đúng là tôi đã thấy dễ chịu hơn. Lúc này tôi nghĩ rằng tôi đã có thể giải quyết rắc rối của mình tốt hơn rồi”.
Câu chuyện lan đi và chẳng mấy chốc đã có rất nhiều người tới chia sẻ với ông già những âu lo, sầu muộn. Chỗ đứng của ông cuối cùng đã là nơi quen thuộc nhất với người dân trong khu bãi.
Ngày nọ, có một phụ nữ đi vào làng chậm rãi và đầy khó nhọc. Trông chị ta đau khổ tới mức những người trong làng ngay lập tức đưa chị tới chỗ người đàn ông nọ. Sau khi nghe ông nói về công việc của ông, người phụ nữ bắt đầu than thở: “Trời ơi, làm sao ông biết được trên đời này có bao nhiêu nỗi âu lo, sầu muộn. Tôi vừa từ một thành phố tới đây, ở thành phố đó đầy rẫy những đau khổ hơn bất cứ nơi nào khác. Ai ai cũng phải chịu đựng và chẳng ai còn hy vọng gì nữa. Điều tồi tệ nhất là chính những người cầm quyền ở đó lại sống giàu sang, thịnh vượng trên những khốn đốn của người dân. Đó quả là một nơi khủng khiếp và đáng ghê tởm. Tôi đã phải từ bỏ nó. Ra đi là hy vọng cuối cùng của tôi”.
Người đàn ông lắng nghe rất nghiêm trang, ông đứng dậy nhấc chiếc bao, vẻ chậm chạp và đau đớn hơn bao giờ hết. Hồi lâu im lặng, ông chậm rãi nói: “Tôi phải tới đó”.
Tuy nhiên dân làng và người phụ nữ hết lời ngăn cản ông. Họ không muốn mất đi người đã giúp họ loại bỏ những âu lo trong cuộc sống. Họ e ngại thành phố đó là công việc quá sức với ông, họ cầu xin ông hãy ở lại.
Thế là người đàn ông đành phải bỏ trốn lúc nửa đêm vì ông không muốn sự ra đi của mình sẽ khiến những người ông từng giúp đỡ phải phiền lòng.
Sau đó không lâu có một thanh niên vẻ mệt mỏi, buồn bã đi tới khu làng. Không cần hỏi, người dân ở đây cũng biết anh ta từ thành phố đau khổ nọ tới. Họ hết lòng giúp đỡ anh và khi anh đã khá hơn, họ hỏi xem anh ta có biết tin tức gì về người đàn ông đã rời làng đi trước đó vài tuần không.
“Tôi biết ông ấy!”, người thanh niên đáp. “Chẳng phải cả thành phố đã luôn nhắc tới ông ấy hay sao. Các ông không nghe thấy à?”.
“Không hề” dân làng đồng thanh nói, “anh hãy kể cho chúng tôi nghe đi”.
Chàng thanh niên bắt đầu câu chuyện: “Ông ấy thầm lặng tới thành phố và thoạt đầu chẳng ai để ý tới ông. Sau đó, cứ mỗi lúc người ta lại thấy ông trò chuyện cùng mọi người, nói là trò chuyện nhưng thực ra chủ yếu là ông nghe mọi người nói. Mỗi khi ai đó nói chuyện với ông xong, ông đều cúi đầu và hai tay ông làm một cử chỉ gì đó nom thật buồn cười, thế là người đó bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn”.
Đã lâu lắm rồi, lần đầu tiên những người dân trong thành phố được cảm thấy vui vẻ hơn và hy vọng lại dần nhen nhóm trong cuộc sống của họ.
“Đúng thế, chúng tôi biết điều đó. Ông ấy cũng đã làm như vậy ở đây”, những người làng tiếp lời.
Thế rồi chẳng bao lâu thì các nhà cầm quyền ở đây phát hiện ra ông ấy. Họ yêu cầu ông phải rời khỏi thành phố và ngừng ngay việc can thiệp vào đời sống người khác. Nhưng ông đã không chịu.
Kể tới đây, đôi mắt chàng thanh niên thoáng buồn và giọng nói đã bắt đầu thổn thức. Anh tiếp tục: “Đầu tiên họ bắt giam ông ấy, nhưng ngay cả khi trong tù ông cũng lại tiếp tục công việc thu góp lo âu của những người tù. Cuối cùng, giới cầm quyền thành phố kết tội ông là mầm mống phản loạn, là nguy cơ với chính quyền của họ và họ đã giết ông ấy”.
Những người dân nín thở. Một vài người thút thít khóc.
“Tôi rất buồn khi phải nói với các anh về điều này. Ông ấy cũng là bạn của tôi. Ông ấy rất quan tâm tới tôi. Tôi cảm thấy dễ chịu hơn khi được nói cùng các anh mặc dù sự thật đó đều đau đớn với tất thảy chúng ta. Các anh cũng thấy rằng điều này cũng giống như những gì ông ấy đã làm trước khi mất, đó là lắng nghe và thu góp những âu lo của người khác”. Giọng chàng thanh niên nhỏ dần như thể suy nghĩ đó đã phần nào làm vợi bớt những đau thương bên trong.
Chợt chàng nói to: “Nó sẽ vẫn tiếp tục. Việc thu góp những âu lo của con người vẫn sẽ tiếp tục! Các anh có thể làm điều đó với tôi và tôi làm cho các anh. Ông ấy đã chỉ cho chúng ta cách thức làm việc này!”.
Chàng thanh niên nhảy lên với đầy phấn khích và mạnh mẽ. “Tôi sẽ quay trở lại thành phố đó!”
“Nhưng anh sẽ làm gì ở đó?”, rất nhiều người làng cùng hỏi. “Anh sẽ lại phải gánh chịu đau đớn mà thôi. Thành phố đó có quá nhiều buồn phiền, đau khổ”.
“Đúng thế! Đúng thế!”, chàng thanh niên vẫn nói: “Nhưng đó chính là lý do khiến tôi càng phải đi. Tôi sẽ lại tiếp tục trở thành một người đi gom góp âu lo như ông cụ!”.
Dương Kim Thoa
Lược dịch theo Leo Remington