Nghiện về với... bu

Còn nửa tháng nữa mới đến Tết mà mọi người phòng Xuyên đã cuống lên lo mua sắm, lo chuyện về quê. Nhiều người thì lại mong, giá đừng có Tết...

 

Nghiện về với... bu


Không phải mọi người không thích Tết mà là ngại về quê, nào là tầu xe chen chúc, mua vé khó khăn, nào là đường xá xa xôi, say tầu say xe, nào là tiền quà cáp đã tốn nhưng khiếp  nhất là tiền lì xì cho lũ cháu ở quê, chẳng biết bao nhiêu cho đủ, bao nhiêu cho vừa lòng mọi người. Rồi thì cả năm bù đầu với công việc, chỉ mong có vài  ngày được nghỉ ngơi, vậy  mà mấy ngày Tết còn khổ  hơn ngày thường. Về quê  không được ngủ nướng, suốt ngày chỉ lo bếp núc, tiếp khách, mà khách thì chẳng thân thiết gì với mình nên chẳng biết lấy chuyện gì ra để nói. Về  quê không phải nhà mình  nên cái gì cũng thiếu, đến  ăn cũng chẳng được tự  do. Nhiều cô ngày Tết chỉ  biết đến cái bếp, hết làm  cỗ lại đến dọn mâm, rửa át, quét nhà. Mệt quá  chẳng ăn được gì nên  hết Tết là ốm.

 

Nghe mọi người phàn  nàn, mệt mỏi vì ngày  Tết phải về quê, Xuyên  lại nhớ cái Tết đầu tiên  về quê chồng Xuyên  cũng có tâm trạng như  thế. Nghĩ đến chặng  đường 200 trăm cây số  đi ô tô, rồi 5 cây số cuốc bộ với túi to túi nhỏ lỉnh kỉnh hơn chục cân, Xuyên thấy ngại khủng khiếp. Nhưng không thể không về.

 

Xe vừa đến bến, Xuyên  đã nghe tiếng reo gọi tên  vợ chồng cô. Thì ra hai  đứa em họ của Thuận  ra đón từ mấy chuyến  xe trước. Say xe tưởng  chết, vậy mà xuống xe  là Xuyên hết say ngay.  Không khí trong lành  của miền quê như thuốc  tiên khiến Xuyên khỏe  lại như chưa từng say.  Vừa đến đầu làng Xuyên  đã thấy mọi người chào  hỏi tíu tít: Nhà Thuận  về ăn Tết đấy à? Nhà  Thuận về được mấy  hôm? Đi từ lúc nào mà  giờ mới về đến đây?  Đi có mệt lắm không  cháu?... Nhìn ánh mắt  mọi người âu yếm, niềm  nở đón mình, Xuyên  cảm động quên hết mệt  nhọc, cô thấy tình người  của người dân quê chân  chất, mộc mạc và cũng  rất chân thành.

 

Hôm ấy, Xuyên được  ưu tiên không phải làm  gì. Mẹ chồng bảo: "Con  say xe nên cứ nghỉ đi,  mai hãy hay. Bu cũng  bị say xe nên bu biết,  mệt lắm, người cứ như  người mượn ấy, chả làm  gì được đâu. Với lại nhà  nhiều người, có thêm  con cho vui chứ không  thiếu người làm..." Bà nó i thế nhưng  Xuyên đâu dám nghỉ.  Xuyên xuống bếp giúp  bà làm cỗ, giúp bà gói  bánh. Xuyên vốn khéo  tay, cô biết tỉa hoa, biết  trang trí, chỉ vài cọng  hành, quả ớt, mấy lá rau  thơm, rau mùi mà mâm  cỗ cô bầy đẹp như tranh  vẽ khiến mọi người cứ  trầm trồ tấm tắc. Họ  khen mẹ chồng cô may  mắn, khen chồng cô  khéo chọn vợ, khen con  gái Hà Nội có khác... 

 

 

 

Quê Thuận gói bánh  chưng bằng khuôn nên  thấy Xuyên không cần  khuôn mà cái bánh nào  cũng vuông và đều nhau  chằn chặn, lại gói nhanh  thoăn thoắt khiến mọi  người cứ lác mắt, trầm  trồ. Mấy cô em họ bắt  chước nhưng gói đến  mấy cái mà bánh vẫn  thành hình chữ nhật  làm mọi người lăn ra  cười, vui thật là vui.

 

Trên đường về Xuyên  vẫn bị say nhưng cô  nghĩ, năm sau mình lại  về quê nhưng phải mua  mấy liều thuốc chống  say mới được...

 

 

 

8 năm đã qua, Tết nào  Xuyên cũng về quê.  Nhớ đến cái Tết mang  bầu bé Cún đến tháng  thứ 5, Xuyên được cả  họ chăm sóc như công  chúa. Mẹ chồng cảm  động lắm, bảo: Bu cứ  nghĩ các con không về.  Năm nay thì con đừng  làm gì nhé, không phải  giữ ý, con phải giữ gìn  cho bé.   

 

Năm sau, anh bạn  thân của Thuận có ô tô  rủ về quê, thế là Xuyên  lại ôm con đỏ hỏn về ăn  Tết. Mấy ngày Tết nhà  như có hội, mọi người  kéo đến thăm hai mẹ  con mãi đến khuya mới  tàn. Khi hai mẹ con  về, mọi người còn cho  bao nhiêu quà quê, có  cả sọt trứng gà khiến  Thuận cứ lăn ra cười,  trêu: Em thấy về quê  sướng chưa...

 

Mọi người trong phòng  bảo Xuyên nghiện quê.  Xuyên nghiện thật.  Không chỉ đưa con về  quê vào dịp Tết mà hè  năm nào Xuyên cũng  nghỉ phép đưa các con  về quê ở cả nửa tháng.  Không chỉ vì không khí  quê trong lành, không  chỉ vì ở quê có chỗ cho  bọn trẻ chạy nhẩy vui  đùa và cũng không chỉ  để con trẻ biết thêm  những điều không có  trong sách, mà Xuyên  còn muốn những ngày ở  quê, chúng học được nét  mộc mạc, chân chất của  người dân quê và hơn  hết là chúng gắn bó với  người thân, họ mạc, gắn  bó với cội nguồn. 

 

Theo Lê Trần

PNVN