Ngoài đường có gì vui?

Dù có sức tưởng tượng phong phú đến mấy, chị em cũng không cảm nhận hết được “niềm vui ngoài đường” của quý ông. Đàn ông ở bất kỳ tầng lớp, ngành nghề nào, túi tiền ra sao đều có thú vui riêng ngoài đường.

 
Ngoài đường có gì vui?  - 1


“Anh Hai đẹp trai, lâu quá không ghé em nghen!” - Cô tiếp viên quán bia với chiếc váy không thể ngắn hơn, mặt tươi như hoa, ánh mắt rạng ngời như gặp được siêu sao điện ảnh, dù người cô ấy đón chỉ là một anh công chức bình thường, có cái tên cũng rất bình thường: Hai Nhứt!

 

Được người đẹp niềm nở tiếp đón, anh Nhứt không khỏi lâng lâng, cứ tiến vào quán với tư thế ngẩng cao đầu. Ở đây, anh cảm thấy mình như được tôn trọng nhứt.

 

“Nè em, cái chén này sao có vết bẩn?”, “Dạ dạ, anh chờ chút, em đổi cái khác, em xin lỗi”. Anh Nhứt lại thấy mình oai hẳn lên. Cô gái lúng liếng: “Bữa nay anh Hai muốn ăn gì?”, “Anh sẽ ăn món mà em thích”. Cô gái cười rổn rảng, anh Nhứt cũng sướng bụng vì hình như mình vừa thành công với một câu rất hóm hỉnh. “Tụi em có món này, món này, món này... em đi chợ giùm anh nha, món này, món này, món này nè...”, “Thoải mái đi em, món gì em thích thì anh cũng ưa!”, “Anh Hai vui tính quá hà”. Chỉ cần tốn hơn trăm ngàn bạc, anh Nhứt đã thực sự được làm “thượng đế”.

 

Đó chỉ là màn khởi đầu. Sau khi đám bạn kéo đến đông đủ, hơi bia ngà ngà, anh Nhứt ngoắc cô tiếp viên lại gần, tỏ vẻ bí ẩn: “Em coi thiệt kỹ nha, tờ 20 ngàn thành tờ 5 ngàn nè”. Món ảo thuật đơn giản mà anh đã học lóm được, khiến cô nàng trầm trồ khen ngợi: “Sao hay vậy anh? Anh làm sao được hay vậy? Anh hay quá hà”. Anh Nhứt lại cười tít mắt.

 

Bóng đá cũng là món “sướng” của đàn ông khi họ được tụ tập bình luận. Câu chuyện sẽ kéo dài bất tận, từ SEA Games đến giải ngoại hạng Anh, giải vô địch Ý... Trong tranh luận, thể nào cũng có người muốn quan điểm của mình “nặng ký” hơn bằng cách cáp độ một số bia, khiến câu chuyện càng thêm sôi nổi.

 

Với đàn ông, cái sướng nhất của việc ngồi quán nhậu là họ được thoải mái nói những gì mình thích và có quyền... không nghe người khác nói mà không sợ bị giận. Tự do được tôn trọng gần như tuyệt đối. Còn gì bằng khi được tự do ăn nói, lại còn được người khác phục vụ một cách vui vẻ, tận tình?

 

Khi ngồi với nhau bên chai bia là những câu chuyện hào hứng của cánh đàn ông cứ tuôn ra như suối, mạnh ai nấy nói, thoải mái cười sảng khoái không sợ ai phật lòng, vô tư đưa ra nhận định đủ kiểu, cứ thế hết chai này đến chai khác...

 

Ngoài chuyện nhậu, quý ông còn khối trò vui khác. “Lành mạnh” nhất là chơi thể thao. Ở Sài Gòn, giờ tan tầm, nếu không đăng ký trước, sẽ khó có “vé” được vào các câu lạc bộ để chơi những môn thịnh hành như tennis, cầu lông, bóng bàn... Có một lần vào các câu lạc bộ này mới cảm nhận được niềm hạnh phúc của những người được “sà” vào đam mê sau giờ làm việc. Họ thi đấu hào hứng, họ bàn luận rôm rả, họ sảng khoái khi mồ hôi túa ra mà tay được nâng cốc bia lạnh...

 

Sơ lược “vài đường cơ bản” vậy thôi đã thấy “đời sống ngoài đường” của các ông vui đến cỡ nào rồi. Còn nếu người đàn ông phải về nhà ngay sau giờ tan tầm thì sao?

 

Cuộc chiến “kéo chồng về nhà”

 

Những lúc quý bà “chế tài” được chồng về nhà ngay sau giờ làm việc, hãy thử xem tâm trạng của quý ông thế nào.

 

“Hé lô hai mẹ con, ba về rồi đây!” - anh Hai Nhứt cố gắng tạo không khí vui vẻ (vì mấy khi về sớm, phải chịu khó “ghi điểm”). Chị Nguyệt, vợ anh như tạt nước lạnh vào mặt: “Lô lô cái gì, em nhờ mua bó rau muống, có nhớ không đó? Cất xe nhanh đi còn phải tắm cho con”. Anh bấm bụng kiềm chế, thông cảm cho vợ một tí, chắc bà xã đi làm về mệt, nhà cửa bề bộn nên bực dọc.

 

“Làm ơn thả cái tờ báo ra, đi dọn cơm phụ cái. Cứ về đến nhà là ôm lấy tờ báo! Ở cơ quan, anh đọc cả ngày chưa chán à?”. Anh bấm bụng thêm một lần nữa: “Đây đây, ba đi dọn cơm cho hai mẹ con đây”.

 

Hí hoáy mãi anh cũng dọn ra được bữa cơm. Anh hơi cau mày: “Em ơi, cái chén này sao dơ vậy ha?”, “Dơ thì rửa. Ở nhà này, sao chuyện gì cũng đến tay tôi vậy?”. Anh nhẩm tính trong bụng, rõ ràng mình vừa tắm cho con, vừa dọn cơm, sao vợ lại bảo việc gì cũng đến tay cổ? Tuy thế, anh vẫn “bằng mặt”, cố gắng không to tiếng. “Chà! Canh chua này mà có thêm tí ớt thì...”, “Sao anh khó chịu quá! Thiếu ớt thì mở tủ lạnh ra mà lấy, nói gần nói xa, mệt”. Đến đó, ai mà chẳng nóng mặt, bụng cũng nóng theo, không còn hứng thú để ăn uống.

 

Cũng có những ngày anh về sớm, “làm trò mua vui” cho cả nhà: “Hai mẹ con xem kỹ nhé, cả bộ bài sẽ phút chốc biến thành một lá bài”. Trong khi thằng cu cười tít mắt thì vợ anh hờ hững: “Mấy trò đó chỉ lừa được trẻ con”. Anh chưng hửng. Món ảo thuật mà anh âm thầm luyện tập chỉ là trò trẻ con trong mắt vợ. Đúng là “bụt chùa nhà không thiêng”. Mua vui cho vợ không thành còn ôm bực dọc vào người, anh chạnh lòng khi chợt liên tưởng đến chuyện mình được chăm sóc ra sao khi ở quán nhậu.

 

Một ngày đẹp trời, anh Nam Sơn - phó phòng kinh doanh của một công ty điện máy, rón rén báo cáo với vợ chuyện sắm một cây vợt tennis. Anh chỉ dám khai giá bằng phân nửa giá thực: “Chịu khó đầu tư một tí em à, vợt có một triệu hà, anh tập cho tiêu bớt mỡ”. Vợ anh giẫy nảy lên ngay, không chỉ vì chuyện bỏ bạc triệu cho cái vợt, mà còn vì anh “dám” xin đứt vợ con cả hai ngày cuối tuần để chơi quần vợt.

 

Sau nhiều lần, từ thương lượng đến đấu tranh, anh đành nhượng bộ, chấp nhận phương án của vợ: Trả vợt, lấy tiền mua máy chạy bộ để tập ở nhà, vừa tiêu được mỡ, vừa gần gũi vợ con. Vợ anh không hiểu, thể thao hấp dẫn người ta từ cả những thứ nằm ngoài sân đấu. Trước khi đánh, có thể “gáy” với nhau vài tiếng, cáp độ vài chầu bia. Sau trận, đi làm với nhau vài chai, bàn tán, mổ xẻ chuyện thắng thua. Ngớt chuyện thực tế, lại tán sang chuyện bên Tây, bên Tàu, vô cùng sướng miệng. Còn bây giờ, anh một mình bước lên máy tập, đơn điệu và chán kinh khủng. Tập đúng hai bữa, anh bảo vợ: “Tập thể thao tại nhà, thà nằm gác chân coi tivi sướng hơn”.

 

Niềm vui của quý ông hầu như nằm hết... ngoài đường. Nói như thế có vẻ bất công đối với việc vợ chồng chung tay xây tổ ấm, nhưng đó là sự thật. Thực tế cho thấy, tâm lý chung của đàn ông khá đơn giản: Giữ bình yên cho gia đình là “được rồi”, hiếm người toàn tâm “đầu tư chất xám” để tạo niềm vui và sự hứng khởi ngay trong chính ngôi nhà của mình. Bên ngoài, niềm vui đã sẵn, chỉ việc ra mà tận hưởng, mà “thăng hoa”.

 

Với người vợ, việc làm tròn vai nội tướng, chăm sóc cơm ăn, áo mặc đâu vào đó cho chồng con đã đủ bở hơi tai, bản thân của quý bà còn không có thời gian tính tới, vả lại, sao chỉ mình các bà lo? Vậy là bất công rồi, nói chi đến chuyện bỏ công bỏ sức để tạo niềm vui cho gia đình? Vậy là sinh chuyện tréo ngoe: Vợ luôn muốn chồng toàn tâm toàn ý với gia đình, muốn chồng luôn cảm thấy vui sướng khi được về nhà sớm cùng vợ con, còn chồng lại quá hướng ngoại. Vậy là tan giờ làm, hàng quán đông nghẹt, nhà cửa chỉ có người vợ và con nhỏ...

 

Cũng có người cho rằng, hành trình của cuộc sống là đi tìm niềm vui. Thế nên, muốn người chồng từ bỏ niềm vui “ngoài đường”, người vợ phải tạo được nguồn vui ở nhà lớn hơn để thay thế. Nhưng, giữa cuộc sống bộn bề, thu vén cho gia đình yên ổn đã khiến các chị hụt hơi, tâm sức đâu nữa mà lo chuyện tào lao.

 

Theo PNO