Ngôi nhà Bình yên

(Dân trí) - Cách đây 4 tháng, Ngôi nhà Bình yên đón nhận ba mẹ con chị Minh Hoà từ TP Huế tìm đến. Trên lưng, cánh tay chị hằn ngang dọc những vệt tím đen chằng chịt, dấu vết của những trận đòn roi kéo dài mà người chồng nghiện rượu “tặng” cho chị.

Nơi tìm lại hạnh phúc đã mất

Cách đây 4 tháng, Ngôi nhà Bình yên đón nhận ba mẹ con chị Minh Hoà từ TP Huế tìm đến. Trên lưng, cánh tay chị hằn ngang dọc những vệt tím, đen chằng chịt, dấu vết của những trận đòn roi kéo dài mà người chồng nghiện rượu “tặng” cho chị sau những bữa nhậu say khướt.

Hai đứa con một trai, một gái líu díu bám đằng sau người mẹ tiều tuỵ nhưng vẫn không ngừng chí choé, tranh giành nhau đồ ăn bằng những ngôn từ thô lỗ.

Sau những thủ tục pháp lý, chị H. và hai con được sắp xếp sống ở Ngôi nhà Bình yên dành cho phụ nữ và trẻ em bị bạo hành gia đình. Ở đó, chị có nơi ăn chốn ngủ đàng hoàng và đặc biệt là sự hỗ trợ về tinh thần của nhân viên xã hội. Cuộc sống thanh bình, những buổi trò chuyện, tâm sự với những chị em đồng cảnh ngộ khiến người vợ trải qua nhiều bão tố thấy nhẹ lòng. Qua nhân viên xã hội kiêm cán bộ tâm lý, chị cũng rút ra được những bài học kinh nghiệm về cách ứng xử trong gia đình.

Hai đứa con chị, bé gái được gửi ở nhà trẻ, cậu con trai đi học văn hoá ở trường tiểu học. Các cháu được sống trong môi trường vui vẻ, trong lành nên cũng dần thay đổi tính nết. Chúng không còn nói bậy, chửi tục, biết chào người lớn khi gặp mặt.

Đại diện của Ngôi nhà Bình yên còn phối hợp với Hội phụ nữ địa phương gặp gỡ, vận động người chồng nghiện rượu của chị Hoà cai nghiện, trở về với trách nhiệm làm chồng, cha.

Và hạnh phúc đã trở về với gia đình chị. Sau 4 tháng trú tại Ngôi nhà Bình yên, người chồng đã có thời gian suy nghĩ và ân hận về lối hành xử của mình trong thời gian qua. Anh lên tận nơi đón mấy mẹ con chị về xum họp.

Ngày chị Hoà trở về với gia đình, những người bạn gái là nạn nhân của đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em đang sống trong Ngôi nhà Bình yên bịn rịn chia tay. Họ cũng đang đón chờ hạnh phúc sau khi đã trải qua những cay đắng tủi nhục. Trong số trường hợp này có Hạ, cô bị bán sang Trung Quốc từ khi còn nhỏ. Sau gần 20 năm sống âm thầm nơi đất khách quê người, làm vợ không có hôn thú, cô may mắn được một nhóm phóng viên Trung Quốc giúp đỡ, rồi được trao trả về quê hương. Không thạo tiếng Việt, không có nghề Hạ lo lắng không biết phải mưu sinh thế nào. Hiểu được hoàn cảnh Hạ, Ngôi nhà Bình Yên đã giúp cô học lại tiếng Việt, giới thiệu cô đến học nghề may ở một cơ sở có uy tín. Hạ đã dần dần hoà nhập được với cuộc sống mới.

Vẫn còn nhiều phụ nữ cam chịu bị hành hạ

Chị em phụ nữ là nạn nhân bị buôn bán hoặc bạo hành gia đình có thể thông qua các đoàn thể tại địa phương hoặc trực tiếp liên hệ với Dự án Ngôi nhà bình yên để yêu cầu giúp đỡ thông qua địa chỉ: TT Phụ nữ và Phát triển - 20 Thuỵ Khê - Hà Nội. Điện thoại: 04.7.280.280.

Chị Lê Thị Phương Thúy, Trưởng phòng tư vấn và Hỗ trợ phát triển - Hội Liên Hiệp Phụ nữ cho biết: "Chị Hoà và Hạ là hai trong nhiều trường hợp nhận được sự giúp đỡ của mô hình Nhà hỗ trợ chị em phụ nữ trẻ em bị buôn bán và bạo lực gia đình với tên gọi Ngôi nhà Bình yên (trực thuộc TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam).

Từ khi thành lập đến nay (3/2007), mô hình này đã giúp đỡ 38 trường hợp, trong đó có 8 người bị buôn bán, 19 người bị bạo hành và 11 trẻ em là con của các nạn nhân này (có cháu bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS). Các trường hợp này đến từ các tỉnh miền trung như Huế, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nội… Ngoài ra, nhân viên xã hội ở đây cũng tư vấn trực tiếp qua điện thoại".

Tại Ngôi nhà bình yên, những người là nạn nhân bị buôn bán sẽ được hỗ trợ về nơi ăn, ở, chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý và pháp lý, đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ năng sống… trong tối đa 18 tháng.

Đối với các trường hợp là nạn nhân của bạo hành gia đình họ cũng được hưởng những sự trợ giúp tương tự, từ vài ngày đến vài tuần. Ở đây còn có nhà trẻ chuyên chăm sóc trẻ 3 - 6 tuổi là nạn nhân. Các cháu được chăm sóc ăn uống và hưởng chế độ giáo dục toàn diện theo chương trình phù hợp do giáo viên chuyên ngành Giáo dục đặc biệt đảm trách.

“Tuy nhiên, do thời gian hoạt động chưa dài nên mô hình cũng gặp phải không ít khó khăn. Có trường hợp, gia đình nhà chồng biết chị em tìm đến đây lánh nạn đã đến tận nơi bắt về, đổ lỗi cho cán bộ xã hội xúi bẩy con dâu họ chống lại gia đình, thậm chí nhờ Công an địa phương đến điều tra can thiệp.

Mặc dù sức chứa của Ngôi nhà bình yên có thể đạt tối đa 40 người nhưng việc tiếp nhận nạn nhân hiện nay vẫn còn khá hạn chế và chủ yếu thông qua sự giới thiệu của Hội phụ nữ, Y tế và Pháp lý... Nguyên nhân là do trong văn hoá của người Việt, việc người phụ nữ rời khỏi nhà là bước đường cùng, đường quay về khó khăn, sợ “vạch áo cho người xem lưng” hoặc sợ bị trả thù, bạo hành thêm. Chính vì vậy, tỷ lệ phụ nữ dám bứt khỏi gia đình, tự tìm đến sự hỗ trợ là rất ít.

Bên cạnh đó, do đặc thù phải đảm bảo giữ bí mật thông tin của người nhờ giúp đỡ, nên sự nhận thức, thực hành của cộng đồng , đặc biệt là nam giới còn hạn chế…

Để mô hình được đẩy mạnh và hoàn thiện, cần có sự giúp đỡ thêm của các cơ quan ban ngành khác. Dù vậy, hiện nay Ngôi nhà bình yên vẫn đang sẵn sàng đón nhận, giúp đỡ miễn phí cho chị em gặp hoàn cảnh khó khăn”, Chị Thúy bày tỏ.

P. Thanh

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi