Ngọn đèn trên tay

(Dân trí) - Cuối tuần tôi lại lên núi. Mỗi lần lão thấy tôi lên núi, đứng nhìn về thành phố thì liền hỏi: “Ngọn đèn trên tay cậu đã tắt chưa?”. Tôi lại cười, nụ cười như đã mặc định từ trước bởi biết rằng lão sẽ hỏi câu này.

Lão sống một mình, cứ cách mỗi ngày làm việc một ngày, còn lại lão tự cho mình nghỉ ngơi và uống rượu. Lão bảo chẳng nuôi ai nên làm gì cho lắm. Trong mắt tôi, lão như một ẩn sỹ, một triết gia nửa mùa. Những lời lão nói trong lúc say khiến tôi phải đau đầu suy nghĩ.

Lần đầu tiên lên đây tôi được lão mời uống rượu. Thứ rượu trắng do lão nấu, thơm và ngon, là loại rượu khó mà tìm được ở dưới phố. Trong cơn ngà ngà say lão nói về thế sự một cách say sưa. Cái nhiệt huyết của lão về đề tài này làm tôi nhớ ông giáo dạy văn hồi cấp 3 say sưa giảng Kiều mà quên đã hết giờ học. Trong lúc đó bọn học sinh dạ dày kêu sùng sục, cứ chực nghe trống là ùa về. Lần này cái giọng rền rền của lão làm tôi mát tai, muốn nghe mãi. Lão kể có một người mù đi trong đêm. Để đề phòng người sáng mắt vấp phải nên người mù này cầm một cây đèn dầu trên tay, cầm gậy vất vưởng đi. Đi được một đoạn thì vấp phải một người. Người mù quát ngay: “Có mắt mà thua kẻ mù. Không thấy đèn sáng mà tránh sao?”. Đớn đau thay, người sáng mắt bị vấp kia nói xin lỗi rồi đi tiếp mà không cho người mù này biết ngọn đèn trên tay ông đã tắt. Người mù này vẫn chậm rãi đi tiếp trong đêm với ý thức là cây đèn vẫn đang sáng. Mỗi chúng ta đều có một cây đèn trên tay và đi trong đêm. Một cây đèn vô hình cho những con người sáng mắt để tìm thấy lôi đi. Nhưng mấy ai biết rằng ngọn đèn này đang đỏ hay tắt. Đôi lúc cứ tiếp tục đi trong hành trình đã định mà chẳng biết giá trị của mình.

Ngọn đèn trên tay



Đôi mắt lão lim dim như chìm trong hư ảo. Lão nói về ngày xưa, thời lão còn đương chức, có quyền lực, tiền tài và được lắm người trọng. Đó là thời đất nước còn khó khăn. Lão xây dựng cơ quan mình bằng mồ hôi và nước mắt. Tất cả được dựng trên đóng đổ nát của chiến tranh. Lúc này cỏ cây còn vương mùi thuốc súng và con người kiệt quệ về sức lực nhưng ý chí thì sắt đá. Bước sang thời kỳ đổi mới, cơ chế thị trường, tư duy theo lối cũ của lão đã khiến cơ quan đi vào đường cụt và phá sản, giải thể. Hậu quả hàng trăm lao động phải mất việc làm. Lão buồn lên núi ở và lập một trang trại để ở ẩn theo cái nghĩa đơn giản nhất. Lão trách lão đã không nhận ra ngọn đèn trên tay mình đã tắt. Và lại trách những ai đó biết được ngọn đèn ấy đã tắt mà không nói cho lão biết. Như Lão Tử nói: “Tri túc giả phú”- biết đủ là giàu. Lão hỏi tôi khi nào là đủ nhỉ? Một vạn, hai vạn, hay mười vạn?

Có nhiều người đã vắt kiệt chất xám cho công việc. Đến lúc mọi thứ “bão hòa”, kể cả chất xám cũng không còn lên cốt được nữa mà vẫn ở mãi cái vị trí chủ chốt không cho những người tài năng cấp dưới phát huy. Có những con người đã sai rồi nhưng cố bào chữa, đổi trắng thay đen cho nó phù hợp hòng cầm cự cái phút huy hoàng tại vị. Ấy cũng là người cứ nghĩ ngọn đèn trên tay mình còn sáng mãi, còn giá trị và cứ tiếp tục đi. Thật tai hại cho xã hội.

Tôi nghe nhiệt huyết của lão như đang sôi sục về thời cuộc. Với tâm thái của một kẻ nghe pháp, tôi như tín đồ của một ẩn sỹ.

Xuống núi tôi mang theo một nỗi ưu tư. Hòa vào dòng xe như dòng suối đang chảy về phía trước. Nhìn mỗi con người đang vội vã tôi lại nghĩ ngay những ngọn đèn trên tay họ. Có những ngọn đèn đã tắt.

Yên Mã Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm