Ngược đời những nàng dâu chỉ muốn “cắm mặt vào bếp” đón Tết

“Tết nàylại phải về quê, gặp chị dâu, em chồng,... cưới trước, cưới sau đều đã có con.Sợ nhất cái cảnh cô dì chú bác, hàng xóm láng giềng dè bỉu: Lại kế hoạch à? Haytịt rồi? Chỉ muốn cắm đầu vào bếp để chẳng phải gặp ai, chào hỏi ai...”, chịOanh chia sẻ.

“Thế bao giờ định có em bé?”

Đó là câu hỏi mà chị Phạm Kiều Oanh (Ba Đình, Hà Nội) sợ nghe nhất mỗi lần về quê ăn Tết. Nỗi lòng của chị Oanh cũng như bao phụ nữ hiếm muộn khác, đều coi Tết là “những ngày đáng sợ nhất”, vì mỗi lần tụ họp gia đình là mỗi lần đối mặt với những câu hỏi như lưỡi dao đâm thấu vào tim: “Thế bao giờ định có em bé?”, “Lại kế hoạch à? Hay tịt rồi?”.

Chị Oanh chị lấy chồng đã 3 năm, nhiều lần có thai rồi lại mất. Chị đã làm rất nhiều cách, chịu đựng đau đớn để mong được làm mẹ nhưng duyên vẫn chưa tới.

Chị chia sẻ: “Từ một người rất sợ tiêm, vì con, chấp nhận 1 ngày tự tiêm vào bụng mình ngày 2 mũi suốt mấy tháng liền. Đến nỗi mà rốn tím bầm giữa mùa đông. Vẫn chẳng thể giữ nổi... Ngày nắng như đổ lửa cũng như mưa phùn gió bấc, không kể xa xôi chỉ cần có ai mách cũng tới đủ địa chỉ thầy thuốc Đông, Tây, Nam, Bắc. Từ 49kg, cơ thể tôi trữ nước dần sau mỗi lần tiêm nội tiết giữ thai, mỗi lần uống thuốc Bắc để phục hồi, thuốc Đông y để cải thiện đã có lúc lên tới 70kg kèm theo bao thứ bệnh mà trước giờ không bao giờ nghĩ tới. Đến lúc này, tôi cảm thấy không muốn cố. Tôi đành buông xuôi để chờ đợi cái lộc trời cho.

Tôi lao vào công việc. Tôi sợ đi vào chốn đông người. Bởi vì dù có đứng ở nơi đó cũng vẫn sẽ cảm thấy vô cùng lạc lõng. Tôi sợ những ánh mắt thương hại mà người đời dành tặng. Tôi thậm chí không muốn tham dự bất cứ dịp đầy tháng của người quen. Vì nếu chứng kiến cảnh người ta có con bế trên tay, tim tôi như muốn vỡ ra vậy. Đau đớn lắm”.


“Với một người đàn bà bình thường, hạnh phúc là có một người chồng thành đạt, có con cái ngoan ngoãn, có tiền, có xe... nhưng những người đàn bà hiếm muộn chỉ cần duy nhất một điều đó là đứa con. Vậy nên, làm ơn đừng hỏi, hay giả vờ đừng quan tâm. Xin đừng đay nghiến và làm nỗi đau này thêm sâu nữa... Xin” (Ảnh mang tính chất minh họa)

“Với một người đàn bà bình thường, hạnh phúc là có một người chồng thành đạt, có con cái ngoan ngoãn, có tiền, có xe... nhưng những người đàn bà hiếm muộn chỉ cần duy nhất một điều đó là đứa con. Vậy nên, làm ơn đừng hỏi, hay giả vờ đừng quan tâm. Xin đừng đay nghiến và làm nỗi đau này thêm sâu nữa... Xin” (Ảnh mang tính chất minh họa)

Sợ chốn đông người, sợ sự “quan tâm” của họ hàng nên chị Oanh rất sợ những ngày Tết phải về tụ họp gia đình.

“Mấy chị em trong nhóm tôi (nhóm hiếm muộn – PV) đang bàn tán rôm rả về chuyện Tết này lại phải về quê, gặp chị dâu, em chồng,... cưới trước, cưới sau mình đều đã có con. Chúc tết anh chị em bạn bè cũng dắt đứa lớn đứa bé đi cùng. Rồi họ vô tình hỏi: "Thế bao giờ mới định có em bé?". Vẫn biết đó là sự quan tâm. Nhưng, thực sự nó lại là lưỡi dao đâm thấu vào trái tim. Vâng, chúng tôi cũng là phụ nữ. Cũng đều mong làm mẹ. Nhưng ai biết được: “Khi nào trời cho lộc?”. Sợ nhất cái cảnh cô dì chú bác, hàng xóm láng giềng dè bỉu: Lại kế hoạch à? Hay tịt rồi? Nhiều tiền mà không có con cũng vứt.

Rồi những ai may mắn có gia đình chồng làm chỗ dựa vững chắc thì không sao. Chớ rơi vào gia đình gia trưởng, suốt dè bỉu, mặt nặng, mày nhẹ, mỉa mai trách móc. Chỉ muốn cắm đầu vào bếp để chẳng phải gặp ai, chào hỏi ai...”, chị Oanh tâm sự.

“Với người phụ nữ, không có con là một điều tồi tệ nhất trên thế gian này, nó còn đau đớn hơn khi chúng tôi phát hiện bản thân mình mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo? Chúng tôi, từ những người sợ kim tiêm, nhưng vì viễn cảnh sẽ có một đứa con, chúng tôi không ngại ngần để cho bác sĩ gây mê, gây tê, chích thuốc, mổ xẻ...

Với một người đàn bà bình thường, hạnh phúc là có một người chồng thành đạt, có con cái ngoan ngoãn, có tiền, có xe..., nhưng những người đàn bà hiếm muộn chỉ cần duy nhất một điều đó là đứa con. Vậy nên, làm ơn đừng hỏi, hay giả vờ đừng quan tâm. Bởi vì chúng tôi tin vào số phận. Tin vào câu :"Con cái là lộc trời cho". Xin đừng đay nghiến và làm nỗi đau này thêm sâu nữa... Xin”, chị Oanh nghẹn lòng.

Tết về như tội phạm chạy trốn

7 năm lấy chồng, 6 năm ăn Tết ở nhà chồng thì có đến 5 giao thừa chị Thu Quỳnh (Mỹ Đình, Hà Nội) đón Tết trong nước mắt. Lý do cũng bởi vợ chồng chị chưa có cháu cho ông bà nội bế.

Chị bảo, ông bà mong cháu một thì vợ chồng chị mong con mười. Hai vợ chồng cũng đã vào nam ra bắc, coi khoa hiếm muộn của bệnh viện như nhà, cố gắng mọi cách mà ông trời vẫn chưa thương. Người hiểu chuyện thì thông cảm, người không hiểu chuyện thì hỏi mãi, khuấy mãi nỗi đau của hai vợ chồng.

“Cứ mỗi độ Tết về là vợ chồng tôi như hai tên tội phạm chạy trốn. Chỉ dám về quê vài ngày rồi xin phép lên đi làm luôn. Về cũng chỉ ru rú ở nhà không dám đi đâu, khách đến nhà là hai vợ chồng xung phong vào bếp để đỡ phải tiếp chuyện”, chị chia sẻ.

Chị sợ sự quan tâm của mọi người, sợ gặp trẻ con, sợ những tiếng hỏi han. Bố mẹ chồng không nói trực tiếp nhưng cứ gặp trẻ con đến nhà chơi là xuýt xoa, rồi ao ước bao giờ mình mới có cháu. Cô, dì, chú, bác cứ gặp là hỏi “vẫn chưa có gì à?”. Nghẹn cả lòng nhưng hai vợ chồng cũng chỉ biết cười trừ.

“Năm nay chồng đang dụ ở lại Hà Nội ăn Tết. Chồng bảo bận trực nhưng tôi biết đó chỉ là lý do thôi. Từ ngày biết nguyên nhân hiếm muộn là ở chồng, chồng buồn nhiều lắm. Chồng sợ gặp mọi người nên rất sợ Tết”, chị Quỳnh chia sẻ.

Theo Kim Minh
Vietnamnet

Ngược đời những nàng dâu chỉ muốn “cắm mặt vào bếp” đón Tết - 2