Góc tâm hồn

Ngoại ô

(Dân trí) - Vậy là tôi chính thức bước vào cuộc sống sinh viên. Bắt đầu cuộc sống xa nhà và sống tự lập.

 
Ngoại ô - 1


Điểm dừng chân của tôi là Đà Nẵng và tôi bắt đầu hành trình đi tìm phòng trọ. Sau những ngày vất vả tôi cũng chọn cho mình được một nơi ưng ý. Nhà ở ngoại ô vẻn vẹn có hai phòng cho thuê, trước phòng có một mảnh vườn khá khiêm tốn nhưng cây cối thì đủ loại, nào là cây cảnh, cây bóng mát, cây ăn quả. Tôi thấy làm lạ là ở đây người ta vẫn trồng được mấy gốc dứa cho quả to và ngọt. Tôi cũng thấy thú vị bởi trước phòng mình có một cây ớt chỉ thiên trĩu quả, lúc nào cũng cho quả chín nhưng chỉ ngắm mà không ăn được. Và đặc biệt trong vườn còn có một cây ổi quả sai lúc lỉu và rất thơm.

 

Bên hông nhà là một vườn chuối tốt tươi. Những ngày nắng như lửa đốt cũng may có “chiếc quạt ba tiêu” ấy giúp tôi hạ nhiệt. Mấy ngày đầu tôi gọi bà chủ nhà là mệ, gọi mãi nên quen thành ra không còn biết tên tuổi thế nào. Một hôm tôi ung dung ra cửa hàng tạp hóa gần đó mua một bình nước hai mươi lít về uống, giao tiền xong xuôi, bác chủ cửa hàng hỏi tôi: “Con ở chỗ nào lát bác chở nước tới?”. Lúc này tôi mới giật mình ậm ờ, tôi quên mất tên của mệ chủ rồi. Lúc đó bí quá trong đầu tôi bắt đầu đi tìm nội hàm khu biệt ngôi nhà. Suy nghĩ trong chốc lát tôi bảo họ: “Bác cứ chở tới cái nhà có nhiều cây chuối cho con”. Không ngờ óc phán đoán của tôi cũng có hiệu nghiệm, họ hiểu ra ngay rồi bật cười: “Trời ạ! Nhà mệ Minh đó con à!”. Để găm vào trí nhớ của tôi họ nhắc lại thêm một lần nữa: “Nhà mệ Minh có nhiều cây chuối đó con!”.

 

Lại nói chuyện về khu vườn chuối. Ngắm nhìn nó tôi lại nhớ nhà quá! Cũng giống nhà tôi ở quê, trong vườn có nuôi cả vịt lẫn gà tới vài chục con. Trước phòng hàng xóm của tôi có một cái giếng nhưng nước đục ngầu chỉ dùng để tưới cây. Mỗi buổi sáng ra đánh răng rửa mặt, lũ gà vịt đều im thin thít, tròn xoe mắt, ngẩn tò te nhìn tôi lạ lẫm. Dần dà chúng trở nên vô tư lự không còn để ý đến sự xuất hiện của tôi, người vẫn thỉnh thoảng cho chúng những bữa tiệc cơm thừa no nê, nữa.

 

Cái dàn mướp quả sai lúc lỉu bắc sàn trên giếng vẫn xanh tốt, đến một ngày tôi tình cờ phát hiện ra đoạn dây gần gốc cây bị đứt. Cả mệ chủ và tôi chưng hửng đứng nhìn mấy chục quả mướp mới nhú non chanh. Mệ biết ngay thủ phạm là con mi lu, mấy lần mệ bắt gặp thấy nó đứng dưới gốc mướp cào bới hốt hoảng đuổi theo con chuột cống. Mệ chủ nhìn nó lắc đầu bảo “tao chán mày quá!”. Nó tiu ngỉu nằm phục dưới chân tôi, như biết lỗi nó kêu lên ư ử. Những ngày mệ chủ đi vắng, cô hàng xóm về quê, tôi chỉ có nó là bạn. Thỉnh thoảng nó sủa lên vu vơ, tôi lại đỡ buồn. Bạn bè tới chơi bảo tôi giống “nàng bạch tuyết”sống giữa bầy thiên nga (vịt bầu), một bầy ong chuyên gia thụ phấn cho hoa mướp và một “con tuấn mã” trước cửa!

 

Dạo này trời Đà Nẵng hay có những cơn giông xối xả về chiều. Mưa ngắn nhưng thường hôm nào cũng mưa. Trời mát, lũ ếch nhái bắt đầu ca bài ca bất hủ ngay nơi đầu hồi, kế bên lại là cái giường của mệ chủ. Chúng như chọc tức giấc ngủ của người già. Đã thế “mệ cho chúng mày biết tay!”. Buổi sáng hôm ấy trời còn bảng lảng, mệ chít cái khăn rằn gọn gàng trên đầu, tay cầm con dao lớn và một đống dây vải như kiểu cách của người đi rừng. Mệ ra sau hồi, cầm con dao phát qua phát lại, những cây bụi đổ răng rắc. Tiếp theo mệ bước vào vườn chuối tóm cổ ba con vịt bầu, lũ vịt kêu toang toác. Mệ ôm chúng vào lòng trấn an: “Tao nhờ chúng mày một lát chứ có ăn thịt đâu mà kêu khiếp thế!”. Mệ cột vào chân mỗi con một sợi dây rồi thả chúng ra, mệ vẫn giữ dây ở đầu này. Lũ vịt nhát kêu như đứt cổ họng, lũ ếch nhái khiếp vía chạy tán loạn.

 

Mỗi ngày ở đây đều mang lại cho tôi cảm giác yên bình, gần gũi và thân thuộc như quê nhà. Tôi cầm bút biên thư cho cha mẹ và bắt đầu kể về ngôi nhà mới của mình ở vùng ngoại ô.

 

Xuyến Chi - Khánh Hồng